Sứ mệnh vì sự thịnh vượng của dân tộc

Sứ mệnh vì sự thịnh vượng của dân tộc
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: Nghị quyết 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, minh bạch và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới.
Có thể khẳng định, thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Hiến pháp, các bộ luật về dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính, hình sự, tố tụng và hơn 300 luật khác đã tạo khung pháp lý tương đối đồng bộ, công khai, điều chỉnh hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn bộc lộ hạn chế. Tư duy quản lý thiên về kiểm soát thay vì khuyến khích sáng tạo, các quy định chồng chéo, thiếu rõ ràng, thủ tục hành chính rườm rà và thực thi pháp luật yếu đã cản trở đổi mới, làm tăng chi phí tuân thủ và chậm tiến trình phát triển.
Để khắc phục các “điểm nghẽn” nêu trên, cần đổi mới toàn diện tư duy xây dựng pháp luật theo hướng pháp luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn là đòn bẩy thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ quyền lợi người dân và doanh nghiệp. Tư duy “không quản được thì cấm” phải được loại bỏ triệt để, thay bằng cách tiếp cận lấy lợi ích quốc gia làm trọng tâm, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Pháp luật cần đơn giản, khả thi, ổn định, phù hợp thực tiễn, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu tài sản. Sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là vai trò động lực của kinh tế tư nhân, cần được đảm bảo qua quy định rõ ràng, thông thoáng.
Nghị quyết 66 đã vạch lộ trình cụ thể: Năm 2025: tháo gỡ cơ bản điểm nghẽn pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh; năm 2028: đưa môi trường đầu tư Việt Nam vào nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN; năm 2045: xây dựng hệ thống pháp luật chất lượng cao, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, được thực thi nghiêm minh, nhất quán. Trong đó, phân cấp, phân quyền linh hoạt là yếu tố then chốt. Các vấn đề nguyên tắc thuộc thẩm quyền Quốc hội quy định trong luật khung, trong khi các vấn đề biến động thường xuyên cần giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương để đảm bảo tính phù hợp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý, xây dựng môi trường pháp lý minh bạch sẽ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và cải thiện môi trường đầu tư. Pháp luật cũng cần tạo động lực cho khoa học, công nghệ và chuyển đổi số - những trụ cột của kỷ nguyên mới...
Bên cạnh đó, công tác thi hành pháp luật cần tạo bước ngoặt, theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức phải phát huy tinh thần phục vụ, tư duy kiến tạo, hành động vì lợi ích chung; các cơ quan cần tăng cường đối thoại, lắng nghe phản ánh từ người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc kịp thời...
Hoàn thiện pháp luật không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà là sứ mệnh vì sự thịnh vượng dân tộc. Một hệ thống pháp luật hiện đại, minh bạch, công bằng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam vươn lên, tận dụng tối đa tiềm năng và cơ hội. Với quyết tâm và tầm nhìn chiến lược, Việt Nam sẽ biến khát vọng phát triển thành hiện thực, tiến xa trên hành trình hội nhập và thịnh vượng.
Thái Bình
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/su-menh-vi-su-thinh-vuong-cua-dan-toc-post489867.html