Tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu vòng hai căng thẳng tại quốc hội để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau 3 thập kỷ, một thủ tướng Nhật Bản phải trải qua vòng bỏ phiếu thứ hai để xác nhận vị trí của mình.
Theo đài truyền hình NHK, trong vòng 2 - vòng quyết định của cuộc bầu cử thủ tướng tại Quốc hội Nhật Bản với 2 ứng cử viên là ông Ishiba và đối thủ là Noda Yoshihiko - Chủ tịch đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) đối lập, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền đã giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu 221-160.
Tuy nhiên, dù có thể sống sót trước những áp lực phe đối lập, tân thủ tướng Nhật Bản còn phải đối diện với nhiều thách thức phía trước.
Thỏa hiệp với phe đối lập
Theo hãng thông tấn Reuters, một trong những thách thức cấp bách nhất mà ông Ishiba phải đối mặt là dự thảo một ngân sách bổ sung cho năm tài chính đến tháng 3, dưới áp lực của cử tri và các đảng đối lập nhằm tăng chi tiêu cho phúc lợi và các biện pháp trợ cấp giá cả tăng cao.
Thủ tướng Ishiba Shigeru phải giải quyết tình trạng tham nhũng trong chính nội bộ LDP. Ảnh: Nikkei
Việc để mất thể đa số trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản gần đây, đồng nghĩa với việc chính phủ của LDP và các đồng minh phải thỏa hiệp với phe đối lập để thông qua các chính sách quan trọng. Hiện tại, phe đối lập do CDP đứng đầu đã giành quyền kiểm soát gần một nửa số ủy ban chỉ đạo của Hạ viện Nhật Bản. trong đó có 12 ủy ban trọng yếu về ngân sách, cải cách chính trị, an ninh quốc gia và các vấn đề pháp lý. Đây là sự thay đổi lớn so với thời kỳ LDP nắm quyền kiểm soát 24/27 ủy ban.
Một cái tên đáng chú ý khác của phe đối lập là đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPP), chính đảng đã giành được 28 ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua, gấp 4 lần trước đó. Hiện tại, Thủ tướng Ishiba đang xem xét khả năng hợp tác với DPP, do hai đảng có điểm chung trong các vấn đề như năng lượng hạt nhân và quốc phòng. Tuy nhiên, Chủ tịch DPP Tamaki Yuichiro vẫn tỏ ra thận trọng trong việc liên minh với LDP, nhất là khi cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản sẽ diễn ra ngay trong năm tới.
Bên cạnh đó, tân thủ tướng Nhật Bản cũng phải đối mặt với thách thức lớn trong việc khôi phục hình ảnh và sự thống nhất từ chính đảng của mình. Vụ việc hàng chục nhà lập pháp của LDP bị cáo buộc nhận hối lộ thông qua việc bán vé sự kiện khiến uy tín của đảng này bị sứt mẻ nghiêm trọng. Hiện tại, tỷ lệ ủng hộ nội các mới của ông Ishiba tụt xuống chỉ còn khoảng 30%, dù tân thủ tướng Nhật Bản có một số thay đổi ở các vị trí bộ trưởng so với chính quyền cũ.
Duy trì quan hệ với đồng minh
Về đối ngoại, thách thức hàng đầu của ông Ishiba hiện nay là duy trì mối quan hệ hòa hợp. đôi bên cùng có lợi với Mỹ, nhất là sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này, tân thủ tướng Nhật Bản được cho là đang cố gắng sắp xếp một điểm dừng chân tại Mỹ để gặp Tổng thống đắc cử Trump, sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh của khối các nước G20 tại Brazil vào các ngày 18-19/11.
Bản thân ông Trump cũng hiểu rõ tầm quan trọng của liên minh với Nhật Bản ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, và từng cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo, Tuy nhiên, một số quan chức của nước này vẫn lo ngại sau khi tái đắc cử, ông Trump có thể gây áp lực trở lại với Nhật Bản, để buộc Tokyo phải tăng đóng góp chi phí cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật và mua thêm vũ khí của Mỹ.
Ngoài ra, các biện pháp thuế quan được dự báo xuất hiện trở lại dưới thời chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Giới chuyên gia nhận định tình hình hiện tại có thể là cơ hội để Chính phủ Nhật Bản xây dựng chính sách dựa trên đồng thuận rộng rãi hơn. Tuy nhiên, Giáo sư Uchiyama Yu của Đại học Tokyo (Nhật Bản) cảnh báo chính quyền Thủ tướng Ishiba hiện khá bất ổn và có thể dẫn đến đình trệ chính sách do phải thường xuyên đàm phán với phe đối lập.
Theo ông Uchiyama, Nhật Bản có thể sẽ quay trở lại thời kỳ các chính phủ ngắn hạn thay nhau cầm quyền nếu Thủ tướng Ishiba không thể vượt qua những thách thức hiện tại và giữ vững vị trí của mình cho đến cuộc bầu cử tiếp theo.
Việt Anh