Sốt phát ban, tiêu chảy thường gặp do nguyên nhân gì?

Sốt phát ban, tiêu chảy thường gặp do nguyên nhân gì?
20 giờ trướcBài gốc
Qua triệu chứng của các bé, chúng tôi thấy các bé có triệu chứng sốt phát ban, viêm đường hô hấp và tiêu chảy thì phần lớn do bệnh lý nhiễm siêu vi. Có 2 con siêu vi có khả năng gây tiêu chảy nguy hiểm chết người là siêu vi sởi và siêu vi rota.
1. Vi rút sởi, “trùm” gây ban đỏ, biến chứng tiêu chảy: Lúc đầu, bé sốt cao, ho, sổ mũi, mắt đỏ hoe như vừa khóc xong. Sau đó, ban đỏ nổi từ đầu xuống chân, giống như ai vẩy màu đỏ lên người, kèm theo đó, bé có thể bị tiêu chảy do ruột bị tổn thương. Nếu không bù nước kịp, bé dễ bị mất nước nặng, thậm chí tử vong.
2. Vi rút rota, “thủ phạm chính” gây tiêu chảy, phát ban có thể xảy ra, nhưng không phải là triệu chứng điển hình. Bé nhiễm vi rút này có triệu chứng tiêu chảy dữ dội, đi phân ra nước liên tục, có khi nôn ói. Trẻ nhỏ, nhất là bé dưới 2 tuổi, rất dễ mất nước nặng nếu không được bù nước đúng cách. Tại Việt Nam, vi rút Rota là nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp ở 20% đến trên 50% trẻ nhỏ trong giai đoạn 2016 - 2023.
Ngoài 2 con vi rút “tai tiếng” trên, còn có adenovirus, enterovirus cũng có thể gây sốt phát ban kèm tiêu chảy, nhưng ít gặp hơn.
Một trong hai bé bị bệnh nặng, thay vì đưa đi bệnh viện, gia đình lại mời thầy cúng về làm phép để trị bệnh, cuối cùng bé không qua khỏi.
Có ba nguyên nhân bé tiêu chảy bị tử vong:
Thứ nhất là mất nước. Khi tiêu chảy nhiều lần, mỗi lần đi ngoài là mất một lượng nước giống như vặn nước để xả nước ra khỏi bình. Cơ thể bé nhỏ xíu, mất nước nhanh hơn người lớn, dễ bị khô kiệt. Nếu không bù nước kịp, bình nước sẽ bị khô, giống như vậy, mất nước làm cơ thể bé bị khô, thiếu nước, huyết áp bé bị tụt, tim đập yếu dần, bé có thể hôn mê rồi tử vong.
Thứ hai là mất muối, giống như tình trạng cơ thể bị “chập mạch” toàn thân. Trong phân lỏng không chỉ có nước mà còn có muối khoáng rất quan trọng cho cơ thể như muối natri, kali, clo. Muối trong cơ thể còn gọi là chất điện giải, chúng có vai trò hoạt động giống như dòng điện trong hệ thống dây dẫn.
Cơ thể chúng ta là một “hệ thống điện sinh học”, trong đó: Natri (Na⁺) giúp truyền tín hiệu thần kinh, duy trì huyết áp và giữ nước trong cơ thể. Kali (K⁺) điều khiển nhịp tim, co cơ, hoạt động của não bộ. Clorua (Cl⁻) giúp giữ cân bằng axit - kiềm trong cơ thể.
Các chất điện giải là các ion điện, giúp dẫn truyền tín hiệu thần kinh giữa não, tim, cơ bắp và các cơ quan khác. Nếu thiếu muối, tín hiệu này sẽ bị lỗi, giống như dây điện bị đứt mạch, các cơ quan não, tim, cơ bắp bị rối loạn nghiêm trọng, kết hợp với tình trạng tụt huyết áp khiến bé tử vong.
Làm sao cứu bé kịp thời?
Bù nước ngay! Oresol hay còn gọi nước biển khô là cứu tinh số một. Nếu bé không uống được, có thể cho từng muỗng nhỏ, hoặc dùng nước cháo loãng, nước dừa…
Nếu bé tiêu chảy nhiều, không chịu uống, mệt lả, mắt trũng, tay chân lạnh, đưa ngay đến bệnh viện.
Giữ vệ sinh tay sạch sẽ. Vi khuẩn, vi rút tiêu chảy lây lan nhanh như chớp, rửa tay sạch là cách phòng bệnh đơn giản nhất.
Đặc biệt chú ý, sốt phát ban có biến chứng tiêu chảy không chỉ là “đi ngoài”, mà còn mất nước và muối, nếu không bù nước kịp, bé có thể mất mạng trong vài ngày thậm chí trong vài giờ.
Phụ huynh cần đưa con em đi tiêm ngừa sởi, rota… Đừng để con mắc bệnh chỉ vì không đi tiêm vắc xin.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202504/sot-phat-ban-tieu-chay-thuong-gap-do-nguyen-nhan-gi-1038699/