Sự khác biệt trong cách nhìn của châu Âu và các nước về ông Trump

Sự khác biệt trong cách nhìn của châu Âu và các nước về ông Trump
3 giờ trướcBài gốc
Ông Trump phát biểu tại Laconia, New Hampshire. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, quan điểm này không đồng nhất trên phạm vi toàn cầu, khi nhiều khu vực có cách đánh giá khác nhau về ảnh hưởng của ông Trump đối với nước Mỹ và tình hình thế giới.
Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ trước từng gây ra không ít quan ngại tại châu Âu, khiến nhiều nhà lãnh đạo khu vực phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại. Khi đó, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel được xem là nhân vật trung tâm trong nỗ lực duy trì sự ổn định của trật tự quốc tế.
Hiện nay, với việc ông Trump tiếp tục nhấn mạnh quan điểm chính sách "Nước Mỹ trên hết" và đặt dấu hỏi về các cam kết truyền thống của Mỹ với đồng minh, châu Âu lo ngại về những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách đối ngoại và an ninh khu vực. Một số tuyên bố gần đây của ông Trump về chủ quyền lãnh thổ, quan hệ thương mại và hợp tác an ninh càng làm gia tăng mối bất an. Đặc biệt, quan điểm sẵn sàng thay đổi các nguyên tắc trong trật tự toàn cầu của ông khiến nhiều nước châu Âu lo lắng về nguy cơ suy giảm vai trò của Mỹ với tư cách là một đối tác chiến lược.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) thực hiện trên 28.000 người tại 24 quốc gia cho thấy quan điểm của châu Âu về ông Trump không phản ánh xu hướng chung của toàn cầu.
Tại các nền kinh tế mới nổi và cường quốc tầm trung như Ấn Độ, Saudi Arabia, Nga, Trung Quốc và Nam Phi, phần lớn người tham gia khảo sát cho rằng ông Trump có thể mang lại tác động tích cực cho nước Mỹ và thế giới. Ba trên năm người được hỏi tin rằng ông Trump có thể chấm dứt xung đột tại Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử, trong khi một nửa số người tham gia tin rằng ông có thể đạt được hòa bình tại Trung Đông. Ngoài ra, một tỷ lệ đáng kể nhận định rằng ông Trump sẽ giúp cải thiện quan hệ Mỹ - Trung.
Dù có cách nhìn nhận tích cực về ông Trump, không phải tất cả đều tin rằng ông sẽ giúp Mỹ giữ vững vị thế hàng đầu. Trong 20 trên 24 quốc gia được khảo sát, hơn một nửa số người tham gia tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất thế giới trong vòng 20 năm tới. Đặc biệt, tại các cường quốc khu vực như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Nam Phi.
Những khác biệt trong cách nhìn nhận về ông Trump phản ánh kỳ vọng khác nhau của các khu vực đối với vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Trong khi châu Âu lo ngại về nguy cơ Mỹ giảm cam kết với các đồng minh, nhiều quốc gia khác lại mong muốn một chính sách đối ngoại thực dụng hơn từ Washington.
Đối với châu Âu, điều này đặt ra câu hỏi quan trọng về cách duy trì vị thế trong bối cảnh địa chính trị biến động. Kết quả khảo sát cho thấy, dù châu Âu có thể bất an trước viễn cảnh ông Trump trở lại, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đánh giá EU là một lực lượng có thể cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với EU không phải là trở thành đối trọng với Mỹ hay duy trì vai trò lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế, mà là xác định một chiến lược chung nhằm bảo vệ lợi ích khu vực. Việc xây dựng một lập trường thống nhất sẽ giúp châu Âu tránh bị chia rẽ trước các chiến lược cạnh tranh từ các cường quốc khác, đồng thời củng cố vị thế trong trật tự quốc tế đang thay đổi.
Hoàng Minh/Báo Tin tức (Theo politico.eu)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/su-khac-biet-trong-cach-nhin-cua-chau-au-va-cac-nuoc-ve-ong-trump-20250115160626671.htm