Đề cao học tập để có tư duy và cách hành xử đúng đắn
Đối với Tiến Dũng, bộ môn Lịch sử là đam mê lớn của cuộc đời cậu. Minh chứng rõ ràng nhất là khi còn học THPT, chàng trai đã đạt giải Nhì HSG Lịch sử cấp trường, và đặc biệt là giải Nhất HSG Lịch sử Thành phố 2023 - 2024.
Trong kỳ thi THPTQG vừa rồi, Tiến Dũng cũng đạt 28.25 điểm thi tốt nghiệp THPT khối C00 (Ngữ văn: 9.5, Lịch sử: 9.5, Địa lý: 9.25). (Ảnh: NVCC)
Môn học Lịch sử là cơ hội giúp nam sinh tự tìm tòi, tạo dựng nên nền tảng, và đồng thời là cốt lõi để tạo nên giá trị nhân cách, tư duy ứng xử của mỗi người. Chàng trai cho rằng: “Lịch sử giúp chúng ta có cái nhìn khái quát hơn về những sự kiện thăng trầm của nước nhà; để từ đấy bản thân mình tự đúc kết ra cách hành xử đúng đắn, đồng thời điều chỉnh, chỉnh sửa thái độ của mình với mọi người, với những điều xảy ra xung quanh mình sao cho phù hợp hơn”. Lịch sử giúp chúng ta hiểu được những gì đã, đang và sẽ diễn ra xung quanh mình, cũng là cách để cho chúng ta hiểu rõ và có cái nhìn đúng đắn hơn về bản thân.
Khi được hỏi về “bí quyết” học Lịch sử sao cho hiệu quả, Tiến Dũng luôn đặt hai chữ “yêu thích” lên đầu. “Mình nghĩ dù là học môn gì đi chăng nữa, trước hết tự bản thân phải xác định là có niềm yêu thích đối với bộ môn này. Cần phải hiểu rằng bản thân phải có sự hứng thú với một lĩnh vực nào đó, ta mới có thể học hỏi và nghiên cứu suôn sẻ được”. Hơn hết, chàng trai nghĩ rằng muốn học tốt thì phải hiểu sâu; “hiểu ở đây là nắm chắc được giá trị cốt lõi, tinh thần đúng đắn trong câu chuyện lịch sử đó, chứ không đơn thuần chỉ mỗi nội dung lý thuyết trong sách vở.”
Trong quá trình ôn luyện, thay vì chỉ dừng ở việc đọc và ghi lại, ghi nhớ bề nổi, Dũng sẽ dành thời gian để ngồi phân tích rằng “tại sao sự kiện đó lại diễn ra?”, “tại sao hành động ấy lại xảy ra vào thời điểm ấy?” và “liệu rằng điều đó sẽ tác động như thế nào tới lịch sử của Việt Nam, cũng như của thế giới sau này?”,... Cũng từ đó mà nam sinh có thể rút ra và đúc kết thành lời văn của riêng mình khi đi thi. “Vậy làm như thế nào để học lịch sử tốt nhất? Điều tối thiểu là phải nắm vững kiến thức cơ bản chúng ta được dạy, từ đó tự giác mở rộng vốn kiến thức đó. Theo cá nhân mình, tự giác là yếu tố cần thiết để mình học sâu hiểu rộng, không chỉ riêng lịch sử mà còn là ở các lĩnh vực khác”, Tiến Dũng bày tỏ quan điểm.
Một trong những “mẹo” giúp cậu bạn có động lực thúc đẩy bản thân cố gắng hơn mỗi ngày là đi tìm một “tấm gương” truyền động lực cho mình. Nam sinh quê Hải Phòng không ngần ngại tiết lộ rằng, thần tượng lớn nhất của bản thân chính là Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhà ngoại giao kỳ cựu - Nguyễn Thị Bình, hay còn được biết đến với cách gọi “Madame Bình”. “Bà là một người phụ nữ rất mạnh mẽ, kiên cường ở trên trường quốc tế. Thậm chí ngay cả khi đối diện với nhiều những nhà lãnh đạo cấp cao từ phái đoàn Pháp, bà vẫn bản lĩnh đối đáp, tự tin khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là nguồn động lực lớn để mình phấn đấu, hướng tới xây dựng hình ảnh như vậy”, Tiến Dũng bày tỏ sự ngưỡng mộ. Với mong muốn trở thành người có cách ứng xử đúng đắn và tư duy tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh, chàng trai trẻ đã mạnh dạn quyết định đăng ký vào Học viện Ngoại giao.
