Tàu vũ trụ Crew Dragon rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy, Florida vào lúc 9:46 tối (giờ miền Đông), gắn trên tên lửa Falcon 9. Dẫn đầu sứ mệnh là Chun Wang, một cư dân Malta giàu lên nhờ khai thác Bitcoin, người đã chi một khoản tiền để tham gia chuyến đi. Cùng với ông là đạo diễn phim người Na Uy Jannicke Mikkelsen, nhà nghiên cứu robot người Đức Rabea Rogge và nhà thám hiểm người Úc Eric Philips.
Tầng đầu tiên của tên lửa SpaceX Falcon 9 ngay sau khi phóng sứ mệnh đưa phi hành gia Fram2 qua hai cực Trái đất vào ngày 31/3. Ảnh: SpaceX
Thay vì bay theo hướng đông như các sứ mệnh vũ trụ thông thường để tận dụng tốc độ quay của Trái đất, Fram2 bay về hướng nam – một đường bay đầy thách thức, yêu cầu tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Sau khi phóng, tên lửa Falcon 9 đi qua không phận Cuba và Panama trước khi đạt tốc độ hơn 28.000 km/h để đưa Crew Dragon vào quỹ đạo cực.
Theo Tiến sĩ Craig Kluever từ Đại học Missouri, đường bay Fram2 đòi hỏi năng lượng rất lớn do không tận dụng được lực đẩy tự nhiên từ sự quay của Trái đất như các quỹ đạo truyền thống. Tuy nhiên, SpaceX vẫn có đủ công nghệ để đưa tàu vào quỹ đạo đúng theo kế hoạch.
Quỹ đạo cực này được thiết kế nhằm tôn vinh niềm đam mê thám hiểm của phi hành đoàn. Đây cũng là lần đầu tiên một nhóm du hành vũ trụ tư nhân được chứng nhận bay trên một đường bay đặc biệt như vậy. "Chúng tôi không phải là những phi hành gia NASA thông thường… Chúng tôi đã đi từ con số 0 đến việc trở thành phi hành gia được cấp chứng chỉ", Mikkelsen chia sẻ.
Chun Wang là nhà đồng sáng lập F2Pool, một trong những nhóm khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới, kiểm soát khoảng 11% tổng sức mạnh tính toán (hashrate) của Bitcoin. Tài sản của ông ước tính lên đến hàng tỷ USD, dù con số chính xác chưa được tiết lộ.
Mikkelsen là một nhà làm phim khoa học viễn tưởng và tài liệu, chuyên nghiên cứu công nghệ quay phim trong môi trường khắc nghiệt. Cô cũng là hàng xóm của Wang tại quần đảo Svalbard (Na Uy), một trong những khu vực định cư xa xôi nhất thế giới.
Rogge là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, chuyên về các hệ thống điều hướng và kiểm soát phương tiện trong môi trường khắc nghiệt. Cô cũng là người phụ nữ Đức đầu tiên bay vào quỹ đạo.
Eric Philips là một nhà thám hiểm dày dạn kinh nghiệm, đã thực hiện khoảng 30 chuyến thám hiểm đến các vùng cực kể từ năm 1992. Ông ví chuyến đi này như một hành trình bão tuyết giữa không gian, với môi trường khắc nghiệt không kém gì những chuyến đi của ông trên Trái đất.
Fram2 dự kiến sẽ bay quanh hai cực của Trái đất trong khoảng 3 - 5 ngày. Trong thời gian đó, phi hành đoàn sẽ thực hiện 22 nghiên cứu khoa học, phần lớn tập trung vào sức khỏe và sinh lý học con người trong không gian.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh, Crew Dragon sẽ rời quỹ đạo, lao vào bầu khí quyển Trái đất và hạ cánh xuống đại dương, nơi đội cứu hộ sẽ chờ sẵn để đón phi hành đoàn trở về.
Dù chưa phải là bước ngoặt đột phá về mặt khoa học, Fram2 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lĩnh vực du hành vũ trụ thương mại, mở ra những cơ hội mới cho các sứ mệnh không gian tư nhân trong tương lai.
Ngọc Ánh (theo SpaceX, CNN, Space)