Sông Cầu một dải

Sông Cầu một dải
7 giờ trướcBài gốc
Dọc sông Cầu, từ vùng đất Đôn Phong đến vùng đất Xuân Phương hiện đã có gần 20 cây cầu bắc qua. Trong ảnh: Cầu Bến Tượng.
Đỉnh Phia Boóc, nơi có những mạch nước nhỏ gom lại thành dòng, tạo nguồn sinh thủy để khởi lên dòng sông Cầu. Tôi đã hình dung như thế khi đứng ở cánh đồng Phương Viên, thuộc vùng Chợ Đồn. Dưới những thảm thực vật, từng mạch nước trong vắt, ngọt lành triệu triệu năm rí rách góp nước làm lên sự hùng vĩ của dòng sông.
Tôi từng mơ ước một ngày nào đó mình sẽ du thuyền trôi theo dòng nước từ thượng nguồn Phương Viên về cửa biển Thái Bình - một giấc mơ xa vời. Ông Trần Văn Minh, 84 tuổi, người Đồng Bẩm, nói với tôi như thế. Đoạn ông tiếp lời bằng niềm tự hào: Vào những năm bẩy mươi của thế kỷ trước tôi làm công nhân của một Lâm Trường thuộc tỉnh Bắc Thái, chuyên việc đóng cốn, nịt bè và lái bè mảng tre, nứa, gỗ từ các mé rừng trên thượng nguồn về xuôi. Tôi thuộc nằm lòng từng con nước ở các quãng sông từ Bắc Kạn về hết địa phận Thái Nguyên. Tôi không đi xa hơn, vì nhắm mắt lơ là bè mảng sẽ trôi sang vùng sông quan họ Kinh Bắc.
“Sông Cầu một dải” là câu khẩu ngữ của những chàng trai vạm vỡ như ông Minh ngày làm công nhân lái bè mảng cho ngành lâm nghiệp. Chuyện của ngày hôm qua đã là quá khứ. Ký ức về những chuyến bè mảng xưa được dòng nước mang đi. Nhưng nơi phát tích dòng sông Cầu ở đỉnh Phia Boóc vẫn từng hạt nước mong manh gom lạị. Bắt đầu từ Phương Viên dòng sông Cầu thành hình hài. Không kén chọn chảy đi đâu, bất chấp dốc đá, địa hình hiểm trở, sông Cầu lặng lẽ về xuôi theo quy luật tự nhiên.
Rời rừng, vừa đi, sông Cầu liên tục tiếp nhận thêm sự tiếp sức của các dòng Nà Căng, rồi Khuổi Tóc, Khuổi Luổi, Khuổi Cún… và mang theo một sức sống tự nhiên đến với các vùng đất Bắc Kạn, Thái Nguyên, tạo nên sự trù phú, đầm ấm, no đủ cho các bản làng.
Bên dòng sông, khung cảnh thiên nhiên như bức tranh thay đổi theo mùa. Trong bức tranh ấy có những người dân mang sắc chàm bận rộn với công việc đồng áng. Để mỗi chiều muộn, sau giờ lao động mệt nhoài mọi người cùng ùa ra bờ sông tắm gội, giặt giũ, trút đi mọi phiền muộn của ngày.
Đang những ngày tháng Bảy. Nhưng tháng Bảy của năm 2025 là những ngày hoàn toàn khác. Hai vùng đất Thái Nguyên và Bắc Kạn hợp lại lấy tên chung là tỉnh Thái Nguyên. Với dòng sông Cầu thì việc tách hay nhập tỉnh chỉ mang tính chất phân chia, giới hạn về địa lý hành chính. Chẳng quan trọng gì bởi các dòng sông trên trái đất đều chảy xuôi về biển. Sông Cầu cũng thế, về mùa khô thì lặng lẽ hiến dâng. Về mùa mưa thì náo nhiệt, cuồn cuộn khoe sức như triệu triệu lực điền mang phù sa bồi đắp nên những cánh đồng nuôi mùa lúa, mùa khoai.
Một góc làng quê nơi đầu nguồn sông Cầu.
Nhìn dòng sông đỏ màu phù sa, một cụ ông quắc thước, khỏe khoắn nói với tôi bằng chất giọng ôn tồn: Không biết sông Cầu có từ bao giờ, nhưng từ ngày còn nhỏ chúng tôi đã tắm sông, lấy cá, lớn hơn thì vào ngày xuân trai gái hát giao duyên mà nên vợ, thành chồng. Đã có bao mùa mưa lũ, nước sông ùa lên, khi trở lại với chính mình không bao giờ quên tặng lại cho bờ bãi những hạt phù sa. Nhờ sông mà đồng làng tươi tốt.
Thời đại công nghiệp 4.0, một ngày mới mở ra thì ngày hôm trước đã khép lại thành quá khứ. Nhưng dòng sông Cầu không thay đổi, vẫn rì rầm kể chuyện ngày xưa, bên bến sông có nhiều lắm những bến bờ cho đò, thuyền cập mạn. Nay những bến đò xưa được thay thế bằng cầu bê tông vững chãi vươn mình sang sông, nối gần lại đôi bờ.
Tôi đã nhiều lần được nghe kể về dòng sông chảy giữa núi rừng Việt Bắc này. Trước lúc hợp thành Lục đầu giang, ngược theo dòng nước kể từ vùng Thái Nguyên lên Bắc Kạn, đến với thượng nguồn Phia Boóc, nơi dòng sông bắt đầu cho hành trình triệu triệu năm. Đó cũng là một trường đoạn sông Cầu chịu nhiều gập ghềnh nhất. Với vô số đá lớn, đã nhỏ, nhiều đoạn đá tụ thành bãi như đàn trâu không lồ đằm xuống dòng sông.
Lại chuyện của ông Minh: Gặp đoạn sông ấy, cánh lái bè chúng tôi phải choãi chân như người đứng tấn, măng căng ra nhìn để tính toán, phản xạ chống đỡ với cây sào trong tay, người đầu - đuôi bè phối hợp ăn ý, chính xác, một chút sơ sểnh có thể tan bè, vỡ mảng và bại nghiệp. Nhất là đoạn sông đi qua vùng đất Chợ Mới, dòng nước bị 2 dải núi bên bờ ép lại, tạo nên độ dốc lớn. Nước chảy xiết còn bởi lòng sông “hậm hực” vì những đá tảng, đá phiến ẩn mình dưới lòng sông.
Mùa vụ thư nhàn, nhiều bà con nông dân vùng thượng nguồn sông Cầu làm thêm nghề đan lát, cải thiện cuộc sống.
Trở lại với con thuyền bồng bềnh tôi mơ ước. Con thuyền trôi đi cùng tháng năm trên dòng chảy sông Cầu. Cũng khi ấy tôi nhận ra một điều thú vị: Dòng sông Cầu qua vùng Bắc Kạn và Thái Nguyên dù được phân khúc về danh giới địa lý hành chính rõ ràng, danh giới được lấy giữa vùng đất Chợ Mới (Bắc Kạn) và vùng Văn Lăng (Thái Nguyên), nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì với một dòng sông.
Lặng lẽ chảy, lặng lẽ mang đi và còn ở lại là những bản làng cùng chung câu Then, câu Sli và điệu khèn mê mải với các lễ hội truyền thống. Sông Cầu đi hết đất Thái Nguyên thì neo lại nét văn hóa đặc sắc của núi rừng Việt Bắc. Vào đất Bắc Giang, vẫn dòng sông Cầu nhưng lại mang làn điệu quan họ mượt mà, chẳng dính dáng gì đến những nét đẹp văn hóa biểu trưng của vùng Việt Bắc.
Chỉ có người ở hai vùng đất Bắc Kạn và Thái Nguyên mong ước đến một ngày nào đó, nhất là sau khi dòng sông không còn bị chỉ giới địa lý hành chính tạo thành lát cắt vô hình ngang dòng, sẽ có những chuyến đò đưa khách xuôi dòng từ thượng nguồn Phương Viên về bờ Thuận Thành. Rồi từ Thuận Thành ngược dòng qua từng khúc sông, ngắm cảnh làng quê trù phú và những phố phường soi bóng xuống gương sông.
Tôi sẽ đi trên một chuyến đò như thế. Ngồi thưởng trà, nhâm nhi thanh kẹo lạc có nguyên liệu từ chè và trà. Ung dung tự tại ngắm cảnh vật bên bờ, lắng nghe nàng sơn nữ thả tiếng đàn tính, câu then, hoặc buông lơi câu hát Sli lên mặt sông, lòng nghiêng ngả say men đất trời làm sóng sánh niềm hoan ca trên một dải sông Cầu.
Phạm Ngọc Chuẩn
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/song-cau-mot-dai-e0304ce/