Nỗ lực tham gia các hoạt động vì cộng đồng
Trưởng thành ở mái trường trăm tuổi - THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) đã giúp cho Tiến Dũng có cơ hội tham gia và đạt nhiều thành tích trong các hoạt động ngoại khóa và cuộc thi học thuật: Chủ tịch dự án The Astacature Ss1; Trưởng ban Truyền thông tại ART CLUB Of Bonnal Ss6 - CLB trực thuộc Đoàn trường THPT Ngô Quyền; Trưởng ban Truyền thông tại Génie Project Ss3; Trưởng ban Đối ngoại tại The AGEE Project Ss2;
Được mọi người công nhận là người tràn đầy năng lượng, Tiến Dũng đã chia sẻ lý do khiến anh chàng quyết tâm tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Đó chính là mong muốn lan tỏa thông điệp về một trong những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đã không ngừng tuyên truyền: “Giáo dục chất lượng” – điều số bốn trong các mục tiêu phát triển bền vững.
“Nhiều người họ cho rằng những kiến thức, những kỹ năng chúng ta được học, được huấn luyện ở trên trường lớp là đủ. Nhưng đối với mình, giáo dục chất lượng không chỉ dừng lại ở kiến thức học thuật, những kỹ năng cơ bản, mà còn là những kiến thức xã hội thực tiễn, thường trực”. Minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm này cũng chính là dự án tâm huyết nhất của nam sinh - The AGEE Project. Từng đứng ở vị trí Trưởng ban Đối ngoại, Tiến Dũng hiểu rõ về sứ mệnh cũng như những khó khăn của tổ chức, khi đây là một dự án cộng đồng về giáo dục giới tính - chủ đề thường bị coi là nhạy cảm và bị xem nhẹ ở Việt Nam. “Mình rất muốn tham gia những hoạt động như vậy để có thể góp sức tuyên truyền các kiến thức xã hội cần thiết vào đời sống thường nhật, giúp mọi người có góc nhìn sâu sắc hơn”.
Đối với Tiến Dũng, “The AGEE Project” vẫn luôn là điều khiến chàng trai tự hào. Dự án này từng được xuất hiện hai lần trên Chương trình “Hải Phòng Cafe Sáng FM 102,2 mhz”, và một lần “có mặt” trên báo Hoa Học Trò. Bên cạnh đó, dự án này cũng đã thành công tổ chức các workshop trải nghiệm tại “Ngôi nhà yêu thương” tại Lạch Tray (Hải Phòng) và Làng trẻ SOS Việt Nam tại Hải Phòng.
Cũng qua đây mà Tiến Dũng được gặp gỡ nhiều anh chị, bạn bè khắp nơi có chung mục tiêu và lý tưởng như mình, trong đó có các tiền bối tại khoa Luật Quốc tế - Học viện Ngoại giao, nơi mà cậu đang theo học; có những người trở thành bạn bè thân thiết của chàng trai cho tới thời điểm hiện tại. (Ảnh: NVCC)
Thông qua các hoạt động ngoại khóa, điều cậu bạn được cải thiện rõ ràng nhất là ở kỹ năng làm việc nhóm. “Khái niệm này đã xuất hiện quá nhiều, nhưng có lẽ để thực sự hiểu đúng về “làm việc nhóm”, chúng ta cần có trải nghiệm thực tế. Mỗi người một ý, một quan điểm, một cái tôi khác nhau; chính vì thế, những hoạt động thực tiễn như này sẽ giúp chúng ta rèn luyện tư duy làm như thế nào để hòa hợp trong công việc. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa cũng là cơ hội để mình bổ trợ về kỹ năng lãnh đạo, dạy mình cách kiểm soát cảm xúc cá nhân. Mình được tôi luyện sự linh hoạt trong mọi tình huống và học cách giúp mọi người kết nối; để rồi từ đó, có thể đưa ra phương hướng làm việc tập thể hiệu quả nhất”, Tiến Dũng chia sẻ.
