Tại hội thảo, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc EVN nhấn mạnh đến áp lực lớn mà hệ thống điện quốc gia đang phải đối mặt do thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng, đặc biệt ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Nhiệt độ tại nhiều địa phương đã vượt ngưỡng 38 độ C, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, chủ yếu là điện sinh hoạt và làm mát.
Theo ông Lâm, dù thời tiết quý I/2025 tương đối mát mẻ, sản lượng điện thương phẩm vẫn đạt 63,645 tỷ kWh – tăng 4,43% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy xu hướng tăng phụ tải sẽ tiếp tục trong mùa khô và mùa nắng nóng sắp tới.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: D.A
Ông Lâm cho biết, EVN đã xây dựng kịch bản cung ứng điện cho năm 2025 với mục tiêu sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 300,9 tỷ kWh. Trong trường hợp tăng trưởng phụ tải cao, sản lượng điện có thể cần đến 305,6 tỷ kWh. Dự kiến công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống sẽ chạm mức 54.510 MW – tăng hơn 11,35% so với năm 2024.
EVN hiện đã chuẩn bị các phương án ứng phó linh hoạt, kể cả trong kịch bản tăng trưởng phụ tải lên tới 12 – 13%, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%.
Để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mùa nắng nóng, ông Lâm cho rằng ngành điện cần tập trung bảo đảm nguồn nhiên liệu, tăng cường độ khả dụng tổ máy, đẩy mạnh công tác bảo dưỡng định kỳ, sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, ngành điện không thể một mình gánh vác trọng trách này.
“Chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ từ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả không chỉ giúp giảm tải cho hệ thống mà còn tiết kiệm chi phí cho chính người sử dụng,” ông Lâm chia sẻ.
Đại diện EVN cho biết, EVN cũng đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, vận hành và theo dõi hệ thống điện nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp điện, đặc biệt trong những ngày cao điểm.
Theo đó, EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện, với tổng công suất khoảng 8.800 MW, bao gồm cả dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Trong năm 2025, EVN tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy thủy điện Quảng Trạch I, Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, Cấp điện cho huyện Côn Đảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Hữu – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 khoảng 8% theo Nghị quyết của Đảng và Chính phủ sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh. Năm 2025 cũng diễn ra nhiều sự kiện lớn như kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày thống nhất đất nước… Việc bảo đảm điện cho các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa có ý nghĩa quan trọng và đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao.
Dù thời tiết đang có nhiều biến động khó lường, song Bộ Công Thương vẫn đánh giá công tác chuẩn bị cung ứng điện cho năm 2025 là khá tốt. Tiếp nối những kinh nghiệm tích cực trong năm 2024, người dân và doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.
Theo thống kê, trong năm 2024, dù nhu cầu điện tăng gần 10% nhưng công suất phụ tải cực đại chỉ tăng hơn 7%. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt từ việc dịch chuyển phụ tải – các cơ quan, doanh nghiệp và hộ dân đã chủ động điều chỉnh lịch sử dụng điện, hạn chế dùng điện vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống ngày càng tăng, việc duy trì cân bằng cung – cầu điện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là ở các khu vực miền Bắc và miền Nam – nơi chịu ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết cực đoan.
Nắng nóng ở khu vực miền Nam cộng với nhu cầu sử dụng nhiều điện cho các ngày lễ lớn đặt ra yêu cầu, ngành điện phải nỗ lực sản xuất và cung ứng điện tốt hơn. Ảnh: P. T
Ông Nguyễn Thế Hữu chia sẻ, để đảm bảo cung cấp điện năm 2025 cũng như giai đoạn 2026-2030, Bộ Công thương đã tích cực triển khai 7 giải pháp. Trong đó, bao gồm xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật Điện lực sửa đổi năm 2024, đồng thời tích cực xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản Nghị định, Thông tư hướng dẫn dưới Luật. Triển khai xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Điều chỉnh tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Bên cạnh đó, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các định hướng, cơ chế phát triển các nguồn điện như điện hạt nhân, các loại điện năng lượng tái tạo, ban hành các khung giá đối với các loại nguồn điện, tạo cơ chế thuận lợi cho đầu tư, phát triển các nguồn điện đáp ứng nhu cầu trong nước. Tích cực hợp tác trong xuất, nhập khẩu điện, nhất là những nguồn điện sạch có giá thành hợp lý.
Đốc thúc đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn điện, lưới điện, đặc biệt là những công trình điện có tầm quan trọng như các đường dây 500kV. Tăng cường giám sát công tác lập kế hoạch, công tác chuẩn bị nhiên liệu, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị điện để đảm bảo độ khả dụng các nguồn điện. Làm tốt công tác truyền thông về tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu phụ tải điện.
Thanh Giang