Thực hành trên thiết bị mô phỏng
Đến thăm Sư đoàn 365 vào ngày đầu năm mới, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang sôi nổi chuẩn bị giáo án, mô hình, học cụ, vũ khí, trang bị, thao trường phục vụ công tác huấn luyện năm 2025. Tại đây, chúng tôi được Đại tá Dương Quốc Hùng, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật giới thiệu nhiều mô hình, học cụ đã được ứng dụng hiệu quả vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 124, Trung đoàn 284, Sư đoàn 365 ứng dụng sáng kiến "Đo lệnh nổ, bệ phóng đạn tên lửa" vào huấn luyện.
Một trong những sáng kiến được đánh giá cao là “Thiết bị mô phỏng hoạt động chức năng đài ra đa VRS-SRS”. Thiếu tá Nguyễn Đăng Cương, Ban Hậu cần - Kỹ thuật, Trung đoàn 284, chủ nhiệm đề tài cho biết: Mặc dù là thiết bị mô phỏng nhưng các bước thực hành như công tác chuẩn bị, thực hành và khôi phục sau chiến đấu đều được thực hiện như với trang bị khí tài thật. Các nội dung kiểm tra thông tin liên lạc, kết nối thiết bị, quy trình thao tác tìm kiếm, phát hiện, bám sát mục tiêu, chuyển cự ly và điều khiển tên lửa tạo giả để diệt mục tiêu được thực hiện.
Vừa thực hành xong thao tác kiểm tra chức năng gọn, đánh giá khí tài đài điều khiển tên lửa trên thiết bị mô phỏng, Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, thợ ra đa chia sẻ: “Thiết bị mô phỏng có giao diện phần cơ học và đồ họa như khí tài chiến đấu. Khi huấn luyện trên thiết bị giúp chúng tôi thu được kết quả là “học giả” nhưng kỹ năng, kinh nghiệm thật. Đồng thời bảo đảm an toàn về người, khí tài, an toàn thông tin, tiết kiệm về nhiên liệu, thời gian tích lũy khí tài, sức lao động của kíp phục vụ”. Thiết bị có thể triển khai huấn luyện ở nhiều vị trí như trong phòng huấn luyện, phòng Hồ Chí Minh, hội trường, phòng học. Với giá thành hợp lý, tính năng ưu việt, công nghệ chế tạo hiện đại mà đơn giản, sử dụng thiết bị mô phỏng hoạt động chức năng đài ra đa VRS-SRS giúp cho công tác huấn luyện làm chủ khí tài mới ở Sư đoàn 365 đạt hiệu quả cao.
Giới thiệu thêm nhiều sáng kiến được đơn vị ứng dụng vào thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Đại tá Dương Quốc Hùng cho biết, trong chiến tranh hiện đại, tham gia tác chiến cùng một lúc có rất nhiều phương tiện trên không, mặt đất, trên biển như máy bay, tên lửa, xe tăng, pháo, tàu chiến… Vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình tác chiến cần phải nhận biết phương tiện nào của ta và phương tiện nào của địch. Tuy nhiên, hiện nay, các máy hỏi dùng để xác định, phân biệt máy bay của ta hay máy bay địch khi chúng được ra đa phát hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục hạn chế này, Thiếu tá Lê Văn Hạnh, Ban Hậu cần - Kỹ thuật, Trung đoàn 291 cùng các cộng sự đã nghiên cứu đưa ra sáng kiến “Mạch giữ chậm tín hiệu trả lời từ máy trả lời tích cực CPO-2 dùng để kiểm tra tín hiệu máy hỏi dải tần III”. Thiết bị có cấu tạo gồm 2 phần, phần khung và bo mạch in. Mạch được thiết kế nhỏ, gọn, chắc chắn, dễ dàng thao tác kết nối với máy trả lời CPO-2. Hiệu chỉnh đơn giản cho kết quả hiển thị trực quan kiểm tra thực tế trên khí tài ra đa. Sáng kiến đã giúp hiệu chỉnh tốt máy hỏi dải tần III, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.
Cùng với 2 sáng kiến trên, đơn vị cũng có nhiều sáng kiến nổi bật khác như: Ứng dụng phần mềm 3DSMAX và UNITY xây dựng phần mềm mô phỏng cấu tạo và nguyên lý làm việc bộ phận đổi thế pháo phòng không 37mm-2N dùng trong giảng dạy và học tập; thiết bị làm sạch công nghiệp chi tiết máy bằng dầu diesel; mô hình đo báo trên máy đài rađa; đo lệnh nổ, bệ phóng đạn tên lửa… Mỗi sáng kiến có cấu tạo, nguyên lý vận hành khác nhau nhưng đều có điểm chung là khắc phục được những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn huấn luyện, nâng chất lượng quản lý, bảo vệ vùng trời; dễ vận hành, sử dụng; chi phí thiết kế thấp.
Sân chơi bổ ích cho cán bộ, chiến sĩ
Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với khơi dậy, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của tuổi trẻ luôn được Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 365 quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể. Hằng năm, trong nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, kế hoạch công tác của chỉ huy các cấp xác định các chỉ tiêu, nội dung và biện pháp cụ thể, thiết thực trong hoạt động nghiên cứu khoa học; đồng thời có nhiều biện pháp khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ phát huy tiềm năng, sức sáng tạo.
Trong 5 năm qua, Sư đoàn đã có hàng trăm mô hình, sáng kiến, phần mềm được ra đời, áp dụng vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, trong đó nhiều sản phẩm đoạt giải cao khi tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội và Giải thưởng “Sáng tạo trẻ” cấp Quân chủng.
Đơn vị cụ thể hóa nhiệm vụ này thông qua các phong trào như: Thi đua Quyết thắng; Tuổi trẻ Quân chủng Phòng không - Không quân vươn tới những đỉnh cao, tiến quân vào khoa học và công nghệ; Đoàn kết, xung kích, sáng tạo xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại... Đặc biệt, Sư đoàn đã thành lập và duy trì nền nếp hoạt động của Câu lạc bộ “Sáng tạo trẻ”, tạo sân chơi bổ ích cho đội ngũ kỹ sư, cán bộ trẻ, thợ kỹ thuật, chiến sĩ có đam mê nghiên cứu khoa học.
Đại tá Hoàng Phúc Dưỡng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 365 cho biết, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở Sư đoàn đã đem lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy niềm đam mê, nhiệt huyết và sức sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ. Trong 5 năm qua, Sư đoàn đã có hàng trăm mô hình, sáng kiến, phần mềm được ra đời, áp dụng vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, trong đó nhiều sản phẩm đoạt giải cao khi tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội và Giải thưởng “Sáng tạo trẻ” cấp Quân chủng. Thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thường xuyên nắm tình hình, gợi ý đề tài, lĩnh vực, động viên, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ. Kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu. Bố trí kinh phí, sắp xếp công việc hợp lý để bộ đội có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng sáng kiến.
Bài, ảnh: Trung Anh