Để vừa hoạt động sôi nổi với các hội nhóm, vừa giữ vững phong độ học tập tốt, Tiến Dũng cũng phải tự khám phá cách để cân bằng quỹ thời gian của bản thân. Khi bị bắt buộc suy nghĩ làm thế nào để cân bằng một vấn đề, nhiều người Dũng quen biết hay mắc phải tâm lý cảm thấy ngại làm hơn là có động lực để thực hiện. “Thay vì chỉ suy nghĩ trong đầu, ta có thể gạch những mục tiêu vào trong một cuốn sổ để rõ ràng hơn. Những câu hỏi sẽ được giải đáp khi mình nhìn trực tiếp vào một bản kế hoạch chỉn chu với khung thời gian rõ ràng, thay vì cảm thấy hoảng loạn khi phải nhớ quá nhiều thứ. Khi nắm bắt được mọi thứ theo đúng quỹ đạo, mình sẽ cảm thấy ngày đó “được bận rộn” một cách có ý nghĩa. Chúng ta học được cách kiểm soát bản thân cũng là lúc chúng ta biết cách độc lập, tự đứng trên đôi chân của chính mình”, Tiến Dũng chia sẻ.
Vấp ngã để đứng lên
Trong mắt người ngoài, Tiến Dũng thường được gắn với hình ảnh của một chàng trai yêu đời, sôi nổi, hoạt bát. Nhưng để là bản thân của ngày hôm nay, chàng trai cũng từng trải qua nhiều những lần vấp ngã trong quá khứ.
Tiến Dũng trải lòng rằng vào năm lớp mười một, cậu bạn có hơi lơ đãng trong việc học tập, dẫn tới việc bản thân không có kết quả tốt, có thể nói rằng rất đáng lo ngại. Tuy nhiên lên lớp mười hai, khi bản thân có thể cân bằng lại giữa việc học tập và giải trí cá nhân, thành tích của Dũng cải thiện lên đáng kể khi hầu như các môn đều có điểm trung bình trên chín.
Quá trình để nam sinh đến với giải Nhất Học sinh giỏi môn Lịch sử Thành phố không hề suôn sẻ, khi xung quanh Dũng là không ít những điều dị nghị, nghi ngờ năng lực của bản thân, thậm chí còn xuất hiện những lời lẽ không hay. Tuy vậy, Dũng vẫn cố gắng trấn an bản thân bằng cách tự đặt niềm tin vào chính mình; bởi cậu cho rằng thay vì lo lắng, để tâm quá nhiều tới những điều tiêu cực ấy, thì việc dành thời gian để nỗ lực chứng minh đáng giá hơn. Những lần thi thử, sát hạch sau đó là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần không ngừng cố gắng ấy. “Có lẽ, điều đó đối với mình cứ tựa như “cá chép hóa rồng”. Bản thân mình đã vượt qua nỗi sợ và đã vượt qua những điều mình từng coi là thử thách khó nhằn”. Khoảng thời gian đó, Dũng lấy lại tự tin rằng mình cũng là người có năng lực, có chăm chỉ chứ không phải yếu kém như từng tự vấn trước đó. Dù hành trình ấy nhiều chông gai, nhưng cậu bạn nghĩ nó xứng đáng được trân trọng vì bản thân đã làm hết sức mình.
