Chiều 4-5, Tổng thư ký Quốc hội (QH) Lê Quang Tùng đã chủ trì buổi họp báo thông tin về kỳ họp thứ 9, QH khóa XV.
Tại buổi họp báo, PV đã đặt nhiều câu hỏi, tập trung vào việc sửa đổi Hiến pháp 2013, rút ngắn nhiệm kỳ QH và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức chính quyền cấp huyện.
Sửa 8/120 điều của Hiến pháp 2013
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH, thông tin Trung ương, Bộ Chính trị đã đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013. Đảng ủy QH đã phối hợp với Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy MTTQ và các cơ quan trung ương nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung. Kết quả nghiên cứu đã được báo cáo với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: QH
“Vừa rồi, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã có tờ trình gửi các đại biểu QH và sẽ được báo cáo cụ thể tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9” - bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, nội dung sửa đổi tập trung vào các điều quy định về MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định về chính quyền địa phương tại Chương 9, Hiến pháp 2013. “Số điều mà Hiến pháp dự kiến sửa đổi, bổ sung là 8/120 điều” - bà Thủy cho hay.
Theo bà Thủy, UBTVQH sẽ trình QH thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp và ủy ban này sau đó sẽ dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp như được quy định tại Điều 120 Hiến pháp 2013.
Việc lấy ý kiến của nhân dân sẽ được thực hiện từ ngày 6-5, kéo dài dự kiến một tháng. Sau thời gian này, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu QH để báo cáo QH. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 dự kiến sẽ thông qua vào ngày 26-6 để tạo cơ sở pháp lý thông qua các luật khác.
“Cũng có ý kiến nói lấy ý kiến của nhân dân trong vòng một tháng là hơi gấp nhưng vì các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng không nhiều. Chính phủ cũng đề xuất ngoài các hình thức lấy ý kiến truyền thống thì sẽ áp dụng lấy ý kiến thông qua ứng dụng VNeID” - bà Thủy cho hay.
Cùng với sửa đổi Hiến pháp 2013, QH cũng sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử QH và HĐND để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.
“UBTVQH thống nhất báo cáo QH xin rút ngắn nhiệm kỳ QH và HĐND các cấp trước ba tháng để khi kết thúc Đại hội XIV Đảng thì kiện toàn bộ máy, nhân sự” - bà Thủy cho hay.
Chỉ định chủ tịch UBND tỉnh, xã sau hợp nhất chỉ là chuyển tiếp
Báo chí cũng nêu vấn đề về việc chỉ định chủ tịch UBND, HĐND và các chức danh lãnh đạo của các đơn vị hành chính sau sáp nhập làm sao để bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu chí và phù hợp luật pháp.
Theo bà Thủy, trong Kết luận 150 Bộ Chính trị đã yêu cầu thực hiện chế độ chỉ định các chức danh lãnh đạo thay vì bầu cử. Đây là cơ chế chưa được thực hiện trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính hai lần gần đây. Bởi hai lần đó thì cơ bản hệ thống các cấp đơn vị hành chính vẫn giữ nguyên.
“Tuy nhiên, trong lần sắp xếp này có sự khác biệt. Đó là sáp nhập xã, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện. Các cơ quan thuộc chính quyền cấp huyện cũng kết thúc hoạt động. Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp cán bộ ở các đơn vị hành chính mới thì Bộ Chính trị có chỉ đạo phải chỉ định và bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo ở HĐND, UBND…
Việc này cũng chỉ thực hiện trong năm 2025 và được ghi trong Nghị quyết của QH về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 ở điều khoản chuyển tiếp. Sau năm 2025, các chức danh lãnh đạo của UBND, HĐND vẫn sẽ thực hiện theo cơ chế bầu cử” - bà Thủy giải thích.
Vẫn theo bà Thủy, đến nay 63/63 tỉnh, TP đã gửi đề án sáp nhập về Bộ Nội vụ. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, hoàn thiện đề án và gửi đến UBTVQH. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp sẽ thẩm tra đề án này sau khi Chính phủ hoàn thiện và trình QH xem xét.
Về nguồn kinh phí cho sắp xếp, tinh gọn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy ban Kinh tế - Tài chính, cho biết theo Chính phủ trình thì có hai nguồn. Một là số dư từ nguồn cải cách tiền lương năm 2024, hai là nguồn tích lũy cải cách tiền lương cho năm 2025.
CHÂN LUẬN - NGUYỄN THẢO