Sống và dấn thân với nghề

Sống và dấn thân với nghề
7 giờ trướcBài gốc
Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải: Mong hoàn tất những việc đang dang dở
Sinh năm 1935, năm 2025 này, nhà nghiên cứu (NNC) Cao Sơn Hải đúng 90 tuổi. Dường như tuổi tác không làm ông lo sợ. Những cán bộ, công chức khác nghỉ hưu là chỉ vui tuổi già, xả những bận rộn, thảnh thơi bên con cháu, thì với riêng ông, bắt đầu từ thời khắc đó là được làm những gì mình muốn. Hơn 15 công trình khảo cứu, nghiên cứu lần lượt ra đời và hoàn thành khi ông ở độ tuổi 70, 80. Năm 2022, ông vinh dự được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) với chùm 3 tác phẩm: “Những bài ca đám cưới người Mường Thanh Hóa”, “Lễ Pồn Pôông eng cháng” (song ngữ), truyện thơ “Nàng Út Lót - Đạo Hồi Liêu” (song ngữ)... Giải thưởng cao quý ấy là “quả ngọt” của cả đời một người Mường như ông tận tụy với văn hóa Mường.
Nói về kế hoạch năm 2025, NNC Cao Sơn Hải cho biết: Hy vọng lớn nhất là năm 2025 này, bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa sẽ được phê duyệt thực hiện.
Theo NNC Cao Sơn Hải: Người Mường Thanh Hóa hiện nay có khoảng 40 vạn người, tiếng nói của người Mường vẫn là tiếng Việt – Mường, và người Mường không có chữ viết riêng. Không có chữ nhưng người Mường vẫn còn giữ được hàng vạn câu thơ thuộc lễ ca mà ta gọi là mo tang lễ và dân ca, tục ngữ, truyện cười, truyện cổ tích... Ngôn ngữ Mường đã làm ra văn hóa Mường, trước hết là làm nên người Mường cả thể xác và linh hồn.
Một dân tộc tồn tại hàng ngàn năm mà không có chữ viết, không thể ghi chép lại lịch sử phát triển của dân tộc, tất cả chỉ lưu giữ qua truyền miệng từ đời nọ sang đời kia, vì thế tiếng Mường đang “co lại”, văn hóa Mường ngày càng “lịm” dần. Thấu hiểu điều đó, từ nhiều năm trước ông đã tiến hành chuẩn bị tư liệu và từ năm 2022, bộ chữ Mường chính thức được nhóm tác giả tập trung thực hiện. “Mong muốn giữ gìn tiếng nói và có chữ viết để lưu giữ tiếng nói, phát triển văn hóa là nguyện vọng thiết tha từ lâu của cộng đồng người Mường. Nguyện vọng tha thiết đó phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước”, NNC Cao Sơn Hải khẳng định đó là thuận lợi lớn nhất trong quá trình làm bộ chữ Mường.
“Tôi là người Mường, tôi có trải nghiệm, có cội nguồn, có kiến thức, vì thế đi đến tận cùng gốc rễ văn hóa dân gian Mường là trách nhiệm của tôi. Tôi không dấn thân thì ai làm điều đó”. Sự trăn trở ấy khiến ông càng mong muốn bộ chữ Mường Thanh Hóa sẽ ra mắt sớm, để đồng bào dân tộc Mường sử dụng và lưu giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
NSND Hoàng Hải: Tôi có 3 nhiệm vụ lớn trong năm 2025
85 năm tuổi đời, 67 năm hành trình nghệ thuật của nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Hải là minh chứng cho sức làm việc của ông.
“Chặng đường nghệ thuật của tôi đi cùng những biến động của lịch sử dân tộc. Đặc biệt là giai đoạn “đục tường hướng ra đường làm thương nghiệp”, các đoàn nghệ thuật trong cả nước đều gặp những khó khăn lớn. Trong đó, Đoàn ca múa Nhân dân Thanh Hóa (nay là Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn) mà ông lãnh đạo cũng phải nhiều lần thay đổi “chiến thuật, chiến lược” cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân. Trải qua biết bao thăng trầm, ngẫm lại ông tổng kết: “Đến lúc này, tôi có 2 niềm vui lớn. Đó là tôi đã tận mắt chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ nghệ sĩ tỉnh nhà, trong số đó không ít người được chính tôi đào tạo, là những “hạt thóc đỏ” của nghệ thuật. Và, sau những chương trình nghệ thuật lớn như múa “Hướng đăng” sử dụng chất liệu dân ca dân vũ Đông Anh để sáng tác; chương trình “Vó ngựa Lam Kinh” quy tụ 150 diễn viên múa biểu diễn suốt quãng đường từ Quảng trường Ba Đình đến Nhà hát lớn Hà Nội suốt 4 tiếng đồng hồ sử dụng những nét độc đáo, hấp dẫn, hồn cốt của múa Xuân Phả... nhiều người đã biết đến múa đèn Đông Anh, múa Xuân Phả, từ đó góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của xứ Thanh.
