Những người di cư chờ đợi trên sân ga tại ga xe lửa Jammu Tawi ở Jammu, Kashmir do Ấn Độ quản lý vào ngày 10/5, trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan sau vụ tấn công khách du lịch ở Kashmir. Ảnh: AFP.
Nỗi lo về một cuộc chiến toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan đã tạm lắng xuống sau lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian. Tuy nhiên, những vết thương từ hàng thập kỷ xung đột vẫn chưa thể lành.
Ấn Độ và Pakistan đã tạm ngưng đối đầu mới nhất trong chuỗi xung đột kéo dài nhiều thập kỷ bằng một lệnh ngừng bắn được công bố vào ngày 10/5. Nhưng căng thẳng và những tổn thương do nhiều năm chiến sự giữa hai nước láng giềng để lại vẫn còn hiện hữu.
Bạo lực đã nhiều lần bùng phát trong khu vực kể từ cuộc chia cắt năm 1947 khiến hàng triệu người phải di dời và ít nhất hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Mối quan hệ vốn đã căng thẳng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi cả hai quốc gia phát triển năng lực hạt nhân, làm dấy lên lo ngại toàn cầu về khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện.
Dưới đây là cái nhìn tổng quan về lịch sử xung đột giữa hai quốc gia.
Chia cắt và đổ máu
Tháng 8/1947, Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ sau một thế kỷ cai trị trực tiếp, sau đó là một thế kỷ dưới sự kiểm soát của Công ty Đông Ấn thuộc Anh. Để làm điều đó, chính quyền Anh đã chia tiểu lục địa thành hai quốc gia: Ấn Độ với đa số dân theo đạo Hindu và Pakistan với đa số dân theo đạo Hồi.
Sự chia cắt như vậy đã dẫn đến một trong những cuộc khủng hoảng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại. Ước tính có khoảng 14 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa trong mùa Hè và mùa Thu năm 1947, và số người thiệt mạng trong những tháng đó được ước tính từ 200.000 đến 2 triệu người.
Người Hindu và Sikh rời bỏ Pakistan trong khi người Hồi giáo ở Ấn Độ chạy trốn theo hướng ngược lại, trong đó nhiều nhân chứng mô tả rằng một “cơn điên loạn” đã bùng lên. Đám đông đốt phá nhà cửa, thảm sát hàng xóm, thiêu sống người dân. Nhiều phụ nữ tự chọn cách chết đuối để tránh bị cưỡng hiếp và tra tấn, đôi khi chính người thân của họ là người kết liễu họ để “giữ danh dự”.
Những chuyến tàu chở người tị nạn giữa hai quốc gia mới được gọi là “tàu máu”, bởi nhiều đoàn tàu đến ga với máu chảy ra từ các cánh cửa toa tàu – bên trong là thi thể của hành khách bị giết hại dọc đường.
“Tôi thấy thi thể một người đàn ông bị ném khỏi tàu”, Sarjit Singh Chowdhary – một binh sĩ Sikh giúp người tị nạn Hồi giáo đến nơi an toàn ở Pakistan – kể lại. “Có lần, trên đường từ Delhi đến Jalandhar, chúng tôi dừng lại ở kênh Doraha và thấy nước đã nhuộm đỏ vì máu”.
Người dân Ấn Độ chen chúc trên tàu hỏa trong thời kỳ Ấn Độ phân chia thành một quốc gia chủ yếu theo đạo Hindu (Ấn Độ) và một quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi (Pakistan) trong một trong những cuộc di cư dân số lớn nhất trong lịch sử, năm 1947. Ảnh: Britanica.
Tranh chấp Kashmir
Khi chia cắt tiểu lục địa, chính quyền Anh quyết định để một vùng tự trị có tên Jammu và Kashmir được quyền chọn lựa gia nhập một trong hai quốc gia. Khu vực rộng gần 86.000 dặm vuông này nằm ở biên giới phía bắc giữa Ấn Độ và Pakistan, có đa số dân theo đạo Hồi.
Cuộc chiến giành kiểm soát khu vực này bắt đầu gần như ngay lập tức. Vị quân chủ theo đạo Hindu của bang – Maharaja Hari Singh – ban đầu cố gắng giữ độc lập cho khu vực. Nhưng một cuộc nổi dậy ở vùng Jammu đã đe dọa đến quyền lực của ông, và quân đội của Singh đã thảm sát hàng nghìn người Hồi giáo tại đây, theo lời của giáo sư Hafsa Kanjwal – chuyên gia sử học Nam Á tại Đại học Lafayette, Pennsylvania.
Điều này dẫn đến việc các bộ tộc ở vùng Tây Bắc Pakistan đe dọa xâm chiếm Kashmir. Hari Singh đồng ý gia nhập Ấn Độ để đổi lấy sự hỗ trợ quân sự.
Cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan lần thứ nhất kết thúc năm 1949 sau khi Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian và thiết lập một lệnh ngừng bắn, chia đôi khu vực. Cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hợp Quốc đề xuất – để người dân Kashmir quyết định muốn gia nhập Ấn Độ hay Pakistan – chưa bao giờ được tổ chức.
