Khẳng định vai trò cấp huyện
Trong quá trình sắp xếp bộ máy hành chính địa phương, Quảng Ngãi đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc sáp nhập và tinh gọn cấp huyện theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương. Từ 173 đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập còn 56 đơn vị hành chính xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh. Việc này không chỉ loại bỏ tầng nấc trung gian không cần thiết, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các xã, phường, đặc khu chủ động hơn trong điều hành phát triển kinh tế, xã hội.
Huyện Minh Long là một ví dụ điển hình cho sự chuyển mình đầy trách nhiệm. Từng là 1 trong 61 huyện nghèo của cả nước, Minh Long đã từng bước vượt qua khó khăn để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trước khi sáp nhập. Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái khẳng định, việc huyện hoàn thành vai trò lịch sử trong quá trình sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương không chỉ là dấu mốc mang tính chiến lược đối với địa phương, mà còn là thành công trong tiến trình đổi mới tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Bí thư Đảng ủy xã Ba Điền (Ba Tơ) Phạm Văn Hoa (thứ hai bên phải) động viên tinh thần cán bộ, nhân viên tiếp tục cống hiến khi về đơn vị mới. Ảnh: TR.PHƯƠNG
Dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Minh Long đã giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh; chăm lo tốt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là nỗ lực không ngừng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Minh chứng rõ nét cho sự phát triển bền vững là đến tháng 3/2022, Minh Long ra khỏi danh sách huyện nghèo với thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 10,8% và là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong các huyện miền núi của tỉnh.
Bài học thành công của Minh Long chính là sự đồng thuận, thích ứng và chủ động. Trong giai đoạn chuyển giao, nhờ làm tốt công tác tư tưởng, công khai, minh bạch thông tin và giữ vững nguyên tắc dân chủ- kỷ cương - linh hoạt, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Long đảm bảo không có sự gián đoạn trong điều hành các hoạt động ở các cấp. Đây là nền tảng quan trọng để mô hình chính quyền mới kế thừa và phát triển.
Nâng tầm chính quyền cấp xã
Khi chính quyền cấp huyện hoàn thành sứ mệnh, cấp xã có vai trò quan trọng trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa Trần Quang Tòa, người dự kiến được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Trương Quang Trọng khẳng định, chính quyền cấp xã trong thời kỳ mới không chỉ đơn thuần là nơi thực hiện các thủ tục hành chính mà phải trở thành đơn vị chủ động trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. “Cấp xã chính là nơi kết nối trực tiếp giữa Đảng, chính quyền với người dân, nơi triển khai đầu tiên và trực tiếp thực thi các chính sách. Muốn cải cách hành chính đi vào thực chất, chuyển đổi số được thúc đẩy thì cấp xã cần được trao quyền và bố trí nguồn lực tương xứng”, đồng chí Trần Quang Tòa nhấn mạnh.
Việc phân cấp, phân quyền cho cấp xã trong giai đoạn mới giúp tăng tính chủ động trong quản lý. Chính quyền xã được quyết định nhiều vấn đề tại chỗ, phù hợp thực tế địa phương. Việc được trao quyền tự chủ tạo cơ hội để các xã, phường, đặc khu khai thác thế mạnh, thu hút đầu tư, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Đồng chí Phạm Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Ba Điền (Ba Tơ), người dự kiến được chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ba Vinh cho biết, để quá trình chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ và phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của xã sau sáp nhập, Đảng ủy xã Ba Vinh đã chủ động xây dựng một số nhóm giải pháp then chốt. Trong đó, tập trung quy hoạch và phát triển không gian hợp lý; tối ưu hóa quỹ đất, hạ tầng sẵn có và xây dựng các trục kết nối hiệu quả, tạo sự liên kết giữa miền núi và đồng bằng. Đặc biệt là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức...
Niềm tin vào sự khởi đầu
Từ thực tiễn địa phương, ông Nguyễn Xuân Vinh, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) bày tỏ, tôi và nhiều người dân rất kỳ vọng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giúp giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn. Trước đây, nhiều việc nhỏ cũng phải lên huyện, thành phố, nay có thể giải quyết ngay tại xã, phường. Điều đó rất thuận tiện cho nhân dân.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Bình (48 tuổi), ở xã Ba Điền (Ba Tơ) tin tưởng và mong muốn, chính quyền tiếp tục quan tâm đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và đầu tư cho giáo dục. Trường lớp cần được đầu tư khang trang hơn để con em địa phương có môi trường học tập tốt hơn.
Việc đưa mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vào vận hành là một bước ngoặt lịch sử, thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy quản lý và điều hành của Đảng và Nhà nước. Trong đó, cấp huyện khép lại hành trình đầy tự hào với những dấu ấn đậm nét, còn cấp xã trở thành mắt xích then chốt trong bộ máy hành chính hiện đại, gần dân, sát dân và phục vụ dân tốt hơn.
TR.PHƯƠNG - X.HIẾU