'Sóng' giá hàng hóa kéo nhiều nhóm cổ phiếu tăng trưởng

'Sóng' giá hàng hóa kéo nhiều nhóm cổ phiếu tăng trưởng
một ngày trướcBài gốc
Đóng cửa phiên 20/2, VN-Index đứng ở mức 1.292,98 điểm, tương ứng tăng 4,42 điểm (0,34%) so với phiên trước. Ảnh tư liệu
Cổ phiếu hàng hóa thành tâm điểm
Chứng khoán diễn biến thận trọng, với xu hướng chính là giằng co trong biên độ hẹp ở tháng đầu tiên của năm 2025. Áp lực bán ròng từ khối ngoại, cùng sự phân hóa cao của dòng tiền khi các chỉ số chính hầu như đi ngang. Tâm điểm chú ý của thị trường chủ yếu hướng vào các nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng, đặc biệt là các nhóm cổ phiếu hàng hóa.
Ở nhóm cao su, GVR trở thành một trong những cổ phiếu tích cực nhất nhóm bluechips. Mã này khởi đầu năm 2025 ở mức 28.000 đồng, nhưng đến cuối phiên 20/2 đã tăng hơn 16% lên trên 32.400 đồng. Những mã khác nhóm này, dù có thị giá không thấp, cũng ghi nhận xu hướng tích cực.
So với cao su, các cổ phiếu nhóm khoáng sản thậm chí còn gây ấn tượng hơn khi nhiều mã ghi nhận mức tăng bằng lần chỉ trong hơn một tháng, bất chấp xu hướng giằng co của thị trường chung.
Cổ phiếu MTA của Khoáng sản Hà Tĩnh giao dịch dưới vùng giá 5.000 đồng cho tới cuối năm 2024, bật lên trên mệnh giá trong tháng đầu tiên của năm nay và hiện giao dịch gần 29.000 đồng. Chỉ trong gần ba tháng, thị giá của MTA tăng tới 500%. Tương tự, cổ phiếu MSR của Masan High-Tech Materials cũng tăng hơn gấp đôi chỉ sau ba tuần đầu tháng 2. Cổ phiếu "họ Masan" giao dịch quanh mốc 10.000 đồng trong tháng đầu tiên của năm nay, trước khi bật tăng lên hơn 23.000 đồng, tính tới cuối phiên 20/02.
Ngoài ra, nhóm khoáng sản, các cổ phiếu cảng biển – vận tải biển cũng ghi nhận hai tháng giao dịch sôi động. Mã TOS của Dịch vụ biển Tân Cảng, mã này từ giữa tháng 1 đến nay đã tăng gấp đôi, lên hơn 140.000 đồng; TCL của Đại lý Giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng cũng tăng lên hơn 41.000 đồng...
Động lực tăng từ thị trường và chính sách
Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu khoáng sản, theo giới phân tích, một phần từ những căng thằng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Ở nhóm cao su, thị trường cao su đang chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ nhờ nguồn cung toàn cầu bị thiếu hụt, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc và các ngành công nghiệp ô tô, sản xuất găng tay y tế tăng cao. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, giá xuất khẩu cao su bình quân trong cả năm 2024 đạt 1.701 USD/tấn, tăng 26% so với giá bình quân năm 2023 là 1.350 USD/tấn.
Với nhóm khoáng sản, Trung Quốc đã công bố lệnh hạn chế xuất khẩu toàn diện vào Mỹ nhằm vào 5 kim loại được sử dụng trong các ngành công nghiệp quốc phòng, năng lượng sạch và các ngành công nghiệp khác. Trong đó, Vonfram dẫn đầu trong 5 nhóm kim loại bị hạn chế xuất khẩu. Tiếp theo là Indium, Bismuth, Tellurium, Molybdenum. Động thái này được công bố ngay sau khi Mỹ chính thức áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ Ba.
"Giá một số hàng hóa cơ bản đã tăng cao sau khi Mỹ và Trung Quốc có những động thái đầu tiên liên quan tới thuế quan. Điều này có thể giúp kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp sản xuất được chú ý", ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT, nhận xét.
Chuyên gia này cho rằng, sự dịch chuyển gần đây của dòng tiền không chỉ mang tính chất đầu cơ khi xu hướng tăng được duy trì không ngắn. "Nếu xem xét kỹ sự biến động của nhóm doanh nghiệp hàng hóa vừa qua thì chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt được dòng tiền hướng tới, trong khi nhiều mã mang tính đầu cơ 'nằm ngoài cuộc chơi'", ông Phương nhận xét.
Một động lực khác cho nhóm này còn đến từ những thay đổi của chính sách, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản. Dự thảo này quy định rõ ràng hơn về việc cấp phép khai thác khoáng sản. Việc minh bạch về các quy định, theo giới phân tích, sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia dự án khoáng sản, rủi ro pháp lý cũng sẽ giảm.
Trong quy định về năng lực tài chính, dự thảo nêu rõ quy định về đòn bẩy tài chính, nợ trên vốn chủ hữu; thuế và chi phí, các chỉ số báo cáo tài chính, quy định vốn chủ sở hữu đầu tư dự án. Những doanh nghiệp đủ điều kiện cấp phép triển khai dự án khai thác khoáng sản phải thực sự là những doanh nghiệp có năng lực tài chính. Năng lực tài chính phải lớn và phải "sạch", tức là đòn bẩy thấp. Thông thường, các doanh nghiệp khai khoáng có mức rủi ro đòn bẩy khá cao, do đó, nếu doanh nghiệp có mức rủi ro đòn bẩy càng thấp thì khả năng được cấp giấy phép càng cao.
Bên cạnh đó, năng lực triển khai dự án phải tốt, doanh nghiệp có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án thì sẽ có lợi hơn so với doanh nghiệp ngoài ngành.
Các chuyên gia cho rằng, những doanh nghiệp lớn trong ngành sẽ là những cái tên đầu tiên hưởng lợi, bởi những doanh nghiệp này có ưu thế về quy mô vốn, cấu trúc tài chính. Điều này cũng lý giải phần nào đà tăng liên tục của nhóm doanh nghiệp khoáng sản thời gian qua.
Xuất khẩu có thể chịu thách thức từ chính sách của Mỹ
Theo nhóm phân tích từ Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với những thách thức bên ngoài ngày càng tăng từ các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi Việt Nam xếp hạng thâm hụt lớn thứ tư của Mỹ và có độ mở kinh tế lớn. Tuy nhiên, với các chính sách đối ngoại tích cực của Việt Nam, bao gồm cam kết mở rộng nhập khẩu từ Mỹ (bao gồm cam kết mua máy bay Boeing và các mặt hàng công nghệ cao khác) và nâng cấp quan hệ Mỹ -Việt Nam lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, kỳ vọng làm giảm phần nào sự ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của ông Trump, ít nhất là trong tương lai gần.
Minh Tuấn
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/song-gia-hang-hoa-keo-nhieu-nhom-co-phieu-tang-truong-170924-170924.html