Trong ba tháng đầu năm, SSI ghi nhận doanh thu hoạt động đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 10%. Sự khởi sắc này chủ yếu đến từ hai nguồn thu chính: lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) và thu nhập từ hoạt động cho vay, phải thu.
Cụ thể, lãi từ danh mục FVTPL đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 15% so với quý I/2024. Trong khi đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng mạnh hơn 40%, đạt gần 628 tỷ đồng. Hai yếu tố này đã bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm trong mảng môi giới và thu nhập từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).
Doanh thu từ môi giới chứng khoán trong quý I chỉ còn gần 312 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi từ các khoản HTM cũng giảm 20%, xuống còn 85 tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư tự doanh tiếp tục đóng góp quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận của Công ty. Trong quý I, SSI ghi nhận lợi nhuận từ tự doanh đạt trên 727 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.
Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiếp tục mở rộng, đạt hơn 27.100 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cuối năm 2024. Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn từ nhà đầu tư cá nhân vẫn đang ở mức cao, đồng thời củng cố vị thế của SSI trong mảng dịch vụ tài chính cá nhân.
Tổng chi phí hoạt động trong quý I ghi nhận ở mức 596 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là khoản lỗ từ danh mục FVTPL tăng tới 76%, lên 291,6 tỷ đồng, phản ánh những biến động khó lường trên thị trường trong giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn các khoản chi phí khác đều có xu hướng giảm. Chi phí môi giới giảm gần 30%, còn 248 tỷ đồng.
Chi phí tài chính cũng tăng 20% lên mức 469 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm đáng kể, giảm tới 40%, còn 46 tỷ đồng.
Kết quả sau cùng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 820 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của công ty mẹ đạt 83.600 tỷ đồng, tăng 14,5% so với thời điểm cuối năm 2024. Vốn chủ sở hữu cũng tăng nhẹ 3,25%, đạt 26.800 tỷ đồng.
Danh mục tài sản tài chính FVTPL ghi nhận tăng trưởng 10%, lên hơn 46.000 tỷ đồng. Theo SSI, danh mục đầu tư chủ yếu tập trung vào các loại tài sản thu nhập cố định do tổ chức tín dụng phát hành. Trong khi đó, giá trị đầu tư cổ phiếu có phần thu hẹp, từ gần 1.400 tỷ đồng về khoảng 1.200 tỷ đồng. Một số mã cổ phiếu nổi bật trong danh mục bao gồm MBB, MWG, VNM và VPB.
Bên cạnh đó, đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi lần lượt đạt 16.300 tỷ đồng và 27.300 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng tương ứng 8% và 10% so với đầu năm.Trong quý I, SSI đẩy mạnh huy động vốn ngắn hạn, khiến tổng nợ vay ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán tăng hơn 21%, đạt 55.200 tỷ đồng. Khoản vay này chiếm đến 98,2% tổng nợ phải trả của Công ty. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) tại thời điểm cuối quý I đạt mức 2:1, phản ánh chiến lược tận dụng vốn vay để mở rộng hoạt động.
N.H