Sự nghiệp xây dựng CNXH ở Trung Quốc và Việt Nam đang trong giai đoạn then chốt

Sự nghiệp xây dựng CNXH ở Trung Quốc và Việt Nam đang trong giai đoạn then chốt
một ngày trướcBài gốc
Trả lời phỏng vấn bằng văn bản các cơ quan báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Trung Quốc Sử Trung Tuấn nhấn mạnh, trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo cao nhất hai nước đã duy trì trao đổi thường xuyên.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình là chuyến thăm quan trọng tiếp theo sau chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam vào tháng 12/2023 của ông và chuyến thăm thành công tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 8/2024. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc sau Hội nghị công tác láng giềng Trung ương vừa kết thúc vào tuần trước.
Ông khẳng định, điều này “một lần nữa thể hiện sự coi trọng cao độ của Trung Quốc trong việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam, cũng như một lần nữa diễn giải tình hữu nghị truyền thống quý báu ‘Mối tình thắm thiết Việt – Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em’.”
Ông Sử Trung Tuấn phát biểu tại Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2025. (Ảnh: Trung tâm ASEAN - Trung Quốc)
Theo ông Sử Trung Tuấn, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang trong giai đoạn then chốt. Dưới sự hoạch định chiến lược và đích thân thúc đẩy của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn với nhiều điểm sáng, điều phối và phối hợp đa phương chặt chẽ, không chỉ mang lại lợi ích cho hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, mà còn tăng thêm sự ổn định và chắc chắn cho một thế giới đầy biến động và bất ổn.
Ông Sử Trung Tuấn tin tưởng rằng, thông qua chuyến thăm này, “các nhà lãnh đạo cao nhất hai nước sẽ đưa ra những thiết kế thượng tầng mới cho sự phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn dài hạn, củng cố tình hữu nghị truyền thống Trung Quốc - Việt Nam, tăng cường tin cậy chiến lược, bám sát các lĩnh vực và phương hướng trọng điểm để xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, đưa quan hệ hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới, cùng nhau thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng của khu vực và sự phát triển hòa bình, tiến bộ của nhân loại.”
Về hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, ông Sử Trung Tuấn cho rằng, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam không ngừng đạt tới tầm cao mới. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ năm 2004 và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN từ năm 2016. Kim ngạch thương mại song phương đã vượt 200 tỷ USD trong 4 năm liên tiếp.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất, chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập được kênh xuất khẩu chính thức cho 14 mặt hàng nông sản chủ lực sang thị trường Trung Quốc, bao gồm sầu riêng, yến sào, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch, măng cụt, vải thiều, chanh dây. Những sản phẩm này chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản Trung Quốc nhập khẩu từ ASEAN. Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng rộng rãi.
Việt Nam cũng là điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc. Năm 2024, đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc vào Việt Nam vượt 2,5 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh.
Theo ông, Trung Quốc và Việt Nam đều có lợi thế riêng về phát triển kinh tế, có tính bổ sung mạnh mẽ và tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại to lớn. Cùng với việc xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN phiên bản 3.0, cũng như nâng cao chất lượng và nâng cấp Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tiếp Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Trung Quốc Sử Trung Tuấn (trái) trong chuyến thăm Việt Nam của ông hồi đầu năm 2024. (Ảnh: Báo Quốc tế)
Hướng tới tương lai, ông cho rằng, hai nước cần tăng cường hơn nữa việc kết nối chiến lược phát triển, thúc đẩy cùng có lợi và cùng thắng, tiếp tục mở rộng thương mại và đầu tư hai chiều, tích cực nghiên cứu thảo luận việc xây dựng thí điểm các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, cùng nhau xây dựng chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng an toàn, ổn định, nâng cao hơn nữa mức độ tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
Theo ông, hai bên cần tiếp tục kết nối Sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai”, tăng cường phối hợp chính sách, đổi mới mô hình hợp tác. Trong khi đẩy nhanh “kết nối cứng” về đường sắt, đường bộ và cơ sở hạ tầng cửa khẩu hai nước, cần nâng cao “kết nối mềm” như hải quan thông minh, thúc đẩy phát triển tích hợp thương mại điện tử xuyên biên giới và các ngành công nghiệp truyền thống trong nước, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, đại lý du lịch trực tuyến, thành phố thông minh và trí tuệ nhân tạo (AI), khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác của nền kinh tế số.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng, Việt Nam đã xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh ở cấp quốc gia. Cùng với việc bổ sung các quy định liên quan và hạng mục hợp tác trong lĩnh vực kinh tế xanh vào Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN phiên bản 3.0, không gian và triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực điện sạch, xe năng lượng mới, xử lý môi trường, chuyển đổi xanh, tài chính xanh... cũng rất rộng mở.
Về giao lưu nhân dân, theo ông Sử Trung Tuấn, hai bên cần nắm bắt cơ hội Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc-Việt Nam và Năm giao lưu văn hóa Trung Quốc - ASEAN 2025, không ngừng củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tích cực nghiên cứu thảo luận việc làm sâu sắc hơn hợp tác về giáo dục, mở rộng quy mô trao đổi lưu học sinh, thúc đẩy hợp tác trong tích hợp công nghiệp và giáo dục, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và lĩnh vực giáo dục số trong giáo dục nghề nghiệp; tăng cường tương tác văn hóa, nâng cao hiểu biết văn hóa thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật chung, triển lãm di sản văn hóa phi vật thể, phát sóng các tác phẩm điện ảnh và truyền hình của nhau; mở rộng hợp tác du lịch, khuyến khích nhiều du khách Trung Quốc đến Việt Nam hơn và hỗ trợ tăng chuyến bay giữa hai nước. Tối ưu hóa các tuyến du lịch xuyên biên giới, quảng bá sản phẩm du lịch đặc sắc của nhau, thu hút luồng khách du lịch hai chiều; thắt chặt giao lưu thanh niên, nâng cao hiểu biết và tình hữu nghị của thế hệ trẻ thông qua các hoạt động giao lưu và đối thoại thanh niên, thúc đẩy việc trao truyền tình hữu nghị truyền thống Trung Quốc - Việt Nam.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/su-nghiep-xay-dung-cnxh-o-trung-quoc-va-viet-nam-dang-trong-giai-doan-then-chot-post1191691.vov