Sống lại ký ức 300 ngày lịch sử giải phóng thành phố Hải Phòng

Sống lại ký ức 300 ngày lịch sử giải phóng thành phố Hải Phòng
8 giờ trướcBài gốc
Hòa cùng dòng chảy lịch sử của dân tộc
Cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, Hải Phòng được coi là trung tâm công nghiệp, “cảng lớn của Bắc kỳ” - đầu mối giao thông quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế và là một trong những cái nôi đánh dấu sự ra đời của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam đấu tranh chống thực dân Pháp.
Bộ đội ta tiếp quản Hải Phòng ngày 13/5/1955. (Ảnh tư liệu)
Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tiếp nhận và thể nghiệm Chủ nghĩa Mác-Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào trong nước, Hải Phòng có vai trò quan trọng trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm 1925-1930.
Đầu tháng 4/1929, tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng được thành lập. Tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng ra đời - một trong số ít những tổ chức đảng đầu tiên của Việt Nam.
Hải Phòng là một trong những trung tâm phong trào cách mạng giai đoạn 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945. Trong cao trào kháng Nhật cứu nước, Hải Phòng - Kiến An là nơi phong trào Việt Minh phát triển mạnh.
Ngày 12/7/1945, Nhân dân Kim Sơn (Kiến Thụy) vùng lên lập Ủy ban giải phóng, kháng Nhật thắng lợi. Tiếng trống Kim Sơn đã mở đầu cho quá trình khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám 1945 ở vùng Duyên hải Bắc bộ.
Với vị trí chiến lược đặc biệt, Hải Phòng được lựa chọn là nơi tập kết 300 ngày, trước khi quân Pháp và tay sai rút về phía Nam. (Ảnh tư liệu)
Theo lệnh tổng khởi nghĩa, chỉ trong vòng 10 ngày, từ 15 - 25/8/1945, chính quyền tay sai các cấp của địch ở Hải Phòng, Kiến An đã bị lực lượng cách mạng đập tan, thành lập chính quyền cách mạng. Hải Phòng cùng với cả nước nhất tề đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do, xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp đã bộc lộ dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Từ giữa tháng 11/1946, tình hình chiến sự ở Hải Phòng trở nên hết sức căng thẳng.
Cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng
Ngày 20/11/1946, Pháp gây xung đột với hải quan ta tại Cảng Hải Phòng. Chúng dùng xe bọc thép, xe tăng tấn công vào những điểm trọng yếu như Nhà hát lớn, nhà Ga, Trụ sở ủy ban, Nhà máy đèn, Nhà máy nước, đồn công an… đường liên lạc bằng điện thoại, điện tín Hải Phòng - Hà Nội. Chúng ném bom và bắn đại bác vào các khu phố đông dân ở nội thành.
Trong suốt cuộc kháng chiến, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, bẻ gãy nhiều trận càn quy mô của địch, phá tan âm mưu và kế hoạch quân sự của thực dân Pháp. Tiêu biểu có thể kể đến như: Trận tập kích tỉnh lỵ Kiến An (đêm 21/4/1953), trận tập kích Sở Dầu (ngày 18/6/1953); chiến thắng của Nhân dân Tiên Lãng anh dũng bẻ gãy trận càn Cờlốt (từ 28/8 đến 20/9/1953) của quân Pháp với lực lượng hùng hậu, có máy bay và tàu chiến yểm hộ.
Bộ đội ta tiếp quản Nhà máy xi măng Hải Phòng. (Ảnh tư liệu)
Đặc biệt là thắng lợi trong trận tập kích Sân bay Cát Bi vào ngày 7/3/1954, phá hủy 59 máy bay, Sân bay Cát Bi cháy suốt 17 tiếng đồng hồ. Chiến thắng Cát Bi rực lửa đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, góp phần đánh thắng thực dân Pháp buộc chúng phải ký kết Hiệp định Geneve.
Khác với các địa phương khác ở miền Bắc, ngay sau khi Hiệp định Geneve được kí kết, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng lại bước tiếp vào cuộc chiến mới - “300 ngày giải phóng quê hương”. Với vị trí chiến lược đặc biệt, có hệ thống cảng biển, các sân bay Cát Bi, Kiến An và Đồ Sơn, Hải Phòng được lựa chọn là nơi tập kết 300 ngày, trước khi quân Pháp và tay sai rút về phía Nam.
Đây là giai đoạn hết sức khó khăn, cam go quyết liệt, Nhân dân Hải Phòng vừa phải chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, vừa tiếp tục chịu thêm sức ép do sự chống phá về mọi mặt của kẻ thù.
Ngày 13/5/1955, quân Pháp rút khỏi Hải Phòng cũng là kết thúc quá trình đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve trên địa bàn thành phố.
300 ngày đóng quân cuối cùng của thực dân Pháp cũng là 300 ngày đấu tranh gay go quyết liệt nhưng vô cùng sôi động của Nhân dân thành phố, đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneve và bảo vệ thành quả cách mạng.
Hải Phòng sạch bóng quân thù, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thành phố cảng sôi động khi đoàn xe lửa rước cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ tiến vào Cảng. Nhà máy, công sở và những con tầu đồng loạt cất lên hồi còi dài chào mừng ngày lịch sử quang vinh của đất Cảng, của dân tộc.
Những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú theo dõi ngày giải phóng Hải Phòng. Người xúc động viết: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, hôm nay Hải Phòng đã vươn mình dậy giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân. Hàng vạn đồng bào, già trẻ, gái trai, đủ các tầng lớp tỏa ra hoan nghênh bộ đội và cán bộ. Nét mặt mọi người như mùa xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu đã kết quả vẻ vang. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Hải Phòng đã hoàn toàn giải phóng”.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh là cơ sở tạo điều kiện để xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, kinh tế, thương mại và quốc phòng trọng yếu của miền Bắc, thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Hải Phòng đang từng bước khẳng định vai trò là đầu tàu kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ, trung tâm cảng biển lớn nhất miền Bắc, cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng kết nối với thế giới.
Minh Khang - Minh Hương
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/song-lai-ky-uc-300-ngay-lich-su-giai-phong-thanh-pho-hai-phong-ar939469.html