Nhìn lại hành trình 2024 của VN-Index
Ảnh: TPS
Tính từ thời điểm đầu năm 2024 đến hết ngày 24/12/2024, VN-Index đạt mức tăng trưởng 10,91% từ mức 1.136,39 điểm lên ngưỡng 1.260,36 điểm. Theo các chuyên gia từ Chứng khoán Tiên Phong (TPS), thị trường đã trải qua 3 giai đoạn chính: tăng trưởng - điều chỉnh - tích lũy.
Giai đoạn tăng trưởng kéo dài từ 2/1/2024 đến 12/6/2024. Ở giai đoạn này, sau khi các thông tin tiêu cực đã được phản ảnh và hình thành đáy của chỉ số trong tháng 10/2023, thị trường đã duy trì một giai đoạn tăng trưởng ấn tượng tính từ đầu năm cho đến 28/3/2024. Giai đoạn này cũng ghi nhận những tín hiệu rất tích cực đến từ PMI, vốn đầu tư FDI nước ngoài liên tục tăng trưởng qua từng tháng, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh vv.. hỗ trợ VN-Index đạt mức tăng trưởng 13,78%.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2024 đến nửa đầu tháng 4/2024, các thông tin tiêu cực ập đến, đặc biệt từ chỉ số DXY tăng cao, đã khiến thị trường gặp khó khăn. Khối ngoại liên tục rút ròng trong thời gian tháng 4 với thanh khoản lớn và lại tập trung chủ yếu vào nhóm vốn hóa lớn khiến điểm số VN-Index có thời gian điều chỉnh lên đến hơn 8% chỉ trong 4 phiên giao dịch.
Tuy nhiên ngay sau đó, từ 20/4/2024 - 12/6/2024 thị trường đã lấy lại được xu thế tăng giá, vượt lên trên nền giảm mạnh trước đó cho thấy một xu hướng tăng tốt, mở ra những kịch bản tươi sáng cho VN-Index. Một số yếu tố mở ra xu hướng tăng giá, theo nhận định từ giới chuyên gia, là do các thông tin xấu từ thị trường đã phản ánh vào giá; cùng đó tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tại Mỹ, CPI có dấu hiệu giảm trong báo cáo tháng 4 càng khiến cho giới đầu tư kỳ vọng vào việc FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các thông tin tích cực đến từ khối doanh nghiệp, giá vàng hạ nhiệt… cũng tạo động lực cho chỉ số VN-Index trở lại xu thế tăng giá.
Ảnh: TPS
Chỉ số bước sang giai đoạn điều chỉnh từ ngày 13/6/2024 đến ngày 6/8/2024, khi các thông tin tiêu cực ập đến đặc biệt từ chỉ số DXY đã khiến thị trường gặp khó khăn.
Đầu tiên, thị trường gặp áp lực bán tháo và tâm lý nhà đầu tư suy yếu khi chạm lên ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Một số nhà đầu tư lớn thực hiện bán cổ phiếu vốn hóa lớn, gây hiệu ứng bán tháo và lan tỏa ra toàn thị trường bao gồm các nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tâm lý e ngại và bi quan trong nước khiến thanh khoản suy giảm rõ rệt. Có đến 22/39 phiên giao dịch trong giai đoạn này có mức thanh khoản thấp hơn mức trung bình của 39 phiên gần nhất (tương ứng mức 19.159 tỷ đồng/ phiên).
Cùng đó, lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong các tháng 8 và tháng 9/2024 đã tạo sức ép lên doanh nghiệp, buộc một số công ty phải bán cổ phiếu để xoay vốn. Điều này làm gia tăng áp lực bán trên thị trường. Trong khi việc khối ngoại liên tục duy trì việc bán ròng khiến tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc Mỹ vẫn chưa công nhận nền kinh tế trường, việc lùi ngày vận hành của hệ thống KRX, việc mong chờ nền chứng khoán Việt Nam được nâng hạng để rồi thất vọng của nhà đầu tư… cũng tạo áp lực lên chỉ số. Với các yếu tố trên, thị trường đã trải qua gần 2 tháng giảm điểm mạnh. Mức giảm sâu khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó trong việc phản ứng kịp so với thị trường.
