Sự ra đời và hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé

Sự ra đời và hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé
2 ngày trướcBài gốc
Bài 1:
ÐÂY LÀ ÐÀI PHÁT THANH SÔNG BÉ
BPO - Sau khi Báo Sông Bé thành lập gần một năm, để tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân trong toàn tỉnh. Đài Phát thanh Sông Bé cũng được thành lập. Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025), Báo Bình Phước lược trích một số thông tin về sự ra đời và hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé từ cuốn “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Bình Dương” (1930-2017), của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương do ông Huỳnh Ngọc Đáng làm chủ biên, như một sự tri ân đối với các thế hệ nhà báo Sông Bé - Bình Dương - Bình Phước trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam.
Vượt khó đưa làn sóng phát thanh phục vụ tuyên truyền
Trước khi đài đi vào hoạt động, từ năm 1975 đến tháng 10-1977, trên địa bàn tỉnh Sông Bé, làn sóng truyền thanh phục vụ công tác tuyên truyền do Đài Truyền thanh thị xã Thủ Dầu Một đảm nhận. Đài Truyền thanh thị xã giai đoạn này trực thuộc Ty Văn hóa - Thông tin, có khoảng 10 cán bộ, nhân viên. Trong đó, phóng viên, biên tập viên có 3-4 người, phát thanh viên 3 người, số còn lại là cán bộ kỹ thuật. Số lượng cán bộ biên tập, kỹ thuật của đài phần lớn được tăng cường từ phía Bắc vào, có kinh nghiệm, vững nghiệp vụ. Lực lượng này hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của Đài Truyền thanh thị xã Thủ Dầu Một trong giai đoạn Đài Phát thanh Sông Bé chưa ra đời.
Đầu năm 1977, trên tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Phát thanh quốc gia về xây dựng hệ thống phát thanh trong toàn quốc theo 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã), UBND tỉnh Sông Bé đã chỉ đạo thành lập Đài Phát thanh tỉnh Sông Bé.
Một buổi họp mặt cơ quan tại hội trường Đài Sông Bé những năm 1980 - Ảnh tư liệu
Để buổi phát sóng đầu tiên thành công, lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của đài phải tất bật chuẩn bị về mọi mặt. Giai đoạn này, đài nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Ủy ban Phát thanh quốc gia về cán bộ, trang thiết bị, xây dựng các phòng bá âm, phát xạ, hỗ trợ phát sóng, đào tạo tại chỗ, hoặc cử đi học về kỹ thuật, biên tập, bá âm, phát xạ.
Ngày 2-10-1977, từ thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (nay là thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), khúc nhạc hiệu “Mỗi bước ta đi…” của nhạc sĩ Thuận Yến vang lên cùng lời xướng “Đây là Đài Phát thanh Sông Bé, phát thanh từ thị xã Thủ Dầu Một, trên làn sóng…” của phát thanh viên Lê Thị Yểm chính thức báo hiệu chương trình phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Sông Bé, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của ngành phát thanh - truyền hình Sông Bé - Bình Dương.
Trong thời gian đầu thành lập, nhân sự của đài có 15 người, đến đầu thập niên 1980, tăng lên khoảng 30-40 người.
Trang thiết bị kỹ thuật của đài ban đầu rất thiếu thốn. Ban kỹ thuật tận dụng 1 máy phát thanh 1kW do Trung Quốc sản xuất có từ thời kháng chiến chống Mỹ do Ủy ban Phát thanh quốc gia hỗ trợ, 1 máy ghi âm cũ và xây dựng cột ăng-ten cao 50m, chằng néo bằng dây thép.
Những năm 1979-1980, Đài Phát thanh Sông Bé tiếp nhận 1 máy phát sóng 10kW do Đài Tiếng nói Việt Nam hỗ trợ. Với việc tiếp nhận thêm máy phát sóng 10kW, phát băng sóng trung, đồng thời xây dựng cột ăng-ten cao 60m đặt ở đài, 1 ăng-