Học bạ số là thông tin, dữ liệu từ các cơ sở giáo dục được đồng bộ lên cơ sở dữ liệu học bạ số của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ GD&ĐT. Dữ liệu thông tin học sinh và kết quả học tập được kết xuất chính xác và đầy đủ từ hệ thống quản lý trường học VnEdu, giúp các nhà trường, cơ quan quản lý dễ dàng theo dõi, truy xuất học bạ của học sinh.
Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Chiềng Khoong triển khai mô hình học bạ số, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo và tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên tham gia tập huấn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sáng tạo, đổi mới phương pháp quản lý, dạy học.
Trường Tiểu học Chiềng Khoong, huyện Sông Mã tập huấn triển khai học bạ số
Thầy giáo Nguyễn Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Khoong, cho biết: Nhà trường đã thực hiện học bạ số từ khối 1 đến khối lớp 5, với 889, đạt 100% kế hoạch. Sau 1 năm triển khai thực hiện thí điểm, chúng tôi nhận thấy học bạ số đem lại rất nhiều thuận lợi: Thông tin được cập nhật chính xác, kịp thời; dữ liệu về học sinh được số hóa, phục vụ thuận lợi cho việc lưu trữ hồ sơ, thông tin của học sinh.
Học bạ số mang lại nhiều lợi ích như dễ theo dõi, an toàn, tiết kiệm thời gian và thúc đẩy giáo dục hiện đại. Phụ huynh không cần đến trường mà vẫn xem được kết quả học tập của con qua ứng dụng. Anh Bùi Đức Vĩnh, tổ dân phố 3 có con đang theo học tại Trường Tiểu học thị trấn Sông Mã, chia sẻ: Với ứng dụng học bạ số giúp tôi theo dõi và cập nhật thông tin học tập của các con một cách thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn so với phương thức truyền thống.
Hiện nay, huyện Sông Mã có 53 trường tiểu học, tiểu học và THCS với 32.617 học sinh. Phòng GD&ĐT huyện thành lập Tổ công tác học bạ số ngành; lựa chọn cán bộ giáo viên có năng lực, giỏi công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm nòng cốt thực hiện tốt công tác triển khai học bạ số. Tuyên truyền cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh về lợi ích, ý nghĩa của học bạ số. Rà soát, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác đảm bảo triển khai học bạ số; tập huấn cho 100% giáo viên, nhân viên triển khai thí điểm học bạ số tại đơn vị trường học.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã tập huấn học bạ số.
Năm học 2023-2024, Phòng GD&ĐT huyện Sông Mã triển khai thí điểm học bạ số từ khối lớp 1 đến lớp 4 tại 11 trường có cấp tiểu học trên địa bàn, với tinh thần vừa làm, vừa nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, linh hoạt thực hiện phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Riêng đối với lớp 5 học theo chương trình cũ nên không thực hiện học bạ điện tử.
Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Sở, của phòng GD&ĐT huyện, 11 trường có cấp tiểu học được chọn thí điểm đảm bảo các điều kiện triển khai, gồm: Nâng cấp phần mềm quản lý nhà trường; chuẩn bị chữ ký số cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm các lớp, cán bộ quản lý và của các trường, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin.
Giáo viên Trường THCS Chu Văn An, thị trấn Sông Mã trao đổi kinh nghiệm thực hiện học bạ số
Hiện nay, toàn huyện Sông Mã có 11 trường có bậc tiểu học tham gia thí điểm thực hiện học bạ số, với 288 lớp học và đã phát hành 7.850 học bạ cho học sinh khối tiểu học, đạt 100%. Việc triển khai, sử dụng học bạ số đem lại nhiều lợi ích quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận tiện lưu trữ, bảo quản. Đặc biệt, phần mềm cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên, bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong giáo dục, tránh các tiêu cực trong đánh giá, điểm số.
Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, chia sẻ: Năm học 2025-2026, Phòng tiếp tục đăng ký với Sở GD&ĐT triển khai học bạ số tại 100% trường học trên địa bàn huyện; tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ, nguồn lực tài chính như: Chi phí cho phần mềm, đường truyền Internet, thiết bị máy tính, cán bộ phụ trách; chữ ký số, cơ sở dữ liệu lưu trữ học bạ số... để đảm bảo triển khai đồng bộ, hệ thống xuyên suốt mô hình học bạ số ở tất cả các khối lớp của cấp tiểu học, THCS trong toàn huyện.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại Trường THCS Chu Văn An, thị trấn Sông Mã.
Cô Trần Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, thị trấn Sông Mã, cho biết: Trường có 1.225 học sinh với 47 lớp. Nhà trường đã đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ triển khai học bạ số như: Máy tính kết nối internet, phần mềm quản lý, chữ ký số và đội ngũ quản trị hệ thống. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm và chữ ký số. Kết thúc học kỳ I năm học 2025-2026, việc thực hiện học bạ số được triển khai hiệu quả, toàn bộ dữ liệu học sinh đã được cập nhật trên nền tảng số.
Với sự phát triển nhanh và ngày càng đồng bộ của hạ tầng công nghệ, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã thống nhất sử dụng hệ thống sổ điểm điện tử, học bạ số trong các trường học. Việc ứng dụng đồng bộ các nền tảng số không chỉ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, mà còn tạo sự công bằng, minh bạch trong đánh giá chất lượng giáo dục, tạo nền tảng vững chắc để toàn ngành tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng môi trường giáo dục hiện đại và chuyên nghiệp.
Bài, ảnh: Nguyễn Thư