Bộ đội Tiểu đoàn 1 Long An hành quân vận chuyển vũ khí đánh vào Sài Gòn trong Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968
Vùng đất Long An - một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, nằm sát, như một cánh cung ôm chặt phía Tây Nam đô thành Sài Gòn trước năm 1975. Vị trí này có tầm quan trọng đặc biệt, là bàn đạp cho lực lượng ta đánh vào Sài Gòn, đồng thời cũng là nơi chịu ác liệt chưa từng có của chiến tranh, là đỉnh cao đọ sức bom đạn giữa ta và địch, là nơi nở bừng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được kết tinh trong 8 chữ vàng mà Trung ương tặng cho quân - dân Long An “Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc”.
Tiểu đoàn 1 Long An hôm nay là đơn vị bộ binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, Quân khu 7, có bề dày thành tích sáng chói, được tuyên dương ba lần Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (năm 1970, 1979 và 1983), là 1 trong 4 tiểu đoàn trong toàn quân (đến thời điểm này) vinh dự được nhận phần thưởng cao quý trên. Đơn vị được thành lập năm 1960, qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1960-2025), trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp bạn Campuchia đã làm nên 12 chữ truyền thống đỏ: “Điều đâu đi đó, chỉ đâu đánh đó, đánh đâu thắng đó” và hiện nay tiếp tục xây dựng đơn vị anh hùng lần thứ tư, thời kỳ đổi mới.
Trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi thành lập, Tiểu đoàn lập công xuất sắc ở trận đánh tiêu diệt căn cứ huấn luyện biệt kích Mỹ tại Hiệp Hòa (Đức Huệ - Long An) vào đêm 23/11/1963, diệt hàng trăm tên địch, bắt sống 4 cố vấn Mỹ lần đầu tiên ở miền Nam và nổi bật là 2 lần đánh vào Sài Gòn: Lần thứ nhất là trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 (đợt 2) nổi tiếng với trận 7 ngày đêm kiên gan bám trụ tại mặt trận cầu Chữ Y, quận 8 - Sài Gòn, đối đầu với 1 lữ đoàn Mỹ tinh nhuệ và nhiều lực lượng ngụy đã đi vào sử sách và lần thứ hai là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Xuân 1975 tiến công hướng Tây Nam giải phóng Sài Gòn.
Từ giữa tháng 4/1975, tình hình chiến trường toàn miền Nam trở nên hết sức sôi động, có lợi hoàn toàn cho quân - dân ta. Tiểu đoàn 1 Long An - đơn vị anh hùng được cấp trên chọn giao nhiệm vụ đánh mở đường cho Đoàn 232 từ hướng Tây Nam tiến công vào Sài Gòn do tướng Lê Đức Anh làm Tư lệnh. Tôi lúc đó là liên lạc đại đội, đeo khẩu AK báng gấp và chiếc đài radio do tiểu đoàn cấp cho các đại đội. Nhờ đó, đơn vị hành quân tác chiến đến đâu là tôi đều biết tiến độ phát triển của các cánh quân ta đánh vào Sài Gòn, hừng hực khí thế tiến công, chiến thắng.
Thế trận các cánh quân của ta đang dần siết chặt Sài Gòn. Trên hướng Bắc, hướng Đông và hướng Tây, do các quân đoàn, binh đoàn chủ lực đảm nhiệm. Hướng Nam có địa hình phức tạp, sình lầy do các đơn vị chủ lực của Quân khu 8 đảm nhiệm, Tiểu đoàn 1 Long An nằm trong đội hình tấn công này. Lúc này, Tiểu đoàn 1 đang đứng chân ở khu vực tràm Ba Làng (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) thì nhận lệnh hành quân gấp. Lúc đó, anh em chiến sĩ chưa ai biết sẽ được tham gia đánh vào Sài Gòn mà chỉ vui mừng vì được gặp lại những người dân đã từng giúp đỡ bộ đội trong thời kỳ bám trụ vùng ven ác liệt.
