Phân khúc đất nền gây "sốt nóng" cục bộ tại thời điểm trước sáp nhập các tỉnh thành. Ảnh: Internet
Thị trường bất động sản chịu tác động mạnh từ "làn sóng" sáp nhập các tỉnh, thành phố hồi đầu năm 2025.
Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt nam, đợt “sóng” mạnh nhất đến từ nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. “Đỉnh sóng” ghi nhận mức tăng giá bất động sản lên tới 40%.
Phân khúc ghi nhận đón sóng tăng giá chủ yếu là phân khúc đất nền, tập trung mạnh vào một số địa phương như Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, vùng ven Hà Nội.
“Có chủ đầu tư tận dụng sóng sáp nhập tỉnh, thành phố để ra hàng, thậm chí điều chỉnh giá bán tăng 10% trong một đêm”, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, dữ liệu từ VARS cũng cho thấy, “cơn sốt’ đầu tư đón đầu sáp nhập tỉnh, thành đã hạ nhiệt vào giữa tháng 4 và thị trường dần ổn định trở lại.
Theo đó, nhà đầu tư không còn lao vào cuộc chơi một cách bất chấp như trước. Thay vào đó, họ chờ quy hoạch, định hướng chính xác để cân nhắc xuống tiền.
Tại các địa phương có “sóng” trước đây, giá và thanh khoản có dấu hiệu chững lại, đặc biệt tại các khu vực không thuộc quy hoạch trung tâm hành chính”, bà Phạm Thị Miền cho hay.
Liên quan tới tác động của sáp nhập tỉnh thành tới thị trường BĐS các địa phương, đại diện VARS cho biết, việc sáp nhập giúp tinh gọn bộ máy quản lý, rút ngắn một số thủ tục hành chính, từ đó giảm thời gian và chi phí thực hiện dự án, tạo dư địa giảm giá bán.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường được mở rộng, tạo “room” cho các CĐT phát triển dự án quy mô và đồng bộ.
Việc sáp nhập cũng tạo hình thành trạng thái “đôi bên cùng hưởng lợi”. Theo đó, các địa phương được sáp nhập không chỉ có cơ hội phát huy tối đa thế mạnh sẵn có, mà còn được khai thác thêm các tiềm năng mới nhờ thừa hưởng kinh nghiệm phát triển, quy hoạch và quản lý từ các trung tâm kinh tế lớn.
Ngược lại, các đô thị trung tâm cũng được mở rộng không gian phát triển khi các khu vực vùng ven trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhu cầu nhà ở lan tỏa từ nội đô, trên nền tảng hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện.
Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đã phát triển các dự án đại đô thị “All in one” tại địa phương lân cận các đô thị lớn do áp lực quá tải tại các đô thị lõi; quỹ đất khan hiếm và đắt đỏ tại các thành phố lớn trong bối cảnh hạ tầng giao thông kết nối phát triển.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes nhận định, sau khi ổn định về mặt địa giới hành chính, chắc chắn thị trường bất động sản sẽ tích cực trở lại.
Đặc biệt là các thị trường có thế mạnh phát triển hạ tầng và khu công nghiệp, nhất là các tỉnh quanh Hà Nội, những tỉnh được đặt trung tâm hành chính như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Về giá bán của các phân khúc, ông Lê Đình Chung cho rằng, bất động sản nào đáp ứng nhu cầu ở sẽ tăng giá.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này lưu ý, dù đầu tư bất kỳ phân khúc bất động sản nào cũng cần chú ý đến các yếu tố như vị trí trung tâm, có mật độ dân cư tốt, đầy đủ tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu ở bên cạnh câu chuyện giá thành.
Theo ông Lê Đình Chung, ngay sau thời điểm sáp nhập các tỉnh thành, nửa cuối năm 2025 là thời điểm tương đối “vàng” với các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong việc tìm hiểu kỹ về thị trường để đưa ra quyết định đầu tư.
Thu Hiền