Hồng y Robert Francis Prevost sinh năm 1955 tại Chicago, Mỹ. Dù sinh ra tại Chicago, nhưng trong mắt nội bộ Vatican, ông Prevost lại được xem là “ít chất Mỹ” nhất trong số các hồng y đến từ Mỹ. Ông Prevost từng theo học chuyên ngành Toán tại Đại học Villanova, bang Pennsylvania, sau đó lấy bằng thần học tại Liên hiệp Thần học Công giáo Chicago. Ông tiếp tục được Vatican cử đến Rome để nghiên cứu giáo luật và sau này giảng dạy bộ môn này tại chủng viện ở Trujillo, Peru. Ảnh: New York Post.
Robert Prevost chụp ảnh cùng cố Giáo hoàng John Paulo II. Ông là thành viên Dòng Augustine - một dòng tu hiện diện trên khắp thế giới. Vị tân giáo hoàng thông thạo tiếng Tây Ban Nha và Italy. Vào năm 1985, tương lai của Prevost bắt đầu định hình khi chuyển đến Peru và làm việc tại một số phái bộ truyền giáo. Ba năm sau vào năm 1988, ông định cư toàn thời gian tại quốc gia Mỹ Latinh này, làm mục sư và giáo viên địa phương tại Trujillo. Ảnh: Reuters.
Robert Francis Prevost đến thăm Trường Cao đẳng Villanova vào năm 2000 khi đang giữ chức Bề trên Giám tỉnh của Tỉnh dòng Trung Tây. Trong suốt 10 năm sống tại Mỹ Latin, ông đã sử dụng các kỹ năng ngôn ngữ học được từ mẹ để kết nối với các cộng đồng thiểu số, nghèo đói và bị bỏ quên trong khu vực. Ông Prevost sau đó trở về Mỹ khi được bầu làm người đứng đầu Tỉnh dòng Augustinian ở Chicago - nơi ông đã được chọn làm người đứng đầu hai lần. Trong suốt thời gian ở quê nhà, ông vẫn liên tục trở về Peru để tiếp tục công việc của mình tại đó. Ảnh: Trường Cao đẳng Villanova.
Linh mục Robert Prevost, khi đó là bề trên tổng quyền của Dòng Thánh Augustine, đã đến thăm Philippines vào ngày 31/1/2004 để làm phép tu viện của các tu sĩ Augustine thuộc Giáo xứ Santo Ninõ de Cebu ở Mohon, Talisay, Cebu. Sau đó, từ năm 2014 đến 2023, ông được bổ nhiệm làm giám mục thành phố Chiclayo - vùng đất nghèo nhất Peru. Theo Cơ quan Quản lý Di trú Quốc gia Peru, ông chính thức trở thành công dân Peru vào tháng 8/2015. Ảnh: Dòng Thánh Augustine.
Robert Prevost và cố Giáo hoàng Benedict XVI. Ông Prevost từng khẳng định quãng thời gian sống và phục vụ tại Peru là trải nghiệm ảnh hưởng sâu sắc nhất đến con người và sứ mạng của mình. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã được trao nhiều vai trò lãnh đạo. Ông được đánh giá là người điềm tĩnh, cân bằng, có chính kiến rõ ràng nhưng không áp đặt, mà luôn thuyết phục một cách mềm mỏng. Ảnh: Reuters.
Giáo hoàng Francis từng giao cho Hồng y Prevost chức vụ Tổng trưởng Thánh bộ Giám mục - cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá và đề xuất bổ nhiệm các giám mục trên toàn thế giới vào năm 2023. Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh - một vai trò chiến lược trong mối quan hệ giữa Vatican và khu vực này. Ảnh: Vatican Media.
Theo CNN, cố Giáo hoàng Francis “đánh giá cao” Prevost, coi ông là một nhà lãnh đạo có năng lực. Tân Giáo hoàng cũng được cho là có nhiều điểm tương đồng với người tiền nhiệm Francis trong định hướng cải cách Giáo hội, thúc đẩy một mô hình Giáo hội toàn cầu bao trùm và gần gũi hơn. Ông cũng ủng hộ quan điểm của Francis về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và làm cho nhà thờ trở nên toàn diện hơn. Tuy nhiên, ông cũng được kỳ vọng sẽ có cách tiếp cận độc lập, cân bằng giữa tính cấp tiến trong các vấn đề xã hội như di cư, nghèo đói và sự ôn hòa trong các vấn đề luân lý thuộc tín lý Công giáo. Ảnh: Vatican Media.
Đức Giáo hoàng Francis chào đón Đức Hồng y Mỹ Robert Francis Prevost trong Thánh lễ kỷ niệm Ngày của Lực lượng vũ trang, Cảnh sát và Nhân viên an ninh tại Quảng trường Thánh Peter vào ngày 9/2/2025 tại Vatican. Vào đầu năm 2025, một trong những hành động cuối cùng của Giáo hoàng Francis trước khi qua đời vào tháng 4 là trao cho Robert Prevost tước vị cao nhất trong Hồng y đoàn - âm thầm đưa hồng y người Mỹ trở thành ứng cử viên sáng giá không chính thức cho ngôi vị giáo hoàng kế nhiệm. Ảnh: Vatican Media.
Hồng y Robert Prevost - nay là Giáo hoàng Leo XIV - tham dự một sự kiện tại Giáo xứ St. Jude ở New Lenox, bang Illinois, Mỹ vào năm 2024. Ông Prevost đặc biệt ủng hộ người di cư. Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình và đặc biệt dành nhiều năm chỉ trích lập trường của Tổng thống Trump về vấn đề nhập cư bất hợp pháp, đăng lại các bài viết và dòng tweet trên X mô tả các chính sách của tổng thống là đối lập với giáo lý của nhà thờ và Giấc mơ Mỹ. Ảnh: Reuters.
Vào tháng 2, ông một lần nữa chỉ trích chính sách nhập cư của chính quyền Trump, nhắm vào lập luận của Phó tổng thống JD Vance rằng mọi người nên yêu thương những người thân thiết với mình hơn là người lạ. Giáo hoàng Leo đã chia sẻ một bài viết tuyên bố rằng: “JD Vance đã sai: Chúa Jesus không yêu cầu chúng ta xếp hạng tình yêu của mình dành cho người khác”. Ảnh: Reuters.
Phương Linh