Sử dụng còi xe 'văn minh'

Sử dụng còi xe 'văn minh'
5 giờ trướcBài gốc
Người tham gia giao thông cần hạn chế sử dụng tiếng còi khi tham gia giao thông
Giữa dòng xe cộ đông đúc chiều cuối ngày, khi đèn đỏ vừa chuyển sang xanh, tiếng còi từ chiếc ô tô phía đằng sau đã liên tục thúc giục khiến không khí càng thêm bí bách, nặng nề. Con gái ngồi phía sau xe vừa ngoái đầu nhìn lại, không quên "càm ràm": “Họ bấm còi để làm chi mà nhiều rứa mẹ?”. “Chắc họ bận, họ muốn đi nhanh hơn đó con”, tôi nói.
Dù trả lời con gái như vậy nhưng trong đầu tôi, câu hỏi của con vẫn là mối bận lòng. Khi trong vài giây chờ tín hiệu đèn, việc hối thúc người phía trước bằng hàng loạt tiếng còi có thật sự cần thiết, có khiến cho việc di chuyển trở nên nhanh hơn? Và có lẽ trong dòng người đợi đèn đỏ chiều đó, nhiều người cũng sẽ đặt câu hỏi giống như con gái tôi.
Khi tham gia giao thông, việc sử dụng còi xe là thói quen của nhiều người để thông báo, cảnh báo khi cần thiết. Tuy nhiên, sử dụng còi như thế nào để giảm thiểu ảnh hưởng đến người xung quanh là điều mà không phải người tham gia giao thông nào cũng ý thức và thực hiện tốt. Đã không ít lần tham gia giao thông, tôi “giật mình” khi nghe những âm thanh bất chợt, thậm chí có lúc tôi loạng choạng ngã xe cũng vì tiếng còi chói tai ấy.
Câu chuyện lạm dụng tiếng còi ở những nơi công cộng, gần trường học, bệnh viện… cũng cần được xem lại. Bởi, sử dụng còi không đơn thuần là thói quen, hay cảnh báo mà còn thể hiện được văn hóa của người tham gia giao thông.
Hạn chế tiếng còi hoặc hoàn toàn không dùng còi xe khi tham gia giao thông là vấn đề không mới và đã được nhiều quốc gia áp dụng. Gần chúng ta nhất có Lào và một số quốc gia Đông Nam Á khác. Với TP. Huế, việc này cũng đã được triển khai từ năm 2017, với nhiều giải pháp để tuyên truyền người dân thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Huế – không tiếng còi xe”.
Dù chưa thể có con số đánh giá cụ thể về hiệu quả mà cuộc vận động mang lại, song có thể thấy một bộ phận người dân đã ý thức hơn trong việc sử dụng tiếng còi xe. Rất nhiều người, trong đó bao gồm cả tôi rất hạn chế dùng còi xe trừ khi thật sự quá cần thiết.
Dẫu biết việc thay đổi thói quen sử dụng còi xe khi tham gia giao thông tùy vào ý thức của mỗi người. Tuy nhiên, để góp phần tạo nên những chuyển biến trong nhận thức của người dân, thiết nghĩ, thành phố và các sở, ngành liên quan cần duy trì thường xuyên các hoạt động truyền thông “Huế – không tiếng còi xe”. Thông qua việc vận động sự tham gia của các hội đoàn thể, cộng đồng trong việc hạn chế tiếng còi khi tham gia giao thông sẽ góp phần tạo chuyển biến thay đổi văn hóa giao thông cho người dân. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Huế thân thiện, văn minh.
Một chuyên gia nói rằng, TP. Huế đang có nền tảng tốt với phong trào “Huế không tiếng còi xe” và phong trào này đã phần nào tạo nên những chuyển biến lớn trong nhận thức người dân. Vì thế, việc duy trì hay phát động phong trào một cách liên tục, thường xuyên sẽ góp phần khẳng định giá trị của Huế, một thành phố thân thiện và yên bình. Nếu thực hiện tốt và tiến tới không còn tiếng còi xe, Huế sẽ là hình mẫu của cả nước và chúng ta có cơ sở để kỳ vọng về điều này.
Điều 21, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 quy định về sử dụng tín hiệu còi. Theo đó, người tham gia giao thông chỉ được sử dụng tín hiệu còi của phương tiện tham gia giao thông đường bộ trong các trường hợp: Báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông; báo hiệu chuẩn bị vượt xe. Bên cạnh đó, quy định này cũng nêu rõ, người tham gia giao thông không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định; không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên.
Tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ngày 26/12/2024 của Chính phủ "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; điểm trừ, phục hồi điểm giấy phép lái xe" cũng quy định các mức xử phạt đối với việc sử dụng còi xe sai quy định.
Bài, ảnh: Hoàng Anh
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/ban-doc/su-dung-coi-xe-van-minh-152917.html