'STEM không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc trong tương lai'

'STEM không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc trong tương lai'
một ngày trướcBài gốc
Hội thảo Công nghệ STEM và Giáo dục.
Ngày 6/4, Ngày hội STEM - chủ đề "STEM quanh ta" do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM) tổ chức, diễn ra tại Đồng Tháp.
Trong khuôn khổ ngày hội, hội thảo "Công nghệ STEM và Giáo dục" thu hút hơn 300 cán bộ, giáo viên, học sinh tham dự.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe những chia sẻ sâu sắc từ các diễn giả là nhà quản lý giáo dục, chuyên gia và giảng viên đến từ các trường đại học, cùng thảo luận về các giải pháp đổi mới trong giảng dạy STEM.
Ba chủ đề nổi bật được trình bày gồm: “Ứng dụng Curipod – công cụ tạo bài giảng”, “Xu hướng giáo dục STEM trong tương lai” và “Xu hướng giáo dục STEM – Từ xây dựng ý tưởng đến thiết kế mô hình”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Duyên thuyết trình chủ đề “Ứng dụng Curipod - công cụ tạo bài giảng”.
Đại biểu dự hội thảo.
ThS Nguyễn Thị Hồng Duyên (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết, Curipod là một ứng dụng hỗ trợ giáo viên lập kế hoạch bài học dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép tạo bài giảng nhanh chóng theo chủ đề và cấp lớp.
Đây được xem là một giải pháp AI tiên tiến, giúp tinh gọn quy trình soạn giáo án, hỗ trợ giáo viên xây dựng bài học hiệu quả và sáng tạo hơn.
“Với công cụ này, giáo viên chỉ cần nhập mục tiêu và chủ đề giảng dạy, hệ thống sẽ tự động tạo ra một bài học hoàn chỉnh chỉ trong vài giây. Curipod còn cho phép cá nhân hóa nội dung theo nhu cầu và sở thích của học sinh, biến các bài học thành trải nghiệm hấp dẫn và giàu tính tương tác”, cô Duyên chia sẻ.
Thạc sĩ Trần Thụy Hoàng Yến trình bày chủ đề: “Xu hướng giáo dục STEM trong tương lai”.
Đối với hai chủ đề còn lại, các diễn giả tập trung giúp các nhà giáo nhận diện rõ hơn về xu hướng giáo dục STEM trong tương lai.
ThS Trần Thụy Hoàng Yến, Giảng viên Khoa Sư phạm Toán - Tin, Trường Sư phạm (Trường Đại học Đồng Tháp), cho rằng giáo dục STEM tại Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như khoảng cách giới trong lĩnh vực STEM, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giảng dạy còn hạn chế, chương trình học còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn.
"STEM ngày nay không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang bước vào làn sóng phát triển mạnh mẽ của AI và Robot. Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên cần thay đổi để bắt kịp với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ. Giáo viên đóng vai trò quan trọng, là người trực tiếp hỗ trợ học sinh chinh phục các mục tiêu trong việc ứng dụng công nghệ vào học tập và đời sống", bà Yến nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Văn Phúc trình bày chủ đề: “Xu hướng giáo dục STEM - Từ xây dựng ý tưởng đến Thiết kế mô hình”.
Trong phần trình bày của mình, PGS.TS Đinh Văn Phúc (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, giáo dục STEM cũng phải không ngừng đổi mới để đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội hiện đại.
Từ nhận định này, ông giới thiệu đến các đại biểu một số mô hình giáo dục STEM đang được áp dụng hiệu quả trên thế giới, đồng thời gợi mở những xu hướng quan trọng trong giáo dục học sinh mà các nhà trường cần đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, ông cũng hướng dẫn chi tiết các bước triển khai mô hình giáo dục STEM – từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến khâu thiết kế mô hình, nhằm giúp các nhà giáo có thể ứng dụng thực tế vào giảng dạy một cách hiệu quả và sáng tạo.
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.
Hội thảo cũng dành thời gian để các diễn giả giải đáp thắc mắc, băn khoăn của đại biểu liên quan đến giáo dục STEM, giúp họ có thêm thông tin hữu ích và cái nhìn rõ nét hơn về lĩnh vực này cũng như con đường phát triển trong tương lai.
Qua đó, các thầy cô có thể áp dụng kiến thức, công nghệ mới vào giảng dạy, góp phần xây dựng môi trường học tập năng động, sáng tạo và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Quách Mến
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/stem-khong-con-la-lua-chon-ma-la-yeu-cau-bat-buoc-trong-tuong-lai-post726050.html