Trong thông cáo, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "1 chiếc máy bay ném bom chiến đấu đa năng Su-34, được hộ tống bởi 1 máy bay Su-35S, đã tiến hành không kích thành công vào các cứ điểm và lực lượng của quân đội Ukraine".
Tiêm kích Su-34 Nga.
Theo thông tin từ phía Nga, các máy bay chiến đấu chỉ quay về căn cứ sau khi nhận được xác nhận từ trinh sát rằng toàn bộ mục tiêu đã bị phá hủy hoàn toàn. Trước đó một ngày, Nga cũng tuyên bố một chiếc Su-34 đã sử dụng bom lượn dẫn đường để tấn công lực lượng và xe cơ giới Ukraine tại khu vực gần biên giới Kursk.
Việc sử dụng kết hợp Su-34 và Su-35 cho thấy Nga đang áp dụng chiến thuật phối hợp tấn công và bảo vệ trong các chiến dịch không kích. Su-34 đảm nhận nhiệm vụ tấn công các mục tiêu mặt đất bằng vũ khí chính xác, trong khi Su-35 đóng vai trò yểm trợ trên không, ngăn chặn các cuộc phản công từ lực lượng phòng không Ukraine.
Su-34 và Su-35 – Xương sống của Không quân Nga
Su-34 và Su-35 hiện là 2 loại máy bay chiến đấu chủ lực trong biên chế Không quân Nga, với hơn 100 chiếc mỗi loại đang hoạt động. Cả 2 đều là phiên bản nâng cấp từ dòng Su-27 nổi tiếng của Liên Xô, nhưng mỗi loại lại được tối ưu hóa cho những nhiệm vụ khác nhau.
Su-34 là máy bay ném bom chiến đấu đa năng, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất ở khoảng cách xa. Với kích thước lớn hơn khoảng 50% so với Su-27, Su-34 có thể mang theo nhiều vũ khí hơn và bay xa hơn, giúp nó trở thành lựa chọn lý tưởng cho các chiến dịch không kích quy mô lớn.
Trong khi đó, Su-35 là máy bay chiếm ưu thế trên không, được trang bị công nghệ hiện đại để giành quyền kiểm soát bầu trời trong các cuộc đối đầu với lực lượng không quân đối phương. Khả năng cơ động và hệ thống vũ khí tối tân giúp Su-35 đóng vai trò bảo vệ cho các phi đội tấn công khỏi sự tấn công của tên lửa phòng không Ukraine.
Chiến dịch không kích của Nga tại Kursk đã gây ra tổn thất nghiêm trọng cho phía Ukraine. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/10/2024, lực lượng Ukraine tại đây đã mất hơn 27.150 binh sĩ, 177 xe tăng, 97 xe chiến đấu bộ binh, cùng 1.014 xe bọc thép kể từ khi giao tranh bùng nổ tại khu vực này.
Đáng chú ý, con số này tăng mạnh so với thống kê vào đầu tháng 10, khi ước tính có khoảng 20.650 binh sĩ Ukraine đã bị loại khỏi vòng chiến đấu chỉ trong vài tuần đầu của chiến dịch. Điều này cho thấy áp lực từ các cuộc tấn công liên tiếp của Nga đang ngày càng đè nặng lên lực lượng Ukraine tại khu vực Kursk.
Các cuộc tấn công của Nga chủ yếu sử dụng bom lượn dẫn đường – loại vũ khí có khả năng tấn công chính xác từ khoảng cách xa mà không cần máy bay phải tiếp cận trực tiếp mục tiêu. Những quả bom này mang theo 500kg thuốc nổ, đủ sức phá hủy các boongke ngầm và các vị trí kiên cố của Ukraine.
Bom lượn dẫn đường: 'Cơn ác mộng' của Ukraine
Việc Nga tăng cường sử dụng bom lượn dẫn đường đã trở thành mối lo ngại lớn cho Ukraine. Theo tờ New York Times, nhiều binh sĩ Ukraine cho biết các cuộc không kích bằng loại bom này gây ra sức tàn phá khủng khiếp và rất khó chống đỡ.
Một quân nhân Ukraine chia sẻ: "Những quả bom này tạo ra sức công phá kinh hoàng, đủ để xóa sổ các boongke ngầm của chúng tôi. Tiếng bom rơi giống như cổng địa ngục đang mở ra vậy". Anh còn cho biết, các máy bay Nga thường thả bom theo từng đợt, có khi tới 8 đợt trong 1 giờ đồng hồ, khiến lực lượng phòng thủ gần như không có thời gian phản ứng.
Loại bom này cũng được trang bị đầu đạn nhiệt áp – một loại vũ khí được ví như "súng phun lửa khổng lồ" vì khả năng tạo ra vụ nổ có sức hủy diệt mạnh trong không gian kín. Đầu đạn nhiệt áp hoạt động bằng cách tạo ra sóng xung kích và nhiệt độ cao, khiến nó trở thành vũ khí đặc biệt nguy hiểm trong việc tấn công các chiến hào và boongke ngầm của Ukraine.
Xuân Minh