Sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả

Sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả
21 giờ trướcBài gốc
Kiểm lâm địa bàn cùng chủ rừng là cộng đồng ở huyện Tủa Chùa tuần tra bảo vệ rừng trên phần diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đưa chúng tôi đi thăm Nhà văn hóa bản Đại thuộc xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, Trưởng bản Lò Văn Thân vui vẻ nói như khoe: Công trình này có diện tích 144m2, nằm trong khuôn viên rộng 1.722m2. Khuôn viên nhà văn hóa bao gồm nhiều hạng mục: Nhà văn hóa, khu vực bếp, sân thể thao, nhà vệ sinh. Bên trong nhà văn hóa được lát nền gạch hoa, có bục sân khấu, lợp tôn xốp chống nóng và bố trí đầy đủ các thiết bị văn hóa như: Tăng âm loa đài, trang trí khánh tiết và 200 bộ bàn, ghế, bát đũa phục vụ nhân dân của bản. Toàn bộ công trình nhà văn hóa có tổng mức đầu tư hơn 300 triệu đồng; trong đó 284 triệu đồng được trích từ tiền dịch vụ môi trường rừng của bản trong 2 năm (2022 - 2023); số còn lại do các gia đình trong bản đóng góp.
Nhớ lại quá trình triển khai làm nhà văn hóa này, ông Lò Văn Thân kể rành rọt cho chúng tôi theo từng quãng thời gian, công việc. Giọng âm trầm, ông Lò Văn Thân, khẽ nói: Trước năm 2022, khi chưa có nhà văn hóa này thì mọi hoạt động của nhân dân bản Đại, như là: họp bản, ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư đều phải mượn lớp học hoặc dùng nhà Trưởng bản tổ chức. Thế nhưng các hoạt động ấy không thật sự trọn vẹn, vì dân bản đông trong khi không gian tổ chức chật hẹp vậy nên nhiều khi muốn cho toàn thể dân bản chung vui mà chúng tôi “lực bất tòng tâm”.
Cuối năm 2021 đầu năm 2022 khi triển khai chủ trương của huyện Điện Biên Đông và xã Luân Giói về việc kêu gọi vận động làm nhà văn hóa bản thì không ai khác mà cán bộ chủ chốt bản Đại đã chụm đầu bàn tính rồi sau đó nhiều cuộc họp bản được tổ chức để mọi người dân, mọi gia đình trong bản đều được tham gia ý kiến từ khâu vận động nguồn, thời gian thực hiện và phân công nhiệm vụ từng người. Sẵn truyền thống đoàn kết, gắn bó cộng với nguyện vọng thiết tha sớm có nhà văn hóa làm nơi hội họp chung, người dân bản Đại đã đồng lòng nhất trí trích 284 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng của bản trong 2 năm liền (2022 và 2023) để làm nhà văn hóa. Số còn thiếu thì bà con dân bản tự nguyện góp thêm mỗi gia đình 400 nghìn đồng. Toàn bộ kinh phí đều dành mua nguyên vật liệu để làm nhà văn hóa trên phần đất do 5 gia đình trong bản tự nguyện hiến.
Ngày khởi công xây dựng nhà văn hóa, người trong bản đều bảo nhau mỗi người một công một việc theo từng nhóm. Nhóm thì làm việc san nền, nhóm thì xuống suối lấy cát; người có tay nghề thì đảm đương phần xây dựng... Cứ thế suốt 4 tháng liền cả bản cùng nhau làm việc để hoàn thành nhà văn hóa bản. “Bây giờ thì việc lớn việc nhỏ của bản đều tổ chức ở nhà văn hóa này. Vui nhất là những ngày cuối năm khi thóc, ngô đã về nhà; con cháu đi làm, đi học nơi xa cùng trở về thì bà con tay trong tay chung điệu xòe lời khắp vang vọng từng vách núi thân cây…” - Trưởng bản Lò Văn Thân nói thêm với chúng tôi như thế!
Chung cách làm, mong muốn có công trình chung như người dân bản Đại, trong năm qua, các chủ rừng là cộng đồng ở Tủa Chùa đã thống nhất trích một phần tiền dịch vụ môi trường rừng để làm đường trong thôn, sửa đường bản, sửa ống nước và mua đất làm nhà văn hóa. Ông Lù Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, cho biết: Thời gian qua, chủ rừng là cộng đồng trên địa bàn năm xã, gồm: Mường Đun, Tủa Thàng, Tả Phìn, Xá Nhè, Mường Báng đã trích gần 242 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng để làm mới, sửa chữa 15 công trình phục vụ cộng đồng. Trong đó, chủ rừng ở xã Tủa Thàng làm được 5 công trình; xã Tả Phìn làm được 4 công trình; xã Xá Nhè làm được 3 công trình, xã Mường Báng làm được 2 công trình và xã Mường Đun làm được 1 công trình. Các công trình sau khi được sửa chữa, làm mới tạo nhiều thuận lợi trong sinh hoạt của bà con nhân dân.
Đánh giá cao ý thức bảo vệ rừng cũng như cách làm của hàng trăm chủ rừng là cộng đồng các thôn, bản đã dành tiền dịch vụ môi trường rừng để làm các công trình cộng đồng, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết: Theo thống kê của kiểm lâm các địa bàn, tại thời điểm này toàn tỉnh có 161 công trình được làm từ tiền bảo vệ môi trường rừng do chủ rừng là cộng đồng thực hiện. Trong đó, Điện Biên Đông là huyện có nhiều cộng đồng làm công trình từ dịch vụ môi trường rừng nhất, với tổng số 49 công trình do 49 chủ rừng ở 10 xã thực hiện. Với nguồn kinh phí có hạn, các chủ rừng ở Điện Biên Đông dùng để làm nhà văn hóa, mua sắm thiết bị phục vụ nhà văn hóa; làm mới, sửa chữa đường nội bản; lắp đèn năng lượng quanh bản… Tại huyện Tuần Giáo, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, 29 chủ rừng là cộng đồng bản ở 5 xã: Quài Nưa, Pú Nhung, Tỏa Tình, Quài Tở, Mường Mùn đã làm nhiều công trình cổng chào, đường bê tông, đường ra khu sản xuất… để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới, xây dựng vùng nông thôn Tuần Giáo từng ngày đổi thay.
Trao đổi thêm về hiệu quả tiền dịch vụ môi trường tại Điện Biên, ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết:Toàn tỉnh có hơn 96.000 gia đình hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh. Cũng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, các cộng đồng dân cư còn có thêm nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng…
Bài, ảnh: Bích Hạnh
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/su-dung-tien-dich-vu-moi-truong-rung-hieu-qua-post844674.html