Các tài phiệt ở Phố Wall khá thành thạo trong việc phân tích thị trường hàng hóa tương lai trên phương diện lý thuyết, họ có thể dự đoán chính xác mức độ gây sốc của việc mở bán 400 tấn vàng vào ngày 12 tháng 4, nhưng lại không thể đánh giá tác động của việc giá vàng lao dốc đối với người mua vàng vật chất.
Giữa lúc các đại gia Phố Wall đang đánh cho những nhà đầu cơ giá lên trên thị trường vàng không còn mảnh giáp thì các “bà cô Trung Quốc” và những người mua vàng vật chất từ khắp nơi trên thế giới bất ngờ tràn ra đánh úp, khiến cho các đại gia ở Phố Wall không kịp trở tay. Số vàng vật chất vừa cướp được chưa kịp thu về đã bị các “bà cô” lao tới càn quét sạch sẽ. Đây là điều mà các ông trùm Phố Wall không thể ngờ tới; hiện tượng này hoàn toàn trái với quy luật kể từ năm 2000 rằng xu hướng mua bán vàng vật chất sẽ bị dập tắt một cách hiệu quả sau mỗi đợt giá vàng lao dốc.
Không chỉ các nhà đầu tư bình thường trên thế giới mua vàng với giá thấp, mà ngay cả các Ngân hàng Trung ương cũng đang âm thầm điều chỉnh và gia tăng lượng vàng dự trữ. Trong quý 4 năm 2012, hoạt động mua vàng của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong 48 năm.
Dự trữ vàng không chỉ là mối quan tâm của mỗi người dân. Ảnh: HSBC HK.
Sau quý đầu tiên của năm 2013 và đợt sụt giảm của sự kiện “ngày 12 tháng 4”, họ tiếp tục tăng đáng kể lượng vàng nắm giữ. Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương của các nước mới nổi đã đẩy nhanh tốc độ mua vào lượng vàng dự trữ với mức giá thấp mà họ đã lãng quên trong suốt một thời gian dài. Ngân hàng Trung ương của các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus, Kyrgyzstan, Mông Cổ và Ukraine đã thể hiện mức độ quan tâm chưa từng có đối với dự trữ vàng.
Doanh số bán vàng vật chất khổng lồ khiến giới tài phiệt ở Phố Wall hết sức kinh ngạc, ngay cả Terrence Duffy (CEO của CME), người được mệnh danh là “ông chủ của thị trường vàng tương lai”, cũng phải thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn ngày 29 tháng 4 năm 2013 rằng: “Một hiện tượng thú vị liên quan tới vàng là sự sụt giảm của thị trường vàng cách đây hai tuần đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong khối lượng giao dịch của các sản phẩm vàng (giấy). Tuy nhiên, tiền vàng và vàng vật chất lại ở tình cảnh trái ngược với nhau. Điều này cho thấy mọi người không muốn cầm chứng chỉ vàng trong tay hay bất cứ thứ gì khác (vàng giấy), họ chỉ muốn vàng vật chất.
Như vậy mặc dù các ông lớn ở Phố Wall đã kiếm bộn tiền từ việc bán khống hợp đồng vàng tương lai, nhưng mục đích chiến lược quan trọng nhất của họ là lấp đầy lại kho vàng COMEX xem ra đã hoàn toàn phá sản. Không chỉ vậy, kho vàng của COMEX đang cạn kiệt nhanh hơn so với trước sự kiện “ngày 12 tháng 4”. Riêng trong ngày 25 tháng 4, tổng lượng hàng tồn kho của COMEX đã giảm 7%, trong khi lượng tồn kho “vàng đủ tiêu chuẩn” của JPMorgan Chase giảm mạnh 65% cũng vào ngày hôm đó!
Tính đến ngày 7 tháng 5, lượng “vàng giao hàng” tồn kho của JPMorgan đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 137.000 ounce (khoảng 4,3 tấn). Riêng trong ngày 7 tháng 5, 54.000 ounce đã được rút ra, chiếm tổng cộng 28,5%!
Đến ngày 10 tháng 6, kho vàng của JPMorgan rơi vào tình thế nguy ngập. Tổng lượng “vàng giao hàng” tiếp tục giảm xuống 136.000 ounce, “vàng đủ tiêu chuẩn” thậm chí còn giảm nhanh hơn. Tổng lượng vàng tồn kho của họ còn chưa đến 550.000 ounce (17,7 tấn).
