Sự cô đơn 'giết chết' gần một triệu người mỗi năm

Sự cô đơn 'giết chết' gần một triệu người mỗi năm
5 giờ trướcBài gốc
Theo các chuyên gia, hiện nay, sức khỏe tinh thần vẫn chưa được nhìn nhận đúng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Kết nối xã hội không chỉ là nhu cầu cơ bản của con người mà còn giữ vai trò thiết yếu đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, sự gắn bó giữa người với người có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ, thể chất, tinh thần, khả năng học tập, hiệu quả làm việc... Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, yếu tố này lại ít được quan tâm đúng mức.
Yếu tố liên quan đến hàng triệu ca tử vong mỗi năm
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kết nối xã hội đã nhấn mạnh rằng sức khỏe xã hội là một phần không thể thiếu trong định nghĩa sức khỏe toàn diện. Thế nhưng, trên thực tế, khía cạnh này vẫn đang bị xem nhẹ và thiếu những giải pháp cụ thể.
Tình trạng cô đơn và cách biệt xã hội đang ngày càng phổ biến. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2023, cứ mỗi 6 người trên toàn cầu thì có 1 người cảm thấy cô đơn.
Khảo sát cho thấy, 17-21% thanh thiếu niên từ 13 đến 29 tuổi cảm thấy cô đơn - nhóm chiếm tỉ lệ nhiều nhất - đặc biệt trong độ tuổi dậy thì khi nhu cầu về sự đồng hành và thấu hiểu từ bạn bè trở nên mãnh liệt.
Tại các quốc gia có thu nhập thấp, gần một phần tư dân số (khoảng 24%) cảm thấy cô đơn - cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Bên cạnh đó, những người khuyết tật, di cư, người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ hay các nhóm dân tộc thiểu số cũng thường xuyên phải đối mặt với sự cô lập do rào cản văn hóa, định kiến xã hội hoặc thiếu không gian để xây dựng mối quan hệ ý nghĩa.
Tệ hơn, theo thống kê từ giai đoạn 2014-2019, cô đơn là yếu tố liên quan đến hơn 871.000 ca tử vong mỗi năm. Tức mỗi giờ có khoảng 100 người, mỗi phút có gần 2 người tử vong liên quan đến sự cô đơn.
Cảm giác cô đơn dẫn đến nhiều rủi ro cho sức khỏe. Ảnh: Pikwizard.
Cảm giác bị tách biệt khỏi người khác không chỉ khiến cuộc sống người bệnh trở nên trống rỗng về mặt tinh thần, mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp, tiểu đường, trầm cảm, lo âu kéo dài, suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.
Đa dạng nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến sự đứt gãy trong kết nối xã hội rất đa dạng. Với nhiều người, sức khỏe thể chất hoặc tâm lý kém khiến họ gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ. Những người có thu nhập thấp, học vấn hạn chế hoặc sống trong môi trường thiếu an toàn, thiếu thân thiện cũng thường cảm thấy bị cô lập.
Những biến cố như nghỉ hưu, mất việc, chấm dứt mối quan hệ, mất người thân càng đẩy họ xa rời cộng đồng. Trong khi đó, công nghệ số lại có thể khiến con người trở nên lệ thuộc vào tương tác ảo và dần quên đi giá trị của những kết nối thật.
WHO khuyến khích mở rộng các mô hình trị liệu tâm lý, thiền định. Ảnh: Freepik.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, WHO kêu gọi các quốc gia hành động toàn diện, từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng đến xây dựng chính sách quốc gia nhằm tăng cường sự gắn kết xã hội. Những giải pháp cụ thể bao gồm truyền thông nhằm giảm kỳ thị và tạo không gian thấu cảm cho những người đang cảm thấy cô đơn.
Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng cộng đồng như công viên, thư viện, không gian sinh hoạt chung để mọi người có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện cũng rất quan trọng. WHO khuyến khích các hoạt động tập thể như ca hát, thể thao, nhóm hỗ trợ; cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý cho những người bị cô lập kéo dài, bao gồm cả liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT)...
Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu về tình trạng cô đơn, tiến hành nghiên cứu và đánh giá hiệu quả can thiệp cũng là bước đi không thể thiếu. Các giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cần được mở rộng, đặc biệt ở những vùng nghèo, nông thôn hoặc nơi người dân dễ bị tổn thương.
Kỳ Duyên
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/su-co-don-giet-chet-gan-mot-trieu-nguoi-moi-nam-post1566293.html