Điều trị bệnh nhân bị stress tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Đ.T.
Khi stress trở thành một phần của đời sống
Về mặt y học, stress là một phản ứng sinh lý - tâm lý bình thường của cơ thể khi đối diện với yếu tố gây căng thẳng. Tuy nhiên, khi tình trạng stress kéo dài, hệ thống này bị kích hoạt liên tục sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần.
Biểu hiện của stress không đơn thuần là mệt mỏi hay lo âu. Trên thực tế, người đang trong trạng thái stress kéo dài có thể gặp rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, ngủ chập chờn, thức dậy sớm), rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón không rõ nguyên nhân), đau đầu, tăng huyết áp, đánh trống ngực, giảm ham muốn tình dục, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới… Về mặt tâm lý, người bệnh thường xuyên có cảm giác hồi hộp, lo âu, dễ cáu gắt, mất tập trung, mất động lực, thậm chí có khuynh hướng thu mình và cảm thấy vô vọng.
Đáng lưu ý, nhiều người có thể trải qua stress mạn tính trong nhiều tháng, nhiều năm mà không nhận diện được, do các biểu hiện thường không rầm rộ, dễ bị gán cho là “do thời tiết”, “do thiếu ngủ”, “do tuổi tác”.
Theo tài liệu đào tạo từ Bộ môn Tâm thần - Đại học Y Hà Nội, khi nồng độ cortisol trong máu tăng cao kéo dài, nó sẽ làm rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, đạm, giảm miễn dịch và thúc đẩy các quá trình viêm âm thầm trong cơ thể. Đây chính là nền tảng giải thích vì sao stress có liên quan mật thiết đến nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì, rối loạn lo âu và cả trầm cảm.
Thực tế lâm sàng cũng ghi nhận xu hướng gia tăng rõ rệt các bệnh lý có liên quan đến stress, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19. Không ít bệnh viện tâm thần, khoa nội thần kinh, đơn vị tâm lý trị liệu đều phản ánh tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám với các triệu chứng như mất ngủ, rối loạn lo âu, cảm giác kiệt sức kéo dài, sợ hãi không rõ nguyên nhân, hay cáu gắt vô cớ. Một bộ phận không nhỏ trong số đó là người trẻ - học sinh, sinh viên, người làm việc văn phòng - vốn được coi là khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Điều đáng lo là nhiều người, thay vì đối diện và tìm cách điều chỉnh stress, lại vô thức lựa chọn các hành vi “tự trấn an” không lành mạnh: uống rượu, hút thuốc, lạm dụng cafein hoặc đắm chìm trong mạng xã hội để tạm quên thực tại. Những cách này, dù mang lại cảm giác thoải mái tạm thời, nhưng về lâu dài chỉ khiến hệ thần kinh càng dễ mất cân bằng, đẩy người bệnh vào vòng xoáy căng thẳng mới.
Từ phản ứng sinh học đến gánh nặng sức khỏe cộng đồng
Nếu stress là một phản ứng sinh học có tính chất bảo vệ trong ngắn hạn, thì ở chiều ngược lại, stress mạn tính lại là một trong những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây tổn thương sâu rộng đến nhiều hệ cơ quan. Việc kéo dài tình trạng căng thẳng mà không được kiểm soát đúng mức có thể “ăn mòn” cả thể chất lẫn tinh thần theo những cách rất âm thầm.
Theo thống kê từ nhiều cơ sở y tế chuyên ngành, số lượt bệnh nhân tìm đến khám vì mất ngủ, mệt mỏi, mất động lực, sợ hãi vô căn đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong giai đoạn sau dịch Covid-19.
TS.BS Dương Minh Tâm - chuyên gia cao cấp tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh: “Stress không phải là kẻ thù. Ở mức độ phù hợp, nó thúc đẩy chúng ta hoàn thành công việc hiệu quả hơn, giúp thích nghi với thay đổi. Chỉ khi vượt quá ngưỡng chịu đựng cá nhân, stress mới trở nên có hại”. Theo vị chuyên gia này, khoảng 80% phản ứng stress xuất phát từ chính cách chúng ta nhìn nhận vấn đề: “Thay vì nghĩ thất bại này sẽ hủy hoại sự nghiệp, hãy tự hỏi: bài học nào mình có thể rút ra?”. Chính tư duy tích cực, linh hoạt sẽ quyết định liệu cá nhân có vượt qua được giai đoạn căng thẳng hay rơi vào trạng thái bất ổn kéo dài.
Tuy nhiên, BS Tâm cũng khuyến cáo: Không nên đánh đồng mọi biểu hiện stress đều là bình thường. “Nếu căng thẳng kéo dài trên hai tuần kèm theo triệu chứng như mất ngủ triền miên, hoảng loạn, mệt mỏi cực độ, hoặc có suy nghĩ tự hại - đó không còn là trạng thái stress thông thường mà cần can thiệp y tế ngay”.
Về mặt ứng phó, các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh lối sống là bước đi đầu tiên nhưng quan trọng. Một chế độ sinh hoạt điều độ, giấc ngủ đủ, luyện tập thể dục đều đặn, dinh dưỡng cân bằng và duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh là nền tảng phục hồi hệ thần kinh. Các kỹ thuật giảm stress như thiền, hít thở sâu, viết nhật ký cảm xúc, âm nhạc trị liệu hoặc tham gia hoạt động cộng đồng cũng được chứng minh mang lại hiệu quả tích cực.
Trong những trường hợp nặng, kéo dài hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sống, việc tiếp cận hỗ trợ chuyên môn - thông qua tư vấn tâm lý, liệu pháp nhận thức - hành vi hoặc hỗ trợ dược lý - không nên bị trì hoãn.
Đức Trân