Từng sợ những ánh mắt hoài nghi, sợ bị đánh giá, nhưng ở tuổi mười tám, Dũng nhận ra để hướng tới sự chuyên nghiệp và tận tâm trong công việc cần có tâm lý vững vàng. Chuyên nghiệp ở đây không chỉ đơn thuần là làm đủ việc, làm đúng hạn mà còn nằm ở từ “chỉn chu”. Trong bất kể việc gì, Dũng cũng muốn đầu tư chất xám nhiều nhất có thể vào nội dung. Còn về tận tâm, “nó bao gồm cả sự thấu hiểu và sự tín nhiệm. Thấu hiểu là phải biết đặt bản thân mình vào vị trí của mọi người, biết họ nghĩ gì và hiểu họ cần phải làm gì. Tín nhiệm, dễ hiểu là tin vào tất cả mọi người, không bao giờ có suy nghĩ rằng những người khác kém hơn mình, mà ngược lại, tất cả chúng ta đều có sức mạnh tiềm ẩn bên trong và hãy dành thời gian luyện tập chăm chỉ để khám phá bản thân mình”, Tiến Dũng bộc bạch.
Ở vị trí là một người đứng đầu, cậu cho rằng bản thân là người đóng vai trò giúp mọi người tìm “chìa khóa” để mở “rương kho báu”, cổ vũ mọi người bộc lộ hết khả năng thật sự của mình. Đó cũng có thể coi là “châm ngôn” nhắc nhở Tiến Dũng khi là một người lãnh đạo. (Ảnh: NVCC)
Những yếu đuối trong tâm lý của tuổi mới lớn từ quá khứ dần được chữa lành. Cho tới thời điểm hiện tại, động lực lớn nhất để Tiến Dũng nỗ lực và thoát khỏi “bóng ma tâm lý” chính là gia đình và bản thân của chính Dũng. Chàng trai luôn muốn cố gắng để tiệm cận hơn với thành công trong chặng đường đời của mình để khiến bố mẹ hãnh diện và tự hào. “Một trong năm hoạt động mình hay làm nhất để tự “chữa lành” chính là nói chuyện với bản thân và gia đình, bạn bè, những người thật sự yêu thương mình, và ngược lại. Thời gian qua cũng là cơ hội để mình nhận ra phải sống hết mình với đam mê và hoài bão. Mình mong bản thân sẽ ngày càng hoàn thiện, trở thành phiên bản xuất sắc của mình ngày hôm nay cả về đạo đức, nhân cách và kiến thức”, Dũng giãi bày.
Sau cơn mưa có cầu vồng
Hơn ba năm qua là cả một chặng hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ, chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để có đặt bước chân vào ngôi trường mà mình mơ ước. “Vì vậy mà hiện tại mình rất háo hức và hồi hộp để khoác lên mình màu áo pha sắc thiên thanh của Học viện Ngoại giao”, Tiến Dũng thổ lộ.
Có lẽ đó là một chữ duyên khi Tiến Dũng đến với ngành Luật Quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Trước đó, mọi người cho rằng nam sinh sẽ theo ngành Truyền thông hay Báo chí vì Dũng vốn là người năng động và thích viết lách. Nhưng quá trình theo đuổi môn Lịch sử đã giúp cậu bạn nhận ra điều bản thân thực sự yêu thích và muốn theo đuổi lâu dài. Một phần không nhỏ là vì Dũng được ảnh hưởng bởi thần tượng của mình khá nhiều - “Madame Bình”. “Có thể chúng ta là một đất nước chưa phải lớn và cũng chưa phải là phát triển nhất, nhưng chúng ta có sự độc lập, có chủ quyền riêng, có nhân quyền riêng. Mình hiểu việc mình cần làm để bảo vệ đất nước, để bảo vệ con người của đất nước mình. Khi chọn học Luật, bản thân mình cũng có định hướng về điều mình muốn làm: bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người, của người Việt Nam nói riêng và xa hơn là nhân loại nói chung.”
