Sử dụng ChatGPT trong công việc bị 'kỳ thị': Vì sao lại thế?

Sử dụng ChatGPT trong công việc bị 'kỳ thị': Vì sao lại thế?
6 giờ trướcBài gốc
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) cho thấy, dù AI tạo sinh như ChatGPT có thể giúp người lao động hoàn thành công việc nhanh và hiệu quả hơn, nhưng lại khiến họ phải trả giá về mặt xã hội: dễ bị người khác xem là lười biếng, kém siêng năng hoặc thiếu năng lực.
Nghiên cứu do nhóm nhà khoa học xã hội thực hiện, dựa trên lý thuyết quy kết (attribution theory) – cho rằng con người có xu hướng diễn giải hành động của người khác dựa vào động cơ hoặc khả năng nội tại thay vì hoàn cảnh. Ví dụ, xin trợ giúp đôi khi bị coi là dấu hiệu của sự yếu kém cá nhân. Tương tự, việc dùng AI có thể bị xem là do thiếu năng lực hoặc nỗ lực, thay vì là một công cụ hợp lý để tăng hiệu quả.
Những người dùng ChatGPT trong công việc bị quy kết là lười biếng, thiếu năng lực. Ảnh: Adobe Stock
Trong bốn thử nghiệm với hơn 4.400 người tham gia, nhóm nghiên cứu phát hiện những kết quả đáng chú ý. Ở thử nghiệm đầu tiên, người tham gia tưởng tượng hoàn thành công việc bằng AI hoặc công cụ truyền thống, rồi dự đoán cách đồng nghiệp và quản lý sẽ đánh giá mình. Những người này lo ngại sẽ bị nhìn nhận là lười biếng, dễ thay thế và kém siêng năng hơn. Họ cho biết không muốn công khai việc dùng AI.
Thử nghiệm thứ hai cho thấy định kiến này thực sự tồn tại. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá một nhân viên giả định: một người dùng AI, một người nhờ đồng nghiệp giúp, một người tự làm. Kết quả, người dùng AI thường bị xem là lười biếng, kém năng lực, thiếu siêng năng và ít độc lập hơn so với hai nhóm còn lại. Điều đáng nói, nhận định này xuất hiện nhất quán bất kể giới tính, tuổi tác hay ngành nghề của nhân viên được mô tả.
Thử nghiệm thứ ba kiểm tra xem những định kiến này có ảnh hưởng đến quyết định thực tế hay không. Một nhóm tham gia đóng vai nhà tuyển dụng, lựa chọn ứng viên dựa trên thông tin ứng viên có hay không dùng AI trong công việc. Nhóm nhà tuyển dụng không quen dùng AI có xu hướng chọn ứng viên cũng không dùng AI. Ngược lại, những người sử dụng AI thường xuyên lại thoải mái hơn và có xu hướng chọn ứng viên dùng AI. Điều này cho thấy trải nghiệm cá nhân với công nghệ ảnh hưởng lớn đến thái độ của người đánh giá.
Ở thử nghiệm cuối cùng, nhóm nghiên cứu tìm hiểu xem tình huống cụ thể của công việc có làm thay đổi định kiến này hay không. Khi ứng viên dự tuyển vào công việc mang tính kỹ thuật số, như soạn email, người dùng AI không bị coi là lười biếng, thậm chí còn được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, ở công việc thiên về thao tác thủ công, như ghi chép bằng tay, người dùng AI vẫn bị đánh giá thấp. Kết quả chỉ ra rằng, định kiến mạnh nhất xuất hiện khi người dùng AI làm công việc vốn dĩ không cần tới AI.
Một điểm đáng chú ý là những người tham gia thừa nhận dùng AI thường xuyên lại ít khi đánh giá tiêu cực người khác dùng AI. Điều này cho thấy sự quen thuộc và trải nghiệm thực tế có thể làm giảm kỳ thị. Tác giả chính Jessica Reif, nghiên cứu sinh tại Trường Kinh doanh Fuqua thuộc Đại học Duke, cho biết bà bắt đầu dự án này sau khi nghe nhiều nhân viên chia sẻ nỗi lo sợ bị phán xét khi dùng AI, dù kết quả công việc của họ không hề giảm sút.
Nghiên cứu này có những điểm mạnh về phương pháp như xây dựng tình huống kiểm soát cẩn thận. Tuy nhiên, tác giả cũng thừa nhận có hạn chế, như các tình huống vẫn là giả định chứ không phải quan sát thực tế, người đánh giá không quen biết trực tiếp với người được đánh giá, điều có thể khác trong môi trường công sở thực.
Những phát hiện này nhấn mạnh rằng, trong khi AI đang trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích giúp tăng năng suất, việc sử dụng AI cũng cần cân nhắc về cách nó ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín cá nhân. Kết quả nghiên cứu là lời nhắc nhở: để AI thực sự trở thành trợ thủ hiệu quả, bản thân môi trường làm việc cũng cần thay đổi nhận thức, tránh vội vàng quy chụp người dùng AI là thiếu năng lực hay lười biếng. Và người lao động, ngoài việc biết tận dụng công nghệ, cũng nên giữ sự minh bạch, đồng thời phát triển kỹ năng và dấu ấn cá nhân để không bị “hòa tan” vào hình ảnh mà AI tạo ra.
(Theo PsyPost)
Du Lam
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/su-dung-chatgpt-trong-cong-viec-bi-danh-gia-luoi-bieng-kem-nang-luc-2422059.html