Thời điểm này được nhận định là thời kỳ cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Với số ca mắc dự báo sẽ tăng cao trong những ngày tới. Theo các bác sĩ, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết để giảm thiểu số ca bệnh nặng và tử vong vì căn bệnh này.
Đau đầu, sốt cao liên tiếp nhiều ngày không hạ là những triệu chứng ban đầu mà Trần Văn Quyết (xã Liên Minh, TP. Hà Nội) gặp phải khi mắc sốt xuất huyết. Tự điều trị tại nhà gần 10 ngày nhưng không đỡ, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện huyện gần một tuần, sau đó chuyển tiếp lên Bệnh viện Bạch Mai vì diễn biến nặng và chưa cắt sốt.
Bà Trần Thị Mây (vợ ông Quyết) cho biết: "Lúc đầu chồng tôi có biểu hiện sốt và mệt mỏi chân tay, gia đình nghĩ ông bị cúm nên gọi người tiêm với truyền nước tại nhà khoảng 10 hôm, sau đó sang bệnh viện thì được chẩn đoán bị sốt xuất huyết, điều trị 4-5 ngày ở viện bệnh vẫn chưa đỡ".
Theo các bác sĩ, mặc dù mới bắt đầu vào mùa cao điểm của sốt xuất huyết nhưng số ca nhập viện vì biến chứng nặng liên tiếp được ghi nhận; thậm chí nhiều người do vào điều trị muộn dẫn đến suy đa tạng, điều trị rất khó khăn.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Sốt xuất huyết vào mùa hè bắt đầu có hiện tượng gia tăng các ca bệnh nhập viện, trong đó nhiều bệnh nhân nặng nhập viện với triệu chứng như tiểu cầu hạ, sốt cao, có dấu hiệu cảnh báo như tiểu cầu hạ cô đặc máu, suy đa tạng. Đây là những triệu chứng nặng mà người dân cần phải phát hiện sớm để nhập viện và điều trị kịp thời".
Thống kê của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 32.000 ca mắc và 6 người tử vong do sốt xuất huyết. Các chuyên gia nhận định, sốt xuất huyết hiện đã không còn theo chu kỳ 4-5 năm một lần như trước. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều đã làm rút ngắn vòng đời của muỗi, nếu như trước đây từ lúc muỗi sinh sản đến khi trưởng thành phải mất hơn 2 tuần thì nay chỉ hơn 1 tuần. Do đó, mật độ muỗi sẽ tăng nhanh, nguy cơ bùng dịch là rất lớn nếu chủ quan.
TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: "Khi vòng đời của muỗi rút ngắn, mật độ muỗi cao hơn dẫn đến sự tiếp xúc giữa người và muỗi càng cao và chỉ cần có tác nhân bệnh thôi là sẵn sàng gây ra dịch. Do vậy, chúng ta không được phép chủ quan trong phòng chống sốt xuất".
Các chuyên gia cảnh báo, cao điểm của sốt xuất huyết sẽ bắt đầu từ tháng 7, tháng 8 và kéo dài đến tháng 11. Để phòng sốt xuất huyết hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy. Bên cạnh đó, hiện đã có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân nên chủ động tiêm phòng để giảm số ca mắc và biến chứng trong mùa dịch.
Nguyễn Chinh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/sot-xuat-huyet-bat-dau-vao-mua-cao-diem-346547.htm