Toàn đơn vị đi qua Tân Đông, vòng xuống Mỹ Tho rồi đánh mở đường từ xã Long Trì (Châu Thành - Long An) qua Quơn Long (Chợ Gạo - Gò Công). Một số đồn, bót nhỏ bị ta vây ép bức rút, bức hàng, tạo ra một khu vực hành lang đứng chân cho các đơn vị chủ lực của Quân khu 8. Tiếp đó, Tiểu đoàn 1 tiến đánh mở rộng sang các xã: An Lục Long, Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông (Châu Thành - Long An).
Rạng sáng ngày 10/4/1975, Tiểu đoàn 1 tấn công liền 3 mục tiêu quan trọng: Diệt đồn Phú Lộc, diệt 1 đại đội bảo an bảo vệ khu nhà của Trần Thiện Khiêm (Thủ tướng chính quyền Sài Gòn) và một số đồn, bót giáp xã Thạnh Phú và Thuận Mỹ. Ngày 14/4/1975, đơn vị tiến sang Tân Trụ bao vây phân chi khu Cây Thẻ. Trận đánh có 2 đại đội tham gia: Đại đội 1 do đồng chí Tân chỉ huy, Đại đội 2 do đồng chí Vũ Hùng chỉ huy.
Sau một đêm bao vây, ta diệt một số lớn tên địch, còn lại chúng đầu hàng. Đồng thời, đơn vị bung ra diệt các đồn: Rạch Ế, ngã tư Tân Phước Tây và một số đồn thuộc xã Bình Trinh Đông, Nhựt Ninh (huyện Tân Trụ). Từ Tân Trụ, Tiểu đoàn 1 vượt sông Vàm Cỏ Đông sang đất Cần Đước, tấn công địch ở ấp Nhà Dài, các xã: Tân Lân, Phước Tuy, diệt hàng chục đồn, bót và 1 đại đội bảo an.
Bộ đội Tiểu đoàn 1 Long An bắt sống 4 tên cố vấn Mỹ trong trận đánh tiêu diệt căn cứ huấn luyện biệt kích Mỹ tại Hiệp Hòa, Đức Huệ, Long An vào đêm 23/11/1963
Ngày 25/4/1975, Tiểu đoàn 1 đánh địch ở cầu Mỹ Lệ, thừa thắng tấn công sang chợ Đào. Trận đánh diễn ra giữa ban ngày, quân địch dùng pháo chụp (đạn nổ trên không) để ngăn chặn nhưng quân ta bám rất sát không để chúng chạy thoát. Ta đã diệt 1 đại đội bảo an, giải phóng thị tứ Chợ Đào và xã Mỹ Lệ; tiếp theo là diệt, bức rút đồn Phước Lâm, Mỹ Lộc, Phước Hậu, huyện Cần Giuộc. Trong một ngày, một đêm đã bức hàng, bức rút và tiêu diệt 6 đồn, bót địch.
Tính từ ngày 10 đến 26-4, Tiểu đoàn 1 đã diệt 30 đồn, bót, trong đó có cả bức hàng, bức rút, diệt đại đội bảo an, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường cho lực lượng cấp trên tấn công vào Sài Gòn.
Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các cánh quân của ta từ các hướng "thần tốc" tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ngày 28/4, Tiểu đoàn 1 Long An tấn công khu vực xã An Phú, giáp lộ số 5, cách cầu Nhị Thiên Đường khoảng 8km về phía Nam, tiếp sau là các trung đoàn chủ lực của Quân khu 8 khép chặt. Sau hơn 1 tháng tấn công liên tục với khí thế như chẻ tre, Sài Gòn đã ở trước mắt, thắng lợi đã đến rất gần.
Những khu vực mà ngày nào cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 từng phải "chém vè" thì nay đã được giải phóng hoàn toàn. Bộ đội đi lại giữa ban ngày, nhân dân vui mừng, phấn khởi, nhìn thấy những chiếc trực thăng bay rất thấp, vội vã rời khỏi Sài Gòn. Đó là những chiếc máy bay cuối cùng chở những tên đầu sỏ của ngụy quân, ngụy quyền chạy trốn.