Đối với quyết định của con trai, bố mẹ Tiến Dũng cũng hết lòng ủng hộ. Nam sinh cảm thấy may mắn vì có phụ huynh luôn cố gắng tạo điều kiện cho con cái được học hành tới nơi tới chốn, cởi mở và tôn trọng với lựa chọn con đường tương lai của các con. (Ảnh: NVCC)
Học viện Ngoại giao trong mắt Tiến Dũng từ trước đến nay vẫn luôn là một ngôi trường mà nhiều thế hệ ao ước. Năng động, linh hoạt, đa dạng; nhà trường không chỉ đơn thuần tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm, mà còn trao cơ hội hoạt động thực tế. “Ngay cả sinh viên ngoại giao cũng rất sôi nổi và tài năng. Mình rất ấn tượng với câu nói của Quyền Giám đốc Học viện là cô Phạm Lan Dung, rằng “Nhà trường tôn trọng tính dân chủ và tôn trọng sự đa dạng trong các em”; tức là Học viện đề cao việc các bạn sinh viên phát triển theo hướng phù hợp với năng lực và tầm nhìn của bản thân nhất, chứ không phải ép buộc rằng học xong cái này thì ra đời phải làm cái đó. Trường luôn tạo cơ hội cho tất cả mọi người cùng nhau phát triển và thúc đẩy đi tìm hình ảnh phù hợp, đúng đắn và độc bản cho mỗi sinh viên”.
“Linh hoạt, chuyển đổi và giữ vững tâm” là ba từ khóa mà Dũng dành để miêu tả bản thân của mình trong chặng đường vừa rồi cũng như gieo mầm hy vọng trong hành trình sắp tới. Thay đổi bản thân để mới mẻ, tốt hơn nhưng không quên đi giá trị cốt lõi riêng biệt của mình. Mặc dù mới là sinh viên năm nhất, nhưng cậu bạn đã mạnh dạn trở thành Thành viên ban Truyền thông cho trung tâm Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, cùng với đó là tiếp tục những dự án với “The AGEE Project” - tâm huyết của Dũng với những người cộng sự thân thiết. Mới đây, nam sinh cũng đã tham gia ứng cử thành Khối trưởng Khoa Luật Quốc tế và hiện tại đã lọt vào top 05 ứng cử viên xuất sắc nhất. Hiện Dũng cũng đang tiếp tục nỗ lực và phấn đấu để gặt hái được thành quả cho cuộc thi mà bản thân cậu đã yêu thích suốt ba năm này.
Là một bạn trẻ nổi bật, chia sẻ quan điểm về việc “như nào mới là sống trọn vẹn”, Tiến Dũng cho rằng đó là phải sống đúng với lương tâm của mình. Việc chúng ta nghĩ gì, muốn gì, cần phải làm gì, lương tâm của mình chính là tấm gương soi rõ nhất. Khi chúng ta làm đúng với lương tâm - điều mà trong tiềm thức cho phép, đó chính là sống trọn vẹn. Như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”, không chỉ sống cho riêng mình, mà chúng ta sống là để cho đi, để giúp đỡ mọi người xung quanh.
“Mình sống là còn phải biết nghĩ cho người khác, cũng như cho bản thân mình. Ấy mới là sống trọn vẹn”, nam sinh bộc bạch chân thành khi được về câu hỏi “Thế nào là sống trọn vẹn?” (Ảnh: NVCC)
Dành đôi lời gửi đến bản thân vào bốn năm sau, ở mốc 22 tuổi, Tiến Dũng tâm sự: “Mình nghĩ điều đầu tiên mình nói đó chính là chúc mừng, vì sự nỗ lực không ngừng của bản thân; cũng đừng quên rằng hãy thả lỏng, nhìn nhận những thất bại trong quá khứ như một bài học bắt buộc cần có để trưởng thành và hoàn thiện bản thân hơn cả về tinh thần lẫn thể chất. Và một điều cuối, mong bản thân đừng bao giờ bỏ cuộc trên con đường học tập và sự nghiệp, vì đó không chỉ vì riêng mình, mà còn vì giấc mơ cống hiến cho đất nước sau này. Hãy cứ sống đúng với lương tâm và làm những điều mình thích, đừng sợ sệt hay để tâm tới những ánh nhìn xung quanh, vì chỉ khi tin vào bản thân mình thì mọi điều tốt đẹp mới đến!”
Minh Ngọc