Khi mua thực phẩm, nên ưu tiên nguồn gốc rõ ràng; mua tại siêu thị, cửa hàng có uy tín, chợ truyền thống đảm bảo vệ sinh. Trong ảnh: Người dân chọn mua thực phẩm tại một siêu thị (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN
Theo cảnh báo từ Bộ Y tế, các vụ ngộ độc thực phẩm thường gia tăng vào mùa hè, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Nhiệt độ ngoài trời thường xuyên vượt ngưỡng 350C, có khi lên trên 400C khiến thực phẩm nhanh chóng bị biến đổi, ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhận định: “Nhiệt độ cao khiến vi khuẩn gây hại như Salmonella, E.coli, Listeria... phát triển rất nhanh trên thực phẩm tươi sống cũng như thực phẩm đã nấu chín nhưng để ở nhiệt độ phòng quá lâu. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngộ độc thực phẩm trong mùa hè”.
Thống kê từ các cơ sở y tế trong cả nước cho thấy, số ca nhập viện vì tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa tăng rõ rệt vào mùa nắng nóng. Đặc biệt, trẻ nhỏ và người cao tuổi là những trường hợp dễ bị ảnh hưởng nhất do sức đề kháng yếu.
Một thực trạng đáng lo ngại là thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn vẫn tồn tại phổ biến tại nhiều khu chợ dân sinh. Người tiêu dùng vì tâm lý tiết kiệm hoặc do thói quen lâu năm, vẫn mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có bao bì, không đảm bảo vệ sinh.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm lưu ý: “Thực phẩm được bày bán nhưng không che đậy, để lâu dưới ánh nắng mặt trời, có ruồi nhặng bu đầy rất dễ bị nhiễm khuẩn. Không ít loại thực phẩm nhìn bên ngoài tưởng như bình thường nhưng bên trong đã biến chất, nếu sử dụng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe”.
Hãy rửa sạch thực phẩm bằng nước sạch, hoặc ngâm với nước muối loãng trước khi chế biến. Nấu chín kỹ, đặc biệt là thịt, cá, trứng. Hạn chế ăn gỏi sống, đồ tái trong mùa nắng. Uống nước đun sôi để nguội, tránh sử dụng nước chưa qua xử lý. Hạn chế để đồ ăn ngoài trời hoặc mang theo trong hành trình dài nếu không có điều kiện bảo quản lạnh.
Việc chủ quan trong khâu lựa chọn, sử dụng và bảo quản thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc, rối loạn tiêu hóa hoặc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, mỗi người tiêu dùng cần hết sức thận trọng và chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến nghị: “Đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều có thể góp phần bảo vệ sức khỏe của mình bằng những hành động rất cụ thể: chọn nơi mua uy tín, nấu ăn kỹ, bảo quản đúng cách. Không nên coi nhẹ hoặc ỷ lại, vì hậu quả của ngộ độc thực phẩm đôi khi rất nghiêm trọng”.
Trong mùa nắng nóng, thức ăn đường phố là mối quan tâm của nhiều người về đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo ThS Lê Sỹ Kim, Trưởng phòng An toàn thực phẩm (Sở Y tế), UBND xã/phường/thị trấn chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô kinh doanh dưới 50 suất ăn/lần phục vụ, kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ..., theo Quyết định 12 của UBND tỉnh Phú Yên ban hành, về việc quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế có văn bản chỉ đạo trung tâm y tế các địa phương thường xuyên giám sát, hướng dẫn những người kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện tốt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Chủ yếu là giám sát, hướng dẫn”, ông Lê Sỹ Kim cho hay.
