Sử dụng cầu thủ nhập tịch cần có sự cân bằng

Sử dụng cầu thủ nhập tịch cần có sự cân bằng
18 giờ trướcBài gốc
Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam có thể đảm bảo được sự cân bằng giữa bản sắc dân tộc với yếu tố hội nhập quốc tế.
NÂNG CAO SỨC MẠNH
Thực tế cho thấy, việc bổ sung những cầu thủ nhập tịch chất lượng sẽ giúp Đội tuyển Việt Nam có thêm chiều sâu về lực lượng, cải thiện thể hình, thể lực cũng như kinh nghiệm thi đấu. Những nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí Thái Lan cũng đã và đang sử dụng chính sách này để nâng cao sức mạnh đội tuyển. Nếu nhìn về các đội bóng ở châu Âu thì các quốc gia như Đức, Pháp, Anh… những nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới cũng sử dụng cầu thủ nhập tịch thi đấu trong màu áo đội tuyển, miễn triết lý phù hợp và cá nhân có nguyện vọng cống hiến cho màu cờ sắc áo.
Ở Đội tuyển Việt Nam, cầu thủ nhập tịch đã được sử dụng nhưng trước đây dừng ở mức cầu thủ Việt kiều (gia đình có cha, mẹ, ông, bà là người Việt) với những cầu thủ đã tạo nên tên tuổi trong làng bóng đá Việt Nam như: Văn Lâm, Nguyễn Fillip. Ở ASEAN Cup 2024, Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên có một cầu thủ nhập tịch có gốc hoàn toàn là người nước ngoài là Nguyễn Xuân Son. Việc có cầu thủ nhập tịch thi đấu chính thức là một điều mới mẻ nhưng Xuân Son thi đấu thành công đã tạo nên cơn sốt thực sự nơi người hâm mộ. Có thể nói rằng, chính sự xuất sắc mà Xuân Son thể hiện, khiến cho người hâm mộ xem anh hoàn toàn là một cầu thủ người Việt thực thụ.
Đội tuyển Việt Nam đã gia tăng sức mạnh với sự góp mặt của Xuân Son (số 12). Ảnh: Vietnamnet.vn
Với sự thành công từ Xuân Son, việc nhập tịch các cầu thủ Việt Nam đang dần trở nên “nhộn nhịp” hơn so với trước đây. Nếu ở giai đoạn cách đây khoảng 5 năm trở về trước, V-League ghi nhận nhiều cầu thủ ngoại nhập tịch xuất sắc như Hoàng Vũ Samson, Huỳnh Kesley Alves, Đỗ Merlo… nhưng các suất nhập tịch này chủ yếu phục vụ việc đảm bảo suất “ngoại binh” của các câu lạc bộ (CLB) ở V-League. Các cầu thủ nói trên dù có nguyện vọng lên tuyển rất lớn nhưng vẫn chưa từng được triệu tập ở một giải đấu chính thức.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc nhập tịch các cầu thủ Việt kiều và nước ngoài đang theo hướng định hình tương lai và chuẩn bị cho Đội tuyển quốc gia. Vừa qua, hậu vệ Cao Pendant Quang Vinh, một cầu thủ gốc Pháp vừa được cấp quốc tịch Việt Nam, là một minh chứng rõ ràng. Anh không chỉ mang đến sự chắc chắn cho hàng thủ mà còn giúp đội tuyển có thêm lựa chọn chiến thuật. Bên cạnh đó, cầu thủ Hendrio cũng có nguyện vọng nhập tịch khi vào cuối năm nay sẽ đủ điều kiện. Hendrio là một tiền vệ sáng tạo chơi hay ở V-League và là cặp đôi ăn ý của Xuân Son trong màu áo CLB. Việc nhập tịch các cầu thủ không dừng lại ở các cầu thủ đã ở độ chín sự nghiệp mà còn có các cầu thủ trẻ như An Khánh (đang thi đấu ở Czech), Viktor Lê (đang thi đấu cho Hà Tĩnh).
CẦN CÓ SỰ CÂN BẰNG
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích trước mắt, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch cũng đặt ra một số thách thức. Vấn đề này một lần nữa được đưa ra thảo luận khi HLV Kim Sang-sik khẳng định, việc bổ sung những cầu thủ có gốc Việt Nam hoặc nhập tịch là điều bình thường trong bóng đá hiện đại. Tuy nhiên, một trong những mối lo ngại lớn nhất là liệu điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của các cầu thủ nội hay không? Nếu đội tuyển quá phụ thuộc vào các cầu thủ nhập tịch, cơ hội dành cho những tài năng trẻ trong nước có thể bị thu hẹp.
Bóng đá Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng trong việc cân bằng giữa sử dụng cầu thủ nhập tịch và đào tạo cầu thủ nội. Việc nhập tịch không nên trở thành giải pháp ngắn hạn để giải quyết vấn đề thành tích, mà phải hướng đến việc bổ sung hợp lý nhằm nâng cao chất lượng đội tuyển một cách bền vững.
Điều đáng nói là việc đào tạo tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam rất dễ bị “tổn thương” trước xu hướng sử dụng cầu thủ nhập tịch. Bởi, đầu ra cho các cầu thủ Việt Nam hiện tại chỉ bó hẹp ở các giải đấu trong nước. Dù có một số cầu thủ thi đấu nước ngoài nhưng điều không đảm bảo về chuyên môn. Điều này rất khác so với các nền bóng đá hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các đội châu Âu khi đầu ra cầu thủ khá đa dạng. Ngay cả Thái Lan cũng có nhiều cầu thủ thi đấu nước ngoài.
Do đó, bên cạnh việc nhập tịch cầu thủ, bóng đá Việt Nam cần phải đầu tư mạnh hơn vào công tác đào tạo cầu thủ trẻ để tạo ra những lứa cầu thủ chất lượng, có thể cạnh tranh sòng phẳng ở đấu trường khu vực và quốc tế. Việc nhập tịch chỉ nên là một phần trong chiến lược dài hạn, nhằm bổ sung những nhân tố thực sự có chất lượng, phù hợp với triết lý và bản sắc của bóng đá Việt Nam.
Nếu được thực hiện đúng cách, việc nhập tịch có thể giúp bóng đá Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Nhưng nếu quá lạm dụng, nó có thể làm mất đi bản sắc và kìm hãm sự phát triển của bóng đá nội địa. Việc đầu tư vào hệ thống đào tạo lực lượng cầu thủ trẻ cần được đẩy mạnh hơn nữa. Các cầu thủ thuần Việt cần được trang bị thể lực, kỹ thuật và tư duy chiến thuật để có thể cạnh tranh sòng phẳng với những cầu thủ nhập tịch. Ngoài ra, việc đưa cầu thủ trẻ ra nước ngoài thi đấu, cọ xát với môi trường bóng đá đỉnh cao cũng là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực.
Quan trọng hơn, bóng đá Việt Nam phải bảo vệ được bản sắc riêng của mình. Việc nhập tịch cần hướng đến sự phù hợp với phong cách chơi bóng và triết lý bóng đá của Việt Nam, tránh tình trạng đánh mất bản sắc vì chạy theo thành tích ngắn hạn.
G. NGHI
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/the-thao/202504/su-dung-cau-thu-nhap-tich-can-co-su-can-bang-1038776/