Lực lượng chức năng khắc phục sự cố phụ gia đào hầm phun lên mặt đất.
UBND quận Ba Đình cho biết, máy đào TMB (Tunnel Boring Machine) đang thực hiện khoan và lắp tấm bê tông vỏ hầm; hiện tượng phụ gia đào hầm trào lên mặt đất sẽ chấm dứt khi máy đào đi qua khu vực.
Ghi nhận sáng 21/2, khu vực ngõ 7 phố Giang Văn Minh vẫn còn hiện tượng hỗn hợp dung dịch bentonite trào lên cống và được các lực lượng chức năng xử lý hút, thu dọn.
Lực lượng chức năng quận và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vẫn túc trực để xử lý nếu xảy ra sự cố, không chỉ tại khu vực nêu trên mà trên toàn tuyến máy TBM đi qua trên địa bàn quận.
Do đây là lần đầu tiên tiến hành khoan hầm bằng máy TBM trên địa bàn Hà Nội và đi qua khu vực đông dân cư, có thể xảy ra những sự cố không lường trước nên quận Ba Đình đã có các giải pháp ứng phó kịp thời và khẩn cấp. Cụ thể, quận đã phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông tin khuyến cáo đến nhân dân tại khu vực máy khoan TBM đi qua từ năm 2024. Quận và các phường đã vận động, bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân đi tạm cư trong thời gian thi công khoan hầm.
Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, hiện tượng phụ gia đào hầm bị phun lên mặt đất có thể lặp lại nên chủ đầu tư cùng tư vấn và các đơn vị nhà thầu vẫn đang túc trực tại hiện trường.
Trước đó, từ khoảng 15h ngày 20/2, bùn từ lòng đất tràn lên kín ngõ 7 ở phố Giang Văn Minh. Ban đầu chỉ là nước và ít bùn màu vàng. Sau đó, bùn trào lên ồ ạt, phủ kín mặt ngõ rộng hơn 2 m, dài khoảng 50 m, vị trí sâu nhất 30 cm. Các hộ dân sống hai bên ngõ phải dùng bạt chặn ở cửa, nhưng vẫn không ngăn được bùn tràn vào nhà.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, UBND quận Ba Đình đã giao Phòng Tài nguyên môi trường và UBND phường Kim Mã phối hợp với chủ đầu tư - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội khẩn trương kiểm tra khắc phục, Chủ đầu tư đã tích cực, chỉ đạo các đơn vị thi công kiểm tra, huy động 4 máy hút, 100 công nhân tập trung kiểm tra và thực hiện dọn vệ sinh môi trường.
UBND quận Ba Đình cho biết, những hộ dân ở ngõ 7 phố Giang Văn Minh nằm trên đoạn ngầm nối từ ga S9 Kim Mã tới ga S10 Cát Linh thuộc dự án metro Nhổn - ga Hà Nội. Do nhà thầu khoan ngầm tạo áp lực đẩy bùn đất từ sâu trong lòng đất lên. Một tuần trước, nhiều hộ dân trong ngõ đã được di dời.
Dự án đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km đã khai thác thương mại, đoạn 4 km ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội đang ghi công.
Trước đó ngày 3/2, máy TBM thứ hai của dự án bắt đầu khoan ga S9 Kim Mã ở độ sâu 17,8 m, tốc độ 10 m mỗi ngày. Theo kế hoạch, thời gian từ khi bắt đầu khoan máy TBM đầu tiên cho đến khi kết thúc máy TBM số 2 là 16 tháng.
Xin lỗi vì ảnh hưởng tới người dân
Chiều 21/2, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã thông tin về nguyên nhân hiện tượng bùn đất, phụ gia phun lên mặt đất tại quận Ba Đình trong quá trình khoan hầm đoạn tuyến đi ngầm của metro Nhổn - ga Hà Nội.
Cụ thể, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) xác định một trong các nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do dưới lòng đất còn tồn tại các đường giếng nước khoan cũ, cống thoát nước cũ không còn sử dụng, tạo thành đường đi cho phụ gia khoan hầm trào lên mặt đất. Trong quá trình khoan, phụ gia khoan hầm được phun áp lực để giữ ổn định đất trước khi đào. Khi gặp lỗ hở, phụ gia khoan hầm kết hợp nước và vật liệu mịn trong đất sẽ theo các lỗ rỗng này trào lên mặt đất.
Vấn đề nhiều người quan tâm là phụ gia phun lên mặt đất là chất liệu gì? Theo ông Sergei Papin - Trưởng kỹ sư hầm Tư vấn Systra (Cộng hòa Pháp), vật liệu phun lên mặt đất là hỗn hợp bùn, nước và phụ gia đào hầm. Trong đó phụ gia đào hầm hoàn toàn không gây hại, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và đã trải qua các kiểm định, phê duyệt nghiêm ngặt của dự án.
Cũng trong ngày 21/2, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó trưởng ban MRB, đã gửi lời xin lỗi tới người dân về những bất tiện trong quá trình thi công.
Xuân Long