Ảnh: TPS
Giai đoạn tích lũy của thị trường diễn ra từ ngày 9/8/2024 đến cuối năm, ở giai đoạn này chỉ số đã xác nhận khung giao động 1.240 – 1.300 điểm.
Theo đó, sau khi giảm điểm mạnh tính đến ngày 06/08/2024, thị trường ghi nhận chuyển biến tích cực khi bật tăng trở lại ngưỡng 1.290 điểm sau 14 phiên giao dịch vào ngày 26/8/2024. Từ đó, thị trường xác nhận khung giao động tại ngưỡng 1.180 – 1.300 điểm khi đã có 2 lần chạm vùng 1.300 điểm mà không phá vỡ thành công, 2 lần ghi nhận giảm điểm đến vùng 1.230 điểm và hồi phục trở lại 3 lần chạm vào vùng 1.180 – 1.290 điểm. Diễn biến này xuất hiện ở thời điểm thị trường cần tìm kiếm động lực và đặc biệt là thanh khoản để có thể thu hút dòng tiền, từ đó giúp VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.300 điểm.
Một số yếu tố trên thị trường quốc tế như tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực, gây lo ngại về triển vọng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trong khu vực, bao gồm Việt Nam; hay các tác động sau khi ông Trump chính thức tái đắc cử khiến các bất ổn về chiến tranh thương mại, thuế quan và các chính sách của ông Trump sau khi chính thức nắm quyền vào tháng 1/2025 khiến nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi những chính sách về thuế của ông trước khi quyết định đầu tư càng làm dòng tiền thiên về quan sát, duy trì trạng thái chờ đợi.
Nhìn chung, giới chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này thiếu các động lực bứt phá, chủ yếu duy trì trạng thái tích lũy chờ cơ hội từ các sự kiện kinh tế và chính sách lớn trong và ngoài nước. Thêm vào đó, việc thiếu hụt thanh khoản càng làm biến động ngắn hạn trở nên khó đoán.
Ảnh: TPS
Triển vọng 2025: Nâng hạng là từ khóa chính
Trong các báo cáo chiến lược mới nhất từ nhiều công ty chứng khoán, các chuyên gia bày tỏ kỳ vọng lạc quan vào triển vọng VN-Index năm 2025 trên cơ sở môi trường vĩ mô ổn định và các yếu tố hỗ trợ dòng tiền tích cực. Về các yếu tố hỗ trợ dòng tiền, các chuyên gia đặt kỳ vọng lớn ở triển vọng nâng hạng thị trường.
Theo đó, trong 2024, Việt Nam đã thực hiện nhiều bước để gỡ các điểm nghẽn, hướng tới nâng hạng. Trong đó có thể kể tới việc cải cách pháp lý; nới lỏng các hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, một số ngành đã được gỡ bỏ hoặc nâng giới hạn sở hữu nước ngoài (lên tới 100% ở ngành không nhạy cảm); nâng cấp hạ tầng công nghệ khi tiếp tục triển khai hệ thống giao dịch KRX (Hàn Quốc); các bước tăng cường minh bạch thông tin; đáng chú ý là quy định mới về “No-prefunding”...