Căng thẳng vẫn tiếp diễn, dần dẫn đến bạo lực và sự xói mòn quyền tự trị của bang Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, theo ông Kanjwal. Dù đã có nhiều đề xuất giải quyết tranh chấp, xung đột vẫn bùng lên trong nhiều thập kỷ, đặc biệt tăng cao vào thập niên 1970 khi cả hai quốc gia bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân.
Cuối thập niên 1980, sau khi một số lãnh đạo đối lập Kashmir cáo buộc Ấn Độ gian lận bầu cử, một cuộc nổi dậy lớn đã nổ ra ở bang Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Các nhóm phiến quân vũ trang người Kashmir được huấn luyện và hỗ trợ bởi Pakistan, trong khi hàng trăm nghìn người dân xuống đường biểu tình.
Hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng trong xung đột, khi các tay súng vũ trang theo đuổi độc lập hoặc quyền tự trị rộng lớn hơn thường nhắm vào cả người dân lẫn lực lượng an ninh Ấn Độ. Chính quyền Ấn Độ đã đáp trả bằng những cuộc trấn áp mạnh tay, trong đó có việc thu hồi quy chế tự trị đặc biệt của khu vực vào năm 2019. Kể từ đó, những người Kashmir bị coi là có quan hệ với phong trào ly khai đều bị sa thải, bắt giam hoặc đe dọa giữ im lặng, theo The Washington Post. Hàng nghìn chính trị gia, luật sư và nhà hoạt động đã bị bắt giữ qua các năm.
Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng lãnh thổ này, nhưng một đường biên giới quân sự không chính thức được thiết lập từ năm 1972 – gọi là "Đường kiểm soát" (Line of Control) – chia đôi khu vực, mỗi nước quản lý một phần. Ấn Độ hiện kiểm soát phần lớn lãnh thổ Jammu và Kashmir ở phía nam và đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ đến đây, khiến khu vực trở thành một trong những vùng bị quân sự hóa cao nhất thế giới, theo đánh giá của nhiều tổ chức nhân quyền.
Trong khi đó, Pakistan kiểm soát khu vực gọi là Azad Kashmir và Gilgit-Baltistan. Trung Quốc cũng chiếm một phần nhỏ phía đông gọi là Aksai Chin – nơi mà Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền.
Mọi người tham dự buổi cầu nguyện thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân, sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Ấn Độ vào Nhà thờ Hồi giáo Bilal ở Muzaffarabad, thủ phủ của Kashmir do Pakistan quản lý, ngày 9/5. Ảnh: EPA.
Căng thẳng mới leo thang
Làn sóng căng thẳng mới nhất bắt đầu sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào du khách gần thị trấn Pahalgam, trong khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, hôm 22/4. Các tay súng mang súng trường đã giết chết 25 người Ấn Độ và một công dân Nepal, đồng thời làm hơn một chục người khác bị thương. Đây là vụ tấn công chết chóc nhất nhắm vào dân thường kể từ vụ tấn công ở Mumbai năm 2008 do nhóm phiến quân Lashkar-e-Taiba có trụ sở tại Pakistan gây ra, khiến 166 người thiệt mạng.
Vào thứ Tư trong tuần, quân đội Ấn Độ tuyên bố đã tiến hành các đợt không kích nhằm vào Pakistan để trả đũa vụ tấn công. Islamabad sau đó tuyên bố đã bắn hạ tới 5 chiến đấu cơ của Ấn Độ. Các cuộc đụng độ ăn miếng trả miếng tiếp diễn trong những ngày sau đó, với nhiều cuộc tấn công xuyên biên giới tại các điểm dọc "Đường kiểm soát", cũng như các vụ không kích bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự ở cả hai nước. Đây là lần đầu tiên hai quốc gia láng giềng bước vào xung đột trực tiếp sau 6 năm.
Là những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cả Pakistan và Ấn Độ đều có khoảng 170 đầu đạn hạt nhân. Bất kỳ sự leo thang nào trong tranh chấp Kashmir đều là nguyên nhân gây báo động toàn cầu.
Xung đột càng thêm phức tạp khi thông tin sai lệch và kiểm duyệt lan rộng. Một số tài khoản cực hữu ở Ấn Độ đã kêu gọi người dân tham gia vào “cuộc chiến thông tin”, trong khi các tài khoản mạng xã hội ở cả Ấn Độ và Pakistan đều lan truyền các hình ảnh không liên quan đến xung đột hiện tại, cố tình sử dụng chúng làm “bằng chứng” cho ưu thế của bên mình.
Vào thứ Năm trong tuần, Bộ Thông tin và Phát thanh Ấn Độ đã ban hành khuyến cáo yêu cầu các nền tảng phát trực tuyến gỡ bỏ phim và ca khúc từ Pakistan. Cùng ngày, nhóm Chính sách Chính phủ Toàn cầu của mạng xã hội X cho biết họ đã nhận được lệnh từ chính phủ Ấn Độ yêu cầu chặn hơn 8.000 tài khoản trong nước.
Theo Washington Post
Huyền Chi