Ngày 29/4, Tiểu đoàn 1 và các trung đoàn chủ lực của Quân khu 8 tiến vào địa phận quận 8. Ta lại đi qua sông Quán Cơm, Kiều Công Mười,... Hầu hết những tên ngoan cố ác ôn đã bỏ chạy, binh sĩ cũng tự bỏ đồn, cởi áo, vứt súng, trốn về nhà.
Sáng ngày 30/4/1975, Tiểu đoàn 1 vượt cầu Chữ Y - dấu chân của chiến sĩ Tiểu đoàn 1 Long An lại in lên chính nơi mà đơn vị đã đối đầu khốc liệt với quân Mỹ, lập nên kỳ tích chói lọi trong 7 ngày đêm trận Mậu Thân năm 1968.
Chiều ngày 30/4, Tiểu đoàn được lệnh tiến xuống quận 4 rồi sang chiếm giữ Quân cảng Nhà Bè. Đến đây, Tiểu đoàn 1 Long An hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 07/5/1975, đơn vị được lệnh hành quân trở về Long An nhận nhiệm vụ mới.
Đồng chí Thiếu tá, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 Long An - Nguyễn Văn Chuyển (Tư Chuyển), năm nay 83 tuổi, quê Hải Dương, nhớ lại: "Từ giữa tháng 4/1975, với khí thế tiến công vũ bão toàn miền Nam, cấp trên yêu cầu Tiểu đoàn 1 đánh “cuốn chiếu”, không điều nghiên, tấn công địch không kể ngày đêm. Nếu chỗ nào kháng cự thì dùng hỏa lực mạnh áp đảo tiêu diệt hoặc để lại một bộ phận vây diệt, cả đơn vị tiến lên phía trước. Trong trận đánh Chợ Đào (xã Mỹ Lệ - Cần Đước), Tiểu đoàn quyết định đánh sập cầu Chợ Đào bằng 20kg thuốc C4. Tuy nhiên, khi đánh xong, hai đầu cầu vẫn còn, người vẫn qua lại được. Lúc này, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 1 có ý định đánh sập một số cống trên lộ, ngăn không cho địch chạy qua. Nhưng khi triển khai thì anh Mười Lai (quê Tân Trụ, Chính trị viên Tiểu đoàn) cho dừng lại vì nếu phá cống thì nước mặn tràn vào ruộng, dân không cấy lúa được. Khi đơn vị sang huyện Cần Giuộc, thẳng hướng tiến vào Sài Gòn thì được bổ sung du kích địa phương dẫn đường nhưng không hiểu sao du kích lại đi sau ta. Trinh sát Tiểu đoàn đi trước, đụng địch, nằm tại chỗ chiến đấu. Ta tổ chức đánh 1 tiểu đoàn phản kích của địch. Dân ở lại đào công sự với bộ đội, nấu cơm tiếp tế cho đơn vị. Ta đánh rất mạnh. Địch cũng đánh trả quyết liệt nhưng khí thế giải phóng đang lên như chẻ tre nên ta đánh đến đâu địch tan rã đến đấy. Lúc này, anh Hai Cấm (quê Đức Hòa, Tiểu đoàn trưởng) đi tập huấn về, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn có thêm sức mạnh. Lúc đơn vị tiến vào quận 8, các đại đội nhanh chóng lấy bao cát dựng công sự chiến đấu. Từng tiểu đội được quán triệt cảnh giác, rút kinh nghiệm trận Mậu Thân năm 1968, địch thả cối 61 từ trên tầng hai xuống, ta bị thương vong nên lần này phải che đậy