Họ chỉ còn lại hơn 4 tấn “vàng giao hàng” tồn kho, tình thế cực kỳ nguy khốn. Ngay cả khi tạm thời quy đổi “vàng đủ tiêu chuẩn”, dùng lượng vàng tồn kho vỏn vẹn 17 tấn để đối đầu với tình trạng đột biến rút vàng vật chất trên thế giới cũng chẳng khác gì đem muối bỏ bể.
Lúc này hẳn điều đáng sợ hơn cả chính là nhận được “giấy yêu cầu giao hàng” với quy mô lớn hơn!
Kết quả là sợ điều gì thì điều đó sẽ tới!
Ngày 10 tháng 6, COMEX bàng hoàng khi nhận được một “giấy yêu cầu giao hàng” khổng lồ, khách hàng đã yêu cầu JPMorgan giao 6.208 hợp đồng vàng vật chất trong tháng 6, với tổng số lượng là 620.000 ounce (khoảng 20 tấn), tức gấp chín lần khối lượng giao hàng của tháng bình thường (tháng 1 và tháng 2)!
Số lượng này nhiều hơn toàn bộ vàng tồn kho của JPMorgan là 550.000 ounce!
Nói một cách đơn giản, JPMorgan phải khẩn cấp tìm vàng từ các nguồn khác; nếu không, họ sẽ vỡ nợ. Và nếu đơn vị đứng đầu thị trường vàng tương lai của thế giới rơi vào tình trạng vỡ nợ, mọi thứ sẽ tan thành mây khói.
Hàng tồn kho của JPMorgan không đủ để đáp ứng yêu cầu giao hàng kỳ hạn tháng 6, điều đó có nghĩa là báo cáo tồn kho của năm nhà buôn vàng lớn nhất như JPMorgan Chase có thể đã bị phóng đại nghiêm trọng. Trên thực tế, một số khách hàng từ lâu đã nghi ngờ năm nhà buôn vàng lớn này giở trò gian dối đối với vàng tồn kho, ví dụ như chiếm đoạt vàng của khách hàng, tự ý cho thuê và hoán đổi vàng. Nghi vấn về kho vàng của Cục Dự trữ Liên bang thậm chí còn mạnh mẽ và được lan truyền rộng hơn.
Đó là lý do tại sao việc Đức tuyên bố chuyển vàng về nước vào tháng 1 năm 2013 khiến nhiều khách hàng gửi vàng trong kho của COMEX vô cùng hoảng sợ và lũ lượt rút vàng ra khỏi COMEX. Khi trong kho vẫn còn hàng thì nghi vấn chỉ là nghi vấn, nhưng nếu JPMorgan đã rơi vào tình cảnh không thể giao vàng, thì đó không còn là nghi vấn nữa mà là một hành vi gian lận rõ ràng.
Và thế là một sự việc rất “tình cờ” lại tiếp tục xảy ra.
Ngày 3 tháng 6 năm 2013, báo cáo kiểm kê vàng thường nhật của COMEX bất ngờ xuất hiện một tuyên bố gây sốc: “Thông tin trong báo cáo này được lấy từ những nguồn đáng tin cậy, nhưng chúng tôi không chịu trách nhiệm về tính chính xác và sự đầy đủ của chúng. Báo cáo này chỉ dùng để tham khảo.”
Tại sao đột nhiên lại xuất hiện một tuyên bố như vậy? Tại sao lại đúng vào lúc này? Nếu tính chính xác đối với hàng tồn kho của các nhà buôn vàng là một vấn đề, vậy thì COMEX sẽ giám sát như thế nào? Lẽ nào các tổ chức tài chính đó chưa từng nói dối? Nếu tất cả họ đều thành thật thì tại sao cơn sóng thần tài chính năm 2008 lại xảy ra?
Kho vàng đã thực sự chạm đáy, JPMorgan sắp rơi vào cảnh vỡ nợ, đây lẽ ra là tin tốt cho vàng. Tuy nhiên, giá vàng trên thị trường tương lai tháng 6 tiếp tục giảm và có xu hướng tiệm cận mức giá 1.000 đô-la. Điều này cho thấy chắc chắn JPMorgan vẫn còn các kênh khác để nhập vàng, và ETF vàng (quỹ hoán đổi danh mục) là một trong số đó.
Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXb Lao Động