Đồng chí Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đề nghị đồng chí cho biết sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013?
Đồng chí Trần Văn Tuấn: Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp các năm: 1946, 1959, 1980 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1988 và năm 1989), 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) và năm 2013. Mỗi bản hiến pháp đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam cho từng giai đoạn phát triển đất nước, làm nền tảng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế. Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật liên quan đến MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề đặt ra như: Một số chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, đặc biệt là trong công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện hoạt động giám sát ở cấp huyện, cấp xã; tiếp thu, giải quyết các ý kiến phản biện của chính quyền địa phương.
Vẫn còn có sự trùng lặp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, trùng lặp về đối tượng vận động tập hợp ở một số tổ chức hội; có lúc, có nơi chưa sâu sát cơ sở, nắm hình hình Nhân dân chưa kịp thời; tồn tại tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người dân tham gia nhiều tổ chức.
Mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc dẫn đến chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền; hình thành các cấp trung gian, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; chính quyền cấp xã chưa đủ năng lực, thẩm quyền để giải quyết các công việc trực tiếp liên quan đến người dân, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ, chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số làm phân tán nguồn lực, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng số lượng các cơ quan quản lý, cơ quan đảng, đoàn thể, biên chế cán bộ, công chức tại các cấp chính quyền địa phương, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trước bối cảnh nêu trên, Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được thể hiện trong các văn bản như: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025… Đặc biệt là Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là yêu cầu quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn; đồng thời mở ra cục diện mới phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài.
Việc sửa đổi, bổ sung sẽ tập trung vào những vấn đề, nội dung nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Tuấn: Trên cơ sở định hướng tại các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đề xuất của Chính phủ, MTTQ Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này với định hướng trọng tâm vào 2 nhóm nội dung.
Thứ nhất, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, bảo đảm hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn.
Thứ hai, các quy định tại chương IX của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013.
Thưa đồng chí, quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp sẽ được tiến hành như thế nào?
Đồng chí Trần Văn Tuấn: Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã ban hành Kế hoạch về “Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013”. Nội dung Kế hoạch đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, tài liệu, thời gian lấy ý kiến, phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện.
Qua đó nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 6/5/2025 và hoàn thành vào ngày 5/6/2025.
Theo đồng chí, trong quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp cần quan tâm những vấn đề gì để đạt kết quả tốt nhất?
Đồng chí Trần Văn Tuấn: Để việc lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đạt kết quả tốt, các cơ quan, tổ chức, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, địa phương mình, cần chủ động lên kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và các đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học; bảo đảm dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm.
Chính quyền địa phương các cấp tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chú trọng tuyên truyền, tạo điều kiện cho các cá nhân có thể đóng góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm.
Đồng thời, cung cấp đầy đủ tài liệu, làm tốt công tác tuyên truyền phạm vi cần tập trung lấy ý kiến, để bảo đảm sự tập trung, tránh dàn trải; tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan, kịp thời các ý kiến tham gia gửi đến cơ quan có trách nhiệm theo quy định.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đỗ Thành Nam (thực hiện)