Năm 2025, có nhiều yếu tố trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được tiếp tục cải thiện để chuẩn bị cho nâng hạng bao gồm kỳ vọng nhanh chóng đưa KRX và vận hành để nâng cao hạ tầng giao dịch; đơn giản quy trình mở tài khoản, chuyển đổi ngoại tệ, xóa bỏ các hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các ngành quan trọng; đẩy nhanh áp dụng IFRS và công bố thông tin bằng tiếng Anh; tăng số lượng cổ phiếu đủ điều kiện vào rổ MSCI và FTSE Russell hay khuyến khích niêm yết các doanh nghiệp lớn trên sàn, tăng khối lượng giao dịch và nâng cao vai trò của nhà đầu tư tổ chức…
Liên quan đến vấn đề nâng hạng, các chuyên gia Mirae Asset Việt Nam chỉ ra rằng đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí của FTSE để nâng hạng lên thị trường cận biên lên mới nổi và chỉ còn hai vấn đề còn đang vướng mắc. Một là Non-Prefunding: Công ty chứng khoán được phép nhận lệnh mua từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài dù tài khoản không đủ 100% giá trị lệnh, dựa trên mức ký quỹ thỏa thuận trong hợp đồng. Hiện tại, đa số công ty chứng khoán đã hoàn thiện quy trình cho vấn đề này để áp dụng, đặc biệt các công ty chứng khoán thường có hoạt động của quỹ đầu tư ngoại.
Hai là, xử lý những giao dịch thất bại. Về vấn đề này, Trung tâm lưu ký (VSD) đang làm việc để bổ sung chỉnh sửa Luật chứng khoán & Nghị định 155 để thành lập Trung tâm đối tác bù trừ (Central Counterparty – CCP). Với CCP, VSD sẽ phòng ngừa rủi ro thanh toán cho thị trường chứng khoán cơ sở theo Thông tư 119/2020/TT-BTC, đảm bảo nhiều lớp đệm tài chính an toàn.
Đây là vướng mắc lớn để thông qua kịp ngay trong đợt review tháng 2/2025 của FTSE. Tuy nhiên, nếu nhanh có thể phải chờ qua quý II/2025 để hoàn thiện vấn đề này. Vì vậy, Mirae Asset cho rằng việc nâng hạng thị trường năm 2025 là khả dĩ, với kịch bản khả thi nhất là tháng 9/2025 thay vì 3/2025 như kỳ vọng.
Điểm lưu ý là các chỉ số thị trường có xu hướng tăng mạnh 6 tháng trước khi nâng hạng, tạo cơ hội cho các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình. Vì vậy, nếu nâng hạng chính thức là kỳ tháng 9/2025 thì giai đoạn từ tháng 3/2025 đến 9/2025 sẽ thường là sóng tăng của VN-Index, tương tự như 5 thị trường khảo sát gần đây, theo Mirae Asset.
VN-Index thăng hoa đến đâu?
Xét về triển vọng chỉ số VN-Index 2025, TPS dự báo rằng VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.470 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở ngưỡng 15,x (tương đương với mức P/E trung bình của 10 năm gần nhất). Tính đến thời điểm tháng 12/2024, mức P/E của thị trường đang đạt ngưỡng 13,2x, vẫn ở mức hấp dẫn với triển vọng phục hồi trong năm 2025 khi trung bình của 10 năm của P/E ở ngưỡng 15,2x.
Trong kịch bản tích cực, thị trường sẽ dựa trên tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, sự ổn định của chính sách kinh tế, và thanh khoản thị trường cải thiện. Chỉ số có thể tiến đến mức 1.537 điểm với P/E tăng trưởng 15% khi các yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, tạo động lực giúp ngành ngân hàng và tài chính có được lợi nhuận cao nhờ tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu. Ngành tiêu dùng và bán lẻ được thúc đẩy bằng các chính sách thuận lợi cho tiêu dùng nội địa và ngành bất động sản cũng được kỳ vọng phục hồi từ nhu cầu thực tế và hỗ trợ từ chính sách pháp lý minh bạch, rõ ràng.
Ảnh: TPS
Thận trọng hơn, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.400 – 1.420 trong năm 2025 với kịch bản lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 18% và định giá 12,5 - 13 lần P/E.
Trong một hội thảo gần đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng nhận định TTCK có thể gặp nhiễu động trong 6 tháng đầu năm nhưng 6 tháng cuối năm có thể có những bước thăng hoa đưa chỉ số lên mức cao nhất quanh 1.400 điểm nhờ ‘bước ngoặt’ rất quan trọng về nâng hạng.
Diên Vỹ