LTS: Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một mốc son lịch sử, đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam. Tại Thủ Dầu Một - Bình Dương, trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời xác định đúng đắn, vận dụng sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng, góp phần đưa phong trào cách mạng tại địa phương giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bước vào kỷ nguyên mới, Đảng bộ tỉnh với hành trang vững vàng, sẵn sàng tâm thế, lãnh đạo đưa địa phương cùng đất nước vươn mình hướng tới mạnh giàu.
Bài 1: Ánh dương soi đường
Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa truyền thống yêu nước, bám sát đặc điểm tình hình xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm chủ động chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đền Bình Nhâm (phường Bình Nhâm, TP.Thuận An), nơi lưu dấu những giá trị lịch sử cách mạng, một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: QUỐC CHIẾN
“Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh”
Trong hành trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận Luận cương của Lênin. Từ một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng trở thành một chiến sĩ cách mạng tiên phong, trở thành một người cộng sản. “Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực không ngừng xúc tiến công việc chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một đảng cộng sản để có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc.
Về tư tưởng, Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Về chính trị, Người đã phác thảo những vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược, được thể hiện tập trung trong những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên trong những năm 1925-1927, xuất bản thành sách với nhan đề “Đường kách mệnh” vào năm 1927. Cùng với quá trình chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để huấn luyện, đào tạo cán bộ, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam.
Trong giai đoạn 1927-1930, với sự hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ của các cán bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, phong trào cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt so với thời kỳ trước. Các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời: Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (tháng 11-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tháng 1-1930) đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng.
Hạt nhân cách mạng ở Thủ Dầu Một
Tại Thủ Dầu Một - Bình Dương, tháng 1-1930, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại Đề pô xe lửa Dĩ An. Cùng với chi bộ cộng sản tại đồn điền cao su Phú Riềng, Chi bộ Đề pô xe lửa Dĩ An đã tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Thủ Dầu Một lúc bấy giờ. Vùng đất Bình Nhâm, Lái Thiêu là một trong những nơi của tỉnh Thủ Dầu Một có phong trào yêu nước, chống Pháp sôi nổi với các tổ chức yêu nước như Thiên địa hội (1913-1916), Hội kín Nguyễn An Ninh (1923- 1926). Trong khoảng thời gian 1929-1930, một nhóm thanh niên yêu nước xã Bình Nhâm đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng qua sự tuyên truyền của 2 nhóm đảng viên thuộc Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và An Nam cộng sản Đảng ở Gia Định và Sài Gòn. Sau khi hợp nhất 3 tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), đồng chí Lê Trọng Mân, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Gia Định, cử một số đồng chí đến hoạt động ở xã Bình Nhâm. Số đảng viên này đã móc nối cùng nhóm quần chúng trong hội kín vận động nhân dân đấu tranh. Từ tháng 3 đến tháng 8-1930, nhân dân vùng Lái Thiêu đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh lớn do Tỉnh ủy Gia Định lãnh đạo. Những đảng viên hoạt động ở đây đã tìm hiểu kỹ tình hình quần chúng trong Hội kín Nguyễn An Ninh và chọn một số người tích cực để giao nhiệm vụ nòng cốt đấu tranh, chuẩn bị cho việc xây dựng tổ chức Đảng.
Cuối năm 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sang Hồng Kông, Trung Quốc để chuẩn bị triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Hội nghị diễn ra từ ngày 6-1-1930 đến 7-2-1930, tại Cửu Long - Hồng Kông (Trung Quốc). Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và thông qua được Cương lĩnh đúng đắn, đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam có một chính đảng cộng sản duy nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam lãnh đạo, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác…
Tháng 8-1930, Chi bộ Cộng sản xã Bình Nhâm được thành lập. Lớp đảng viên đầu tiên gồm các đồng chí: Ba Phèn (thầy thuốc Ba Phèn) làm bí thư chi bộ, đồng chí Hồ Văn Cống (Hai Cống), đồng chí Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết), đồng chí Nguyễn Văn Lộng (Tự Chùa), đồng chí Đinh Văn Sáng (Tám Sáng).
Sau khi thành lập, Chi bộ xã Bình Nhâm tổ chức Nông hội đỏ và Hội tương tế ở các lò chén, lò đường, trại mộc, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, trong những tháng cuối năm 1930, 4 lần quần chúng nhân dân ở đây đã tổ chức mít tinh, biểu tình, đưa đơn kiến nghị lên ban hội tề xã. Số lượng quần chúng tham gia đấu tranh được mở rộng ra các xã Thuận Giao, Tân Khánh. Đáng chú ý nhất là cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga và ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra vào tháng 11-1930. Ở xã Bình Nhâm, chi bộ Đảng đã vận động được 200 người đến dự mít tinh tại miếu Cây Đào, xã Thuận Giao, quận Lái Thiêu vào ban đêm… Tại cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã thay mặt chi bộ nêu mục đích, ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga; đồng thời tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Trong dịp kỷ niệm này, một số nơi lân cận tiến hành rải truyền đơn “ủng hộ chính quyền Liên bang Xô Viết”…
Từ khi ra đời, tổ chức cơ sở Đảng ở Thủ Dầu Một đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, hoạt động có hiệu quả trên nhiều mặt, xây dựng được cơ sở Đảng vững chắc, phát triển thêm đảng viên mới để chuẩn bị điều kiện lập thêm chi bộ, xây dựng được các tổ chức quần chúng bí mật, bán công khai. Việc ra đời và hoạt động của đảng viên cộng sản ở Thủ Dầu Một cùng với phong trào đấu tranh sôi nổi của nhân dân đã khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân Thủ Dầu Một vẫn một lòng đi theo ngọn cờ cách mạng của Đảng…
Còn tiếp
ĐÀM THANH (thực hiện)