nắp công sự chu đáo. Lúc này, tôi thấy bàn chân đau mới phát hiện mình bị mất dép trên đường truy kích địch. Nhưng tôi vẫn lội phăng phăng trên đường phố để tìm mượn 1 chiếc xe Zeep, gọi tài xế chở tôi đến mấy hãng xe đò. Mục đích là huy động xe để chở bộ đội đến các mục tiêu được giao. Đến một hãng xe ở gần khu công nhân Ba Son, tôi gặp một cô gái chừng 40 tuổi, ăn mặc lộng lẫy đứng đó. Tôi nói: “Tôi là bộ đội giải phóng, chị có xe đò cho chúng tôi mượn”. Cô gái vội trả lời: “Thưa cán bộ, có xe nhưng lơ không có”. “Chị tìm cho tôi 1 lái xe thôi” - Tôi nói nhanh. Cô gái đi gọi lái xe. Tôi tranh thủ giải thích cho số công nhân đứng xung quanh về chính sách của cách mạng, yêu cầu công nhân phải bảo vệ nhà máy, không được phá. Khi có lái xe và cả lơ xe, tôi yêu cầu phải có người nhà chủ xe đi theo để lấy xe về. Sau đó, tôi dẫn đoàn xe về chỗ tạm dừng chân của tiểu đoàn. Các đại đội đem vũ khí lên xe. Tôi, anh Mười Lai và anh Hai Cấm lên một chiếc xe Zeep đi đầu, xe đò đi sau. Đại đội 1 đóng ở phía cầu Bắc Bình Vương (cầu Khánh Hội) nối theo đường Trịnh Minh Thế (nay là đường Nguyễn Tất Thành). Đại đội 2 đóng tiếp theo đến gần quán Hai Cây Dừa, các đại đội khác cũng nằm dọc đường Trịnh Minh Thế, trải sang chợ Xóm Chiếu và lân cận. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, các cánh quân của ta đã chiếm hết các mục tiêu trong thành phố Sài Gòn, cờ cách mạng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tiểu đoàn 1 thực hiện nhiệm vụ truy quét địch, thu gom súng đạn, chiến lợi phẩm giao nộp cho cách mạng, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội.
Chiến sĩ liên lạc Tiểu đoàn 1 Long An - Đoàn Thế Thơ truy kích địch đầu hàng trong trận đánh ngày 20/12/1974 tại Bình Đức, Bến Lức, Long An
Còn nhớ, trong toàn bộ chiến dịch, hầu như số thương vong của Tiểu đoàn 1 là rất ít, do quân địch suy yếu rất nhanh, tuy cũng có lúc chúng ngoan cố chống trả quyết liệt. Có một trường hợp hy sinh rất cảm động là liệt sĩ Đoàn Thế Thơ, quê Bắc Giang, làm liên lạc đại đội. Trận đánh ngày 12/4/1975, Thơ chiến đấu rất dũng cảm, diệt nhiều tên địch giống như các trận trước.
Khi kết thúc trận đánh, Đại đội trưởng Mười Tâm (quê Bến Tre) ra lệnh rút quân. Bất ngờ phía bên kia gò đất gần đó còn sống sót tên lính ngụy, hắn giương khẩu AR15 bắn trúng đùi trên của Thơ làm anh quỵ xuống. Đồng đội băng bó cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương nặng, mất nhiều máu nên chiều hôm đó, Thơ hy sinh, chỉ cách ngày toàn thắng 30/4 ít ngày.
