Đó là chia sẻ của ông John McAuliff, hiện là Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển (FRD), một người bạn quốc tế thân thiết, không ngần ngại giúp đỡ Việt Nam trong suốt 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hành trình chuyển mình
Ông John McAuliff, sinh năm 1942, từng tham gia hoạt động trong phong trào của nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam từ cuối thập niên 1960 và vận động dư luận ủng hộ ký kết Hiệp định Paris về hòa bình tại Việt Nam.
Ông John McAuliff hiện là Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển (FRD).
Sau đó, ông tiếp tục gắn bó với Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tại New York ngay từ khi Phái đoàn quan sát viên của Việt Nam tại Liên hợp quốc được thành lập năm 1975.
Từ năm 1975 đến nay, ông John McAuliff thành lập và điều hành tổ chức phi chính phủ Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) để giao lưu học thuật và hoạt động thiện nguyện thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Ông cũng tổ chức hàng chục đoàn trao đổi học thuật, văn hóa, ngoại giao nhân dân giữa Mỹ và Việt Nam, tích cực vận động chính quyền Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và Cuba.
Chia sẻ với báo Xây dựng bên lề Hội thảo quốc tế "50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại" do Bộ Ngoại giao tổ chức, ông McAuliff dù đã tuổi cao và có phần sức khỏe yếu nhưng trong đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui khi nhắc tới hai chữ Việt Nam.
Ông kể: "Tôi đến Hà Nội lần đầu vào đúng ngày 30/4/1975 - ngày chiến tranh kết thúc. Khi đó, thành phố không có điện, không có cửa hàng. Từ đó, đến nay, tôi đã chứng kiến một sự chuyển mình đáng kinh ngạc".
Ông John McAuliff (trái) tặng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cuốn sách về Việt Nam hồi tháng 9/2024. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)
Trong 50 năm, nhiều lần quay trở lại mảnh đất hình chữ S, cùng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trên trường quốc tế, hơn ai hết, ông McAuliff là người hiểu rõ những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh của Việt Nam để có được hai chữ "chuyển mình".
Giám đốc điều hành FRD chia sẻ, trong giai đoạn sau chiến tranh, từ năm 1975 đến khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, ban đầu, rất khó để thuyết phục Mỹ sẵn sàng gây dựng mối quan hệ với Việt Nam.
"Sau chiến tranh là sự nghi ngờ và bất an rất lớn giữa hai Chính phủ. Tuy nhiên, những điều này đã được xóa bỏ dần dần qua từng cuộc đối thoại", ông McAuliff nói.
Ông John McAuliff là một trong những cá nhân được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao tặng Huân chương Hữu nghị vì nhiều đóng góp tích cực, quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN )
Song song với đó là những hoạt động ngoại giao nhân dân hiệu quả từ tổ chức phi chính phủ, hội cựu chiến binh, những dự án nhân đạo, trao đổi giáo dục, đưa sinh viên Việt Nam tới học tại Mỹ, ban đầu dưới các chương trình tài trợ và sau này là học bổng Fulbright.
"Chỉ trong chưa đầy một thế hệ, chúng ta đã đạt được những nền tảng quan trọng của quá trình bình thường hóa quan hệ. Từ đó đến khi Việt Nam – Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là cả một hành trình", ông McAuliff chia sẻ.
Giờ đây, mối quan hệ này không thể tách rời, không chỉ mang ý nghĩa chiến lược mà còn là sự gắn bó sâu sắc về con người.
"Gia đình tôi, bạn bè tôi đều có mối liên hệ với Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai nước hiện nay rất phong phú dựa trên nhiều trụ cột hợp tác kinh tế, giáo dục và giao lưu nhân dân. Đặc biệt, hợp tác giáo dục ngày càng mở rộng, với số lượng lớn học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp tục tới Mỹ du học", vị Giám đốc chia sẻ.
Vị trí đặc biệt của Việt Nam
Nhìn về vị thế của Việt Nam thời điểm hiện tại, Giám đốc điều hành FRD John McAuliff khẳng định, trong một thế giới đa cực đầy rủi ro, Việt Nam có thể dùng kinh nghiệm vượt qua chiến tranh, kiến tạo hòa bình, làm bạn với tất cả các nước của mình để đóng vai trò trung gian, hòa giải.
Theo ông, Việt Nam đang ở vị trí rất đặc biệt khi được cả những nước đối lập như Mỹ và Cuba tin tưởng và có quan hệ tốt, có sự cân bằng rất khéo léo trong quan hệ quốc tế được đúc kết từ hàng ngàn năm kinh nghiệm.
Giám đốc điều hành FRD John McAuliff cho biết Việt Nam đang ở vị trí rất đặc biệt khi được cả những nước đối lập như Mỹ và Cuba tin tưởng và có quan hệ tốt.
Theo ông McAuliff, đây chính là cơ sở để Việt Nam cùng các nước thúc đẩy đối thoại và giải quyết tranh chấp, với vai trò trung gian hòa giải - kiến tạo hòa bình trong môi trường địa chính trị mới.
"Tôi nghĩ bây giờ là thời điểm Việt Nam có vai trò chủ động hơn, có thể đóng vai trò dẫn dắt kết nối các quốc gia, không chỉ hòa giải, mà còn xây dựng niềm tin giữa các nước, đặc biệt là các nước đang có xung đột và bất đồng.
Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm của mình trong việc cùng Liên Hợp Quốc tham gia gìn giữ hòa bình tại các điểm nóng; giúp các nước đối thoại hóa giải xung đột", ông McAuliff nói.
Vị Giám đốc FRD cũng cho rằng Việt Nam là minh chứng sống cho việc một quốc gia có thể mở cửa kinh tế, giải phóng năng lượng sáng tạo của người dân, hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được chủ quyền, bản sắc dân tộc và định hướng XHCN. Đây là bài học ngoại giao có giá trị cho nhiều nước khác.
Các hoạt động ngoại giao nhân dân do cá nhân Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển (FRD) John McAuliff nói riêng và FRD nói chung đã giúp kết nối những cá nhân, tổ chức phi chính phủ của Mỹ và Việt Nam, tạo kênh trao đổi giữa hai bên. Với những cống hiến đó, ông McAuliff được trao tặng Huân chương vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) năm 2018 và Huân chương Hữu nghị năm 2024.
Trang Trần