Nhằm bảo vệ người dân trước các nguy cơ mất an toàn thực phẩm, mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có khuyến cáo “Thận trọng khi mua, sử dụng và bảo quản thực phẩm trong mùa nắng nóng”. Đầu tiên là lựa chọn thực phẩm an toàn. Theo Cục An toàn thực phẩm, khi mua thực phẩm, nên ưu tiên nguồn gốc rõ ràng; mua tại siêu thị, cửa hàng có uy tín, chợ truyền thống đảm bảo vệ sinh. Hãy chọn sản phẩm tươi, nguyên vẹn; tránh chọn thực phẩm có mùi lạ, màu sắc bất thường, dập nát hoặc rỉ dịch. Người mua cần đọc kỹ nhãn mác, kiểm tra hạn sử dụng, điều kiện bảo quản và thành phần nếu là thực phẩm đóng gói sẵn.
Đặc biệt, cần cảnh giác với các loại thực phẩm dễ hỏng như: thịt, cá, trứng, sữa, đồ ăn chín… vì đây là những “ổ” chứa vi khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách.
Thứ hai là bảo quản thực phẩm đúng cách. Ngăn mát và ngăn đông tủ lạnh là nơi lý tưởng để lưu trữ thực phẩm dễ hư hỏng, tuy nhiên cần sắp xếp đúng quy tắc: Thịt sống, hải sản nên để riêng biệt, tránh tiếp xúc với rau, củ quả để không lây nhiễm chéo.
Thức ăn chín cần được đậy kín, dùng hộp thủy tinh hoặc nhựa an toàn.
Không để thức ăn thừa ở nhiệt độ phòng quá 2 tiếng đồng hồ. Mùa nắng, nhiệt độ cao khiến vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Cần lưu ý là không cấp đông lại thực phẩm đã rã đông.
Điều quan trọng thứ ba là sử dụng thực phẩm hợp lý, ăn chín uống sôi. Hãy rửa sạch thực phẩm bằng nước sạch, hoặc ngâm với nước muối loãng trước khi chế biến. Nấu chín kỹ, đặc biệt là thịt, cá, trứng. Hạn chế ăn gỏi sống, đồ tái trong mùa nắng. Uống nước đun sôi để nguội, tránh sử dụng nước chưa qua xử lý. Hạn chế để đồ ăn ngoài trời hoặc mang theo trong hành trình dài nếu không có điều kiện bảo quản lạnh. Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý người dân không tích trữ quá nhiều thực phẩm nếu không có tủ lạnh dung tích lớn.
Chuẩn bị thực phẩm đúng cách là việc nên làm để bữa ăn của mình và gia đình an toàn, chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn
1. Giữ vệ sinh
- Rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm và thường xuyên trong quá trình chế biến thực phẩm.
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Rửa sạch toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm.
- Giữ sạch thực phẩm và khu vực bếp để tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
Đồ họa: YÊN LAN
2. Để riêng thực phẩm sống và chín
- Không để lẫn thịt gia súc, gia cầm và hải sản sống với các thực phẩm khác.
- Sử dụng riêng các đồ dùng nhà bếp như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống.
- Để thực phẩm trong các dụng cụ chứa có nắp để tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và chín.
3. Nấu và chế biến đúng cách
- Đun nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản.
- Các thực phẩm như súp, nước dùng phải đun sôi. Đối với thịt gia súc và gia cầm, sau khi nấu, luộc, nước bên trong miếng thịt phải trong, không còn màu hồng.
- Đun kỹ thức ăn còn dư lại từ bữa trước.
4. Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
- Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.
- Làm lạnh ngay tất cả thực phẩm đã chế biến và thực phẩm dễ hỏng (dưới 50C).
- Giữ thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ cao (trên 600C) trước khi ăn.
- Không nên bảo quản thực phẩm quá lâu, kể cả để trong tủ lạnh.
- Không rã đông thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng.
5. Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn
- Sử dụng nước sạch hoặc nước đã qua xử lý để chế biến thực phẩm.
- Chọn mua thực phẩm tươi, nguyên dạng.
- Chọn thực phẩm đã qua chế biến phải đảm bảo an toàn, thí dụ như sữa thanh trùng.
- Rửa sạch rau quả, đặc biệt là rau quả ăn sống.
- Không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng.
HÀ AN