Tôi có một kỷ niệm vào trưa ngày 30/4/1975, lúc đơn vị xây dựng xong công sự chiến đấu trên hành lang đường phố Trịnh Minh Thế, quận 4, các tiểu đội thay nhau đi vào nhà dân để mua gạo nấu cơm ăn vì đã rất đói. Tổ chúng tôi gồm 3 người đeo 3 khẩu AK đi dọc mép phố nhưng tất cả các cửa nhà đều đóng kín. Mãi mới có một căn nhà sáng đèn, chúng tôi đứng trước gọi vọng qua khe cửa: Có ai ở trong nhà không? Im lặng. Tôi lại gọi. Vẫn im lặng. Bỗng thấy loáng thoáng bóng người trong cầu thang, tôi nói lớn: Chúng tôi là bộ đội giải phóng, chúng tôi muốn mua gạo của dân để nấu cơm ăn. Chị chủ nhà nghe vậy bước ra dè dặt nhưng vẫn lộ rõ vẻ hoảng sợ. Tôi nói tiếp: Bộ đội giải phóng không bắt cô bác đâu, chỉ nhờ cô bác thôi! Nghe vậy, chị chủ nhà mới dám bước ra mở cửa cho chúng tôi vào. Lần đầu tiên, lúc im tiếng súng, chúng tôi thấy một căn nhà xây khang trang, đầy đủ tiện nghi của thành phố Sài Gòn, ánh đèn neon sáng choang, cảm giác thật khó tả. Chị chủ nhà hướng dẫn chúng tôi vào WC rửa tay chân rồi chị lặng lẽ đi nấu cơm. Chúng tôi vào rửa chân tay nhưng vẫn cầm súng và thay nhau cảnh giác. Xong, chúng tôi ngồi xuống nền nhà gạch hoa mát lạnh. Dưới ánh đèn điện lúc này, chúng tôi mới nhìn thấy hai bắp đùi toàn là vết muỗi đốt tấy đỏ chi chít thành “mề đay” do nhiều đêm liền phải hành quân tác chiến liên tục, ngủ bờ ngủ bụi, đầu kê lên mô đất, súng đặt trên ngực, ngủ chớp nhoáng rồi vùng dậy, lại đi. Chúng tôi nhìn nhau, vừa cười, vừa thương cảm tình đồng chí, đồng đội. Đúng lúc đó, chị chủ nhà bê ra một mâm cơm có canh rau cải nấu với cá rô, trứng chiên và tô cơm trắng ngần. Chị nói: Các chú ăn đi, chắc đói dữ rồi! Chúng tôi cảm ơn chủ nhà rồi bưng chén cơm lên ăn. Ôi! một bữa cơm thật tuyệt! Phần vì đã quá đói, phần vì cơm và thức ăn được nấu rất vừa miệng nhưng quan trọng nhất là vì chúng tôi cảm nhận được tình cảm yêu quý dành cho bộ đội của nhân dân Sài Gòn trong ngày đầu tiên giải phóng. Năm mươi năm đã trôi xa. Không biết người nữ chủ nhà năm ấy nay có còn không? Và nếu còn thì chị đang ở nơi đâu? Chúng tôi muốn gửi đến chị một lời thăm hỏi ân tình!
Tôi trở lại thăm chiến trường xưa vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025). Bước chân của người cựu chiến binh già thong thả dạo trên hè phố Nguyễn Tất Thành (Trịnh Minh Thế), cầu Chữ Y, chợ Xóm Chiếu,... những nơi in dấu trận địa nóng bỏng năm xưa. Đường phố tấp nập người, ngược xuôi xe cộ. Những tòa nhà cao vút, tráng lệ của thời 4.0 khiến tôi choáng ngợp. Bỗng nghe trong sâu thẳm nhịp sống phồn vinh ngày mới của thành phố hôm nay một câu hỏi: Sao ngày vui mà vắng mặt nhiều người? Vâng, có rất nhiều, rất nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã vắng mặt. Họ đã nằm xuống trên mảnh đất này. Vậy mà cứ ngỡ như họ vẫn còn đây, đang đi cùng với mọi người.
Phía trên cao kia là trời xanh, mây trắng. Dưới đất đây là hòa bình. Một tầm vóc mới của TP.HCM, của đất nước đang vươn mình trong khát vọng phát triển đi lên. Nhưng trong tầm vóc ấy, rõ ràng có hình bóng của hàng triệu chiến sĩ giải phóng quân năm xưa, trong đó có những người lính của Tiểu đoàn 1 Long An - đơn vị ba lần được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Hà Nội, đầu tháng 4/2025
Bút ký của Nguyễn Đăng Văn
* Những tư liệu liên quan trong bài viết này, tác giả có tham khảo trong cuốn sách: Tiểu đoàn 1 Long An - Đơn vị ba lần Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân năm 2003) và Thắm mãi màu cờ ba lần anh hùng (Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân năm 2024)