Sau vinh dự được trao tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022, NSND Hoàng Hải vẫn cần mẫn làm việc. Năm 2024, với cương vị Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, ông đã tiến hành khảo sát phong trào dân vũ trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức liên kết các câu lạc bộ dân vũ, đầu tư dàn dựng các tiết mục thành tác phẩm nghệ thuật và tổ chức Liên hoan nghệ thuật dân vũ Thanh Hóa lần thứ nhất.
Nói về năm 2025, NSND Hoàng Hải cho biết: Đây là năm gắn liền với chiến thắng Hàm Rồng vang dội của quân và dân Thanh Hóa. Tôi rất muốn dựng tác phẩm múa “Bông hoa đỏ” nói về cuộc chiến đấu anh dũng của bộ đội và dân quân Hàm Rồng - Nam Ngạn; làm chương trình ca múa nhạc về chiến thắng Hàm Rồng. Ngoài ra Chi hội Nghệ sĩ Múa tiếp tục tổ chức Liên hoan nghệ thuật dân vũ Thanh Hóa lần thứ 2.
Để có thể thực hiện được vẹn tròn mọi kế hoạch của mình, NSND Hoàng Hải tự ví mình như cái bảng, xong việc nào là xóa đi, vạch ra những đề mục khác và nỗ lực làm việc. Bằng thái độ sống chuẩn mực, ông không chỉ được đồng nghiệp kính nể mà còn có thể đi bền, đi lâu, đi đường dài với nghệ thuật.
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh: Viết là đi tìm tên gọi của chính mình
Năm 2025 là năm đặc biệt với nhà văn Từ Nguyên Tĩnh. Là kỷ niệm 60 năm ngày đầu tiên ông đi lính, là tròn 60 năm hành trình văn chương.
Chiến tranh là nỗi khiếp sợ của nhiều người. Với nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, chiến tranh là cơ hội để ông trưởng thành. Ở Đại đội 4 Hàm Rồng ông đã viết báo, in bài đầu tiên có tiêu đề “Anh viết cho em” với bút danh Vân Anh trong tạp chí Người bạn Văn hóa Thanh Hóa...; cũng trong quân ngũ, đúng ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, 27/1/1973 ông được kết nạp Đảng. Ông nói: “Tôi là chiến sĩ, nhà văn”. Suốt 10 năm đời lính, ông gắn bó với trận địa cầu Hàm Rồng và tuyến lửa xứ Thanh. Trải qua công việc của pháo thủ, thợ sửa pháo, khẩu đội trưởng, rồi người viết sử, viết báo... làm thơ, viết văn... Ký ức và hiện thực sống, chiến đấu cứ ngồn ngộn khiến ông không thể không cầm bút. Ân huệ cuộc đời “Sống sót được đã là may!” buộc ông trăn trở, đắm đuối với đề tài người lính để đi tìm tên gọi của chính mình.
Khát vọng cầm bút của ông là được viết về con người, làm sao để nói hết được cái tâm sự của họ trong cuộc đời này. Đồng thời, viết là sự giải thoát, là điểm tựa để ông thực hiện ước mơ tuổi trẻ, là sự chiêm nghiệm với cuộc đời.
Chàng trai “nhà quê” 18 tuổi năm nào “tập tọe” làm thơ đến nay đã có gia tài với hơn 30 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, ký và thơ. Đặc biệt, ông đã được nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT với tập truyện ngắn “Mối tình chàng Lung Mù”. Năm 2025, ông dự định xuất bản cuốn tiểu thuyết có nhan đề là “Tấm thẻ bài”. Vẫn là đề tài hậu chiến, nhưng không phải là lính Mỹ quay trở lại Việt Nam, mà là cô thanh niên xung phong năm nào sang Mỹ để tìm cha cho con mình.
Dù đã qua đủ mọi thành công và trải nghiệm trong cuộc đời, nhưng họ, các tác giả đạt giải thưởng Nhà nước về VHNT vẫn tiếp tục dấn thân. Những năm tháng đã qua là mồ hôi và nước mắt, còn khoảng thời gian này, họ được sống cho chính mình, làm những gì tâm huyết nhất.
Bài và ảnh: BẢO ANH
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/song-va-dan-than-voi-nghe-237953.htm