Yêu nước, trước hết phải biết ơn
Không phải mọi hình ảnh trong ngày hội thống nhất non sông đều khiến chúng ta tự hào. Trái lại, có những hành vi khiến người ta vừa phẫn nộ, vừa xót xa. Trong khi cả nước đang tràn ngập niềm tự hào, phấn khởi đón chào 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì một đoạn clip đầy xấu hổ lại nhanh chóng lan tràn trên mạng xã hội, khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.
Trong video ấy, một nhóm nam thanh niên đã có hành vi thiếu văn hóa, lớn tiếng xúc phạm hai cựu chiến binh, những người đã đứng chờ để chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành, thể hiện sự tôn trọng đối với lịch sử và những hy sinh của dân tộc. Hành động của họ không chỉ thiếu tôn trọng mà còn là sự coi thường những người đã cống hiến tuổi xuân, máu xương để đất nước hôm nay có được độc lập, hòa bình. Cộng đồng mạng phản ứng mạnh mẽ, căm phẫn vì hành động xấu xí này!
Nhiều người đã rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh đẹp này trong buổi sáng 30/4.
Trưa 1/5, Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) mới chỉ phát đi thông báo sẽ làm rõ sự việc và có biện pháp xử lý đối với sinh viên có hành vi, lời nói vô lễ. Nhà trường tuyên bố không đồng tình với hành vi thiếu chuẩn mực của sinh viên và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xác minh và xử lý theo quy định. Nhưng, liệu sự phê phán này có đủ mạnh mẽ để khiến người ta phải dừng lại những hành vi thiếu đạo đức? Phải chăng, chỉ khi sự việc gây xôn xao trên mạng xã hội, dư luận mới thức tỉnh? Thực tế, triết lý giáo dục mà trường hướng tới là đào tạo những con người có đạo đức và trách nhiệm, nhưng lý thuyết liệu có đi đôi với thực tiễn?
Tối 1/5, nam sinh viên có mặt trong video đã đăng bài xin lỗi trên Facebook cá nhân. Cậu ta lý giải hành động thiếu suy nghĩ của mình "do nóng nảy, ích kỷ và bị ảnh hưởng bởi thời tiết".
Lý do hết sức thiếu thuyết phục. Sự "hối hận" này chẳng thể làm xoa dịu nỗi bức xúc mà cộng đồng đang cảm nhận. Đây sẽ là bài học đắt giá cho nhóm thanh niên này, tuy nhiên, liệu họ đã thực sự nhận thức được sai lầm và sẽ thay đổi hành vi hay không? Chắc chắn, họ cần phải chịu trách nhiệm về những gì đã gây ra, không chỉ là lời xin lỗi qua loa! Đó không chỉ là biểu hiện của vô lễ, mà là một sự xúc phạm khó thể dung thứ đối với những người đã cống hiến tuổi trẻ, máu xương cho nền độc lập mà hôm nay họ đang thụ hưởng. Họ cũng đến lễ diễu binh, tưởng rằng cũng trong tâm thế của những người mang trong mình lòng biết ơn và tinh thần yêu nước, nhưng không, họ chỉ đến "cho vui", cho có phong trào và sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị đạo đức.
Một lễ diễu binh được chuẩn bị nhiều tháng trời, huy động hàng ngàn con người, không chỉ để biểu dương sức mạnh quân đội, mà còn để gợi nhắc hàng triệu trái tim Việt về một thời khói lửa đã đi qua. Thế nhưng, với những người trẻ ấy, đó chỉ là cái "background" để chụp ảnh đăng story, là cơ hội để thể hiện cá tính... lạc lõng và lệch chuẩn.
Đáng lo hơn, đây không phải là trường hợp cá biệt. Nó là dấu hiệu của sự đứt gãy nguy hiểm trong nhận thức văn hóa - lịch sử ở một bộ phận giới trẻ, những người đang lớn lên trong hòa bình nhưng lại thờ ơ với giá trị của nó. Khi giới trẻ không biết cúi đầu trước những người lính già, không hiểu vì sao đất nước phải đi qua chiến tranh, thì đó không chỉ là vấn đề giáo dục - đó là hồi chuông báo động về sự khủng hoảng lý tưởng sống.
Đừng viện cớ rằng họ “còn trẻ”, “chưa ý thức được” - bởi lòng yêu nước không có tuổi và sự kính trọng lịch sử không cần phải đợi đến khi già mới học. Nếu thế hệ trẻ hôm nay không học cách đứng nghiêm khi Quốc kỳ tung bay, không biết nói lời cảm ơn với người từng vì Tổ quốc mà hy sinh, thì mai này ai sẽ là người kế tục sứ mệnh giữ gìn nền độc lập ấy?
Đáng buồn hơn, trong ngày hội trọng đại của dân tộc, khi cả nước đang dõi theo những khoảnh khắc thiêng liêng của lễ diễu binh - biểu tượng cho sức mạnh, niềm tự hào và chủ quyền quốc gia - thì không ít người, trong đó có cả thanh niên, lại đổ xô nhặt drone rơi sau lễ diễu binh để rao bán công khai trên mạng xã hội. Một số cá nhân không ngần ngại rêu rao: “Hàng từ lễ diễu binh, độc nhất vô nhị, ai lấy inbox sớm!”, biến vật thể quân sự thành món hàng trao đổi như một món đồ sưu tầm thông thường. Những hành vi tưởng chừng "vô thưởng vô phạt" ấy không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết và vô cảm trước các giá trị thiêng liêng của quốc gia, mà còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin quân sự, vi phạm quy định về quốc phòng - an ninh.
Viết tiếp câu chuyện hòa bình
Giữa không khí hân hoan, rộn ràng của lễ diễu binh sáng 30/4, trong khi hàng triệu con mắt dõi theo qua màn hình tivi, những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng đầy xúc động vẫn không ngừng xuất hiện trên khắp các phố phường, trong lòng thành phố và trên những nẻo đường đất nước. Giữa dòng người vội vã, có những bạn trẻ lặng lẽ dừng lại, mỉm cười và cúi chào những cựu chiến binh đang tham dự lễ diễu binh - những người đã một thời xả thân vì độc lập dân tộc. Một cái bắt tay, một ánh mắt biết ơn, một hành động nhỏ bé nhưng đầy chân thành ấy khiến không ít người phải rơi lệ. Đó là cách nhiều người trẻ bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh cả cuộc đời để bảo vệ Tổ quốc, để hôm nay, họ được sống trong hòa bình, tự do.
Nhóm thanh niên đã có hành vi thiếu văn hóa, lớn tiếng xúc phạm hai cựu chiến binh khiến dư luận bất bình, lên án.
Thật xúc động khi chứng kiến các bạn trẻ lặng lẽ dìu các cựu chiến binh, nâng niu từng bước chân không còn vững của các cụ. Một bạn trẻ đã không ngần ngại cúi xuống, đưa chiếc ghế cho một cựu chiến binh tuổi đã ngoài 80, đồng thời hỏi thăm: “Cụ có thấy thoải mái không? Cụ cần nước không ạ?".
Những hành động đẹp đẽ này không chỉ diễn ra ngoài đời thực, mà còn thấm đẫm trong không gian mạng - nơi mà lòng yêu nước được thể hiện theo cách riêng biệt. Những bài viết, những dòng trạng thái, những video clip được đăng tải không chỉ là cách bày tỏ lòng biết ơn, mà còn là lời kể về một lịch sử hào hùng, sống động bằng ngôn ngữ của thế hệ hôm nay. Các bạn trẻ không ngần ngại tái hiện ngày 30/4, qua các clip hoạt hình, qua những bản nhạc remix mang âm hưởng cách mạng, hay qua những vlog về những câu chuyện chiến tranh từ ông bà, cha mẹ, để người xem - không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới - cảm nhận được niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc mãnh liệt.
Câu chuyện của bạn Nguyễn Thùy Linh, tái hiện hình ảnh cô gái Sài Gòn năm 1975 trong một video trên TikTok, đã khiến hàng triệu trái tim người xem phải lặng đi. Cô thể hiện nỗi đau nhưng cũng đầy hy vọng của một người con gái Sài Gòn năm ấy, với ánh mắt trong sáng, đầy niềm tin vào tương lai. Câu chuyện của Thùy Linh đã giúp những người trẻ khác nhận ra rằng, yêu nước không chỉ là nhớ về quá khứ, mà là hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Tại TP Hồ Chí Minh, một nhóm sinh viên đã dựng lại bản đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng công nghệ số, làm sống lại những chiến công oanh liệt, qua đó gợi mở cho các thế hệ hôm nay cách hiểu và trân trọng hơn về lịch sử đất nước. Trên YouTube, du học sinh Vũ Minh Quang đã kể lại hành trình chiến tranh đến hòa bình của Việt Nam bằng tiếng Anh, khiến không chỉ bạn bè quốc tế mà cả kiều bào Việt Nam ỏ nước ngoài phải rơi nước mắt.
Ngay cả trên các diễn đàn trực tuyến - nơi ngôn từ đôi khi có thể bị lạm dụng - không ít bạn trẻ vẫn không ngần ngại đứng lên bảo vệ lịch sử, phản bác những luận điệu sai trái với lý lẽ sắc bén và trái tim đầy tự trọng. Tại nước ngoài, một bạn trẻ đã bật lên bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” giữa đám đông đang tụ họp tưởng niệm ngày “quốc hận”, hành động dù nhỏ, nhưng là một lời khẳng định mạnh mẽ về tình yêu đất nước.
Ngày 30/4 không chỉ là một ngày lịch sử, mà là một lời nhắc nhở từ quá khứ gửi đến hiện tại: máu xương cha ông đã đổ để hôm nay ta có thể sống trong hòa bình. Và, thanh niên Việt Nam - với những người trẻ năng động, sáng tạo, cống hiến - đang miệt mài góp phần xây dựng đất nước, mang tên tuổi Việt Nam vươn ra thế giới. Những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa ấy chính là cách họ tỏ lòng biết ơn, khẳng định trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát triển đất nước.
Tổ quốc không đòi hỏi chúng ta phải ngã xuống như cha ông, nhưng Tổ quốc mong chúng ta sống sao cho xứng đáng với hòa bình - điều thiêng liêng nhất, đã được đánh đổi bằng máu. Giới trẻ hôm nay, hãy yêu nước bằng đôi mắt sáng, đôi tay sạch và một trái tim thật ấm, bởi chính các bạn là những người tiếp bước, viết tiếp những trang sử oai hùng của dân tộc.
Bảo Phương