Sử dụng hiệu quả dữ liệu để phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội

Sử dụng hiệu quả dữ liệu để phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 22/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe: Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dữ liệu; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Dữ liệu.
Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP & AN) của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu.
Phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Báo cáo về dự án Luật Dữ liệu, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, cần thiết ban hành Luật Dữ liệu nhằm thực hiện những chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Bên cạnh đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
“Việc xây dựng Luật Dữ liệu là rất quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng, sử dụng hiệu quả dữ liệu để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quản lý và bảo vệ dữ liệu” – Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lương Tam Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Dữ liệu. (ảnh Như Ý)
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, việc xây dựng dự án luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý dữ liệu của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, luật này quy định về: xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý Nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Không phát sinh đột biến chi ngân sách Nhà nước
Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương, 67 điều. “Việc bảo đảm nguồn nhân lực trong triển khai thi hành Luật Dữ liệu cơ bản là đội ngũ những người đang làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Việc bảo đảm kinh phí triển khai thi hành luật do ngân sách Nhà nước bảo đảm và nguồn thu từ việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu. Trung tâm dữ liệu quốc gia hiện đang được triển khai xây dựng trên cơ sở thi hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia nên không làm phát sinh đột biến chi ngân sách Nhà nước. Do vậy, việc triển khai thi hành luật là khả thi” – Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết, trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, dữ liệu là nguồn tài nguyên, là tư liệu sản xuất quan trọng, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, làm thay đổi phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, hoạt động chỉ đạo, quản trị xã hội; là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Các đại biểu tại phiên họp.
Luật Dữ liệu là văn bản pháp luật điều chỉnh toàn diện về dữ liệu, có tính bao quát, áp dụng chung đối với mọi chủ thể trong xã hội; gồm cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức, cá nhân.
Đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban QP & AN Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QP & AN cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Hồ sơ dự án luật đầy đủ, Báo cáo đánh giá tác động cơ bản đánh giá rõ các chính sách được đề nghị xây dựng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Đây là dự án luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý Nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin nên cần xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Phương Thủy
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/su-dung-hieu-qua-du-lieu-de-phuc-vu-quan-ly-nha-nuoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-i747932/