Sử dụng liệu pháp tế bào trị liệu, các thuốc đích mới, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý tự miễn

Sử dụng liệu pháp tế bào trị liệu, các thuốc đích mới, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý tự miễn
2 giờ trướcBài gốc
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh nội dung này trong phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Huyết học và Truyền máu - Bệnh viện Bạch Mai diễn ra hôm nay - 17/10.
Ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, làm chủ phương pháp ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh huyết học
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Hà Anh Đức, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình chúc mừng Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Huyết học và Truyền máu.
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu cho biết, năm 2004 do nhu cầu phát triển chuyên sâu của chuyên ngành, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương được tách khỏi Bệnh viện Bạch Mai và Khoa Huyết học Truyền máu đã được tái thành lập và nay là Trung tâm Huyết học và Truyền máu.
Đến nay, sau 20 năm phát triển Trung tâm có quy mô 130 giường bệnh với đội ngũ nhân lực chất lượng cao, là cơ sở điều trị tuyến cuối của chuyên ngành Huyết học và Truyền máu.
Trung tâm đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, các phương pháp chẩn đoán điều trị tiên tiến hàng đầu trong nước và khu vực mà chỉ một số ít trung tâm thực hiện được, đạt và duy trì chứng nhận ISO 15189 trong toàn bộ hệ thống xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm và cấp phát máu phục vụ cho công tác điều trị, nhiều năm qua đã không để tình trạng thiếu máu.
"Trung tâm đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và xây dựng uy tín cho Bệnh viện Bạch Mai cũng như ngành y tế cả nước"- PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng nói.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho Trung tâm Huyết học và Truyền máu.
Chia sẻ bên lề hội nghị khoa học diễn ra nhân sự kiện 20 năm thành lập Trung tâm Huyết học và Truyền máu, PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng cho hay hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đã làm chủ được phương pháp ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh huyết học.
Trong đó, bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật ghép tế bào gốc hai lần liên tiếp, ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.
"Sau 20 năm thành lập, đến nay chúng tôi đã ghép tế bào gốc cho hơn 120 bệnh nhân với tỉ lệ thành công cao. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị đã có sức khỏe bình thường, sinh hoạt như người khỏe mạnh. Có bệnh nhân điều trị từ năm 21 tuổi, khi chưa có gia đình, đến nay đã kết hôn, sinh con khỏe mạnh"- PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng nói và nhấn mạnh thêm: Đặc biệt, chi phí cho ghép tế bào gốc tại Việt Nam được đánh giá là rẻ hơn so với nhiều quốc gia.
Ví dụ ghép tế bào gốc ở Singapore hiện nay có giá khoảng từ 4 - 6 tỉ đồng. Hay ở Đài Loan từ 2 - 5 tỉ đồng. Hay ở Mỹ chi phí ghép tế bào gốc rất cao.
Còn ở Việt Nam một số trường hợp bảo hiểm y tế thanh toán, chi phí sau khi ghép tế bào gốc khoảng hơn 40 triệu đồng.
Số hóa dữ liệu thu thập được để có thể hỗ trợ đưa ra dự báo, phân tích nhu cầu máu, chế phẩm máu
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ghi nhận và biểu dương những cố gắng, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm Huyết học và Truyền máu nói riêng và Bệnh viện Bạch Mai nói chung trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trong giai đoạn tới, ngành huyết học và truyền máu đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Để tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Trung tâm Huyết học và Truyền máu, cùng với Bệnh viện Bạch Mai hợp tác chặt chẽ với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các cơ sở chuyên khoa khác nhằm xây dựng các quy trình kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm sự đồng nhất và chuẩn hóa trong toàn quốc.
Các chuyên gia của Trung tâm Huyết học và Truyền máu thực hiện kỹ thuật truyền tế bào gốc cho người bệnh.
Bên cạnh đó, Trung tâm cần tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo y khoa để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực huyết học và truyền máu, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình vận động hiến máu tình nguyện, song song với việc triển khai và tối ưu hóa quy trình thu gom, sản xuất, điều chế máu và chế phẩm máu…
Đặc biệt, trong tương lai khi cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam đi vào hoạt động, cần chủ động ngay từ bây giờ trong việc tự chủ nguồn máu và bảo đảm cung cấp máu an toàn cho các cơ sở y tế.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng yêu cầu Trung tâm Huyết học và Truyền máu cũng như Bệnh viện Bạch Mai đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu số hóa để từ dữ liệu thu thập được có thể hỗ trợ đưa ra dự báo, phân tích nhu cầu máu và chế phẩm máu, góp phần bảo đảm cung ứng kịp thời cho người bệnh.
Cùng đó, không ngừng nâng cao năng lực chỉ đạo tuyến, hỗ trợ cho các cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần nâng cao chất lượng điều trị ở mọi cấp độ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, nhằm tiếp tục phát triển ngành huyết học và truyền máu ở Việt Nam theo hướng hiện đại và toàn diện.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu báo cáo chặng đường 20 năm phát triển Trung tâm Huyết học và Truyền máu.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, huyết học và truyền máu là một trong những chuyên ngành khó, bệnh lý nặng và phức tạp nhưng luôn có những cơ hội tốt để trở thành tiên phong trong việc triển khai áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân và đồng hành cùng các chuyên ngành khác triển khai các kỹ thuật phức tạp, chuyên sâu, trong thời gian tới, PGS.TS Đào Xuân Cơ đề nghị Trung tâm Huyết học và Truyền máu tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị trong bệnh viện trong sự nghiệp phát triển chung, lấy người bệnh là trung tâm để được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng tốt nhất, thuận lợi nhất.
Đồng thời, phát triển ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu, tiếp cận với dịch vụ các nước phát triển trên thế giới: Sử dụng liệu pháp tế bào trị liệu, các thuốc nhắm đích mới, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý tự miễn… Triển khai các kỹ thuật xét nghiệm di truyền, sinh học phân tử chuyên sâu, và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xét nghiệm huyết học…
Thái Bình/ Ảnh: Thành Dương
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/su-dung-lieu-phap-te-bao-tri-lieu-cac-thuoc-dich-moi-ghep-te-bao-goc-dieu-tri-cac-benh-ly-tu-mien-16924101717334807.htm