Tháo “điểm nghẽn” với cầu thủ nhập tịch, Việt kiều
Một ví dụ cụ thể, trước đây là người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và phải thôi quốc tịch nước ngoài. Theo điều 13 sửa đổi, bổ sung thì "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định thì đề nghị với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác nhận có quốc tịch Việt Nam".
Hoặc theo quy định cũ tại điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam, người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú. Quy định này khiến cầu thủ Việt kiều rất khó xin quốc tịch Việt Nam. Trường hợp như thủ môn Nguyễn Filip phải rất gian nan hiện mới thành công, và đang khoác áo CAHN. Anh cũng từng được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, giữ vị trí số 1 trong khung thành.
Điều 19 sửa đổi và bổ sung còn có quy định rất thuận lợi cho cầu thủ Việt kiều lẫn cầu thủ ngoại, đó là người xin nhập quốc tịch Việt Nam có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng các điều kiện: biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam, đang thường trú ở Việt Nam, thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam, có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Thất bại trước dàn ngoại binh nhập tịch của Malaysia tạo sức ép đáng kể lên đội tuyển Việt Nam và VFF.
Đồng thời, các trường hợp này còn được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng hai điều kiện: có người thân thích là công dân Việt Nam và được Chủ tịch nước cho phép. Các trường hợp này được nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nếu cư trú ở nước ngoài.
Khuyến khích nhưng không lạm dụng
Các sửa đổi nói trên được đánh giá sẽ tạo điều kiện cho thể thao Việt Nam, trong đó có bóng đá, thu hút được nguồn lực từ các cầu thủ Việt kiều, nhập tịch. Xu hướng sử dụng cầu thủ nhập tịch hiện tăng mạnh ở khu vực Đông Nam Á, sau Singapore thì hiện nhiều quốc gia sử dụng cầu thủ nhập tịch như Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia…
Đội tuyển Malaysia với đội hình gồm đông đảo cầu thủ nhập tịch vừa đánh bại tuyển Việt Nam của HLV Kim Sang-sik ở Vòng loại cuối Asian Cup 2027. Kết quả này gây áp lực đáng kể với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như ông Kim Sang-sik.
Việt Nam cũng sử dụng cầu thủ nhập tịch, nhưng số lượng hạn chế và vừa qua chỉ mới gồm 2 gương mặt là tiền đạo Nguyễn Xuân Son và Cao Pendant Quang Vinh.
Các nước Đông Nam Á như Philippines có xu hướng sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch để tranh thành tích.
Không giới hạn ở bóng đá, một số quốc gia như Philippines, Thái Lan cũng sử dụng VĐV nhập tịch một số môn khác như điền kinh, tạo nên thách thức rất lớn với môn mũi nhọn này của Việt Nam ở đấu trường SEA Games. Điển hình như chân chạy Joshua Atkinson (gốc Úc), đoạt 4 HCV tại SEA Games 31. Bóng chuyền Philippines vừa qua cũng “trình làng” 2 gương mặt nhập tịch nổi bật là Van Sickle Brooke và Phillips Mar Jana, hay trước đó là Kristina Marie Knot (điền kinh, gốc Mỹ).
Trả lời Tiền Phong, Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh cho rằng Luật Quốc tịch sửa đổi tạo điều kiện cho thể thao Việt Nam tăng các VĐV chất lượng. Ngành thể thao sẽ nghiên cứu thực hiện theo các quy định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Minh cũng cho rằng bên cạnh việc khuyến khích các VĐV Việt kiều có nguồn gốc Việt Nam, việc sử dụng VĐV nhập tịch cần cân nhắc các yếu tố văn hóa, cũng như tác động lâu dài tới sự phát triển của thể thao Việt Nam.
“Tôi cho rằng việc sử dụng VĐV nhập tịch không nên tràn lan mà cần chọn lọc và xét tới yếu tố văn hóa, truyền thống, không đặt nặng vấn đề thành tích. Nếu chỉ chạy theo thành tích đơn thuần, chúng ta có thể chệch hướng phát triển của thể thao”-ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Mỗi quốc gia có cách đầu tư và định hướng phát triển thể thao riêng gắn với đặc thù văn hóa, bản sắc và truyền thống.
Trên thực tế bóng đá là môn tiên phong trong việc sử dụng cầu thủ nhập tịch và Việt kiều. Tuy nhiên về vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cũng chung quan điểm Việt Nam cần cân nhắc nhiều khía cạnh khi sử dụng cầu thủ nhập tịch. Theo đó nếu sử dụng cầu thủ nhập tịch tràn lan, Việt Nam có thể có 1 đội mạnh trong 1-2 năm nhưng hệ thống trong nước sẽ yếu đi.
“Trong khi đó, sự phát triển bền vững của các CLB trong nước mới là nền tảng để chúng ta phát triển xa. Nếu sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch, động lực thi đấu của cầu thủ nội có thể bị ảnh hưởng, công tác đào tạo trẻ cũng sẽ đối mặt khó khăn. Chúng ta cũng không thể bỏ qua yếu tố bản sắc, văn hóa và lòng tự hào”-ông Trần Quốc Tuấn cho biết.
Nguyên Phong