Nâng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tiễn
Anh Nguyễn Văn Dũng (Hà Nội) thu nhập hàng tháng 16 triệu đồng, vợ anh thu nhập 5 triệu đồng. Cậu con trai học tiểu học được tính là người phụ thuộc theo anh. Với số tiền 21 triệu đồng mỗi tháng, trừ chi phí thuê nhà 6 triệu đồng, còn 15 triệu đồng chi tiêu cho 3 người, gồm tiền học hành ăn uống, sinh hoạt, chưa kể hiếu hỷ, giỗ chạp, ốm đau bệnh tật, tháng nào gia đình anh cũng phải tính toán chi tiêu dè sẻn mới đủ. Thế nhưng tính ra, mỗi tháng anh vẫn phải đóng thuế TNCN cho khoản thu nhập 500 nghìn đồng.
“Vì thu nhập của tôi quá thấp, nên khoản đóng thuế không đáng kể, nhưng trong khi gia đình tôi ăn còn lo thiếu, mà vẫn phải đóng thuế TNCN là điều hết sức bất cập”, anh Dũng bức xúc.
Khi giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng cao, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cần được thay đổi.
Trong khi đó, đang yên đang lành, bỗng bị đóng thuế TNCN khiến chị Nguyễn Thị Huyền (Hà Nội) cũng không khỏi lo lắng. “Tôi làm trong một đơn vị sự nghiệp có thu, trước đến giờ, lương cứng theo hệ số của tôi chỉ có 5,8 triệu đồng, cộng với tiền sản phẩm theo khoán khoảng 4 triệu, tổng cộng mỗi tháng cũng gần 10 triệu đồng thì không phải đóng thuế TNCN. Tuy nhiên, từ tháng 7/2024 đến nay, thực hiện lương mới, lương tôi tăng thêm 30%, gần 8 triệu đồng. Cộng với 4 triệu đồng khoán sản phẩm, thu nhập mỗi tháng của tôi được tăng lên 12 triệu đồng – chính thức phải chịu thuế TNCN. Điều đáng nói, mặt bằng giá cả hàng hóa đều tăng, chi tiêu phải co lại mới đủ sống. Thế nhưng, tôi vẫn ở trong danh sách những người có thu nhập cao phải đóng thuế”, chị Huyền than thở.
Theo phản ánh của những người lao động, mức GTGC hiện nay đã trở nên quá lạc hậu. Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính sau kỳ họp quốc hội thứ 7 khóa 15, cử tri nhiều tỉnh thành có kiến nghị điều chỉnh GTGC phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Đề xuất này suốt thời gian qua cũng được các chuyên gia nhắc tới nhiều lần, khi cho rằng cách điều chỉnh GTGC hiện nay vẫn chưa hợp lý.
Song, phản hồi đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật thuế TNCN hiện hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất thì mới điều chỉnh GTGC. Bộ Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất (năm 2020), do đó Bộ Tài chính khẳng định theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, chưa thể điều chỉnh mức GTGC.
Nghiên cứu sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh
Bình luận về viện dẫn của Bộ Tài chính, TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho rằng hiện nay việc chưa sửa đổi mức GTGC phía Bộ Tài chính giải thích là có căn cứ, vì chiếu theo quy định là lạm phát vượt 20% mới nâng mức GTGC. “Tuy nhiên, quy định cũng chỉ là quy định, vì mức GTGC phải gắn với mặt bằng thu nhập dân cư – đấy là về lý. Còn về mặt pháp luật, chúng ta phải tuân thủ luật. Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật thuế TNCN sửa đổi. Việc chúng ta trình dự luật cứ trình dự luật, còn việc luật hiện hành thì vẫn phải thực hiện”, ông Trường nói.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo CAND, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLAW cho biết vấn đề mức GTGC trong thuế TNCN luôn là một chủ đề được quan tâm. Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2012 và Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức GTGC hiện tại đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc (áp dụng từ 1/7/2020 theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14). Mức này được điều chỉnh trên cơ sở mức lương cơ sở và chỉ số CPI tại thời điểm đó. Tuy nhiên, theo ông Hà, trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng cao, mức GTGC 11 triệu đồng/tháng không còn tương xứng với chi phí sinh hoạt tối thiểu. “Chẳng hạn, giá cả thực phẩm, y tế, giáo dục và nhà ở đều tăng, khiến khả năng tiết kiệm và tích lũy của người lao động bị giảm sút”, ông Hà phân tích.
Bên cạnh đó, ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024. Được biết, GTGC là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Theo đó, khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 sẽ kéo theo thu nhập chịu thuế tăng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quyết định tăng mức GTGC khi tăng lương cơ sở. “Từ quan điểm pháp luật, việc điều chỉnh mức GTGC là cần thiết để đảm bảo nguyên tắc công bằng trong chính sách thuế. Điều này cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ thống thuế công bằng và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội”, ông Hà nêu ý kiến.
Đi vào cụ thể hơn, vị luật sư này cho rằng cần điều chỉnh mức GTGC phù hợp với tình hình hiện tại, có thể nâng lên mức khoảng 15-20 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 6-8 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc, dựa trên các nghiên cứu kinh tế. Thứ hai, thường xuyên cập nhật theo CPI. Nên xây dựng cơ chế tự động điều chỉnh GTGC theo chỉ số CPI hàng năm để giảm thiểu độ trễ trong chính sách. Thứ ba là cải cách hệ thống thuế. Cần có một đánh giá tổng thể về hệ thống thuế TNCN, bao gồm cả việc nâng mức chịu thuế và áp dụng biểu thuế lũy tiến công bằng hơn.
“Một chính sách thuế công bằng không chỉ đảm bảo nguồn thu ngân sách mà còn góp phần bảo vệ đời sống của người dân, đặc biệt là các nhóm thu nhập trung bình và thấp. Đây là lúc Nhà nước cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và người dân để có sự thay đổi phù hợp”, ông Hà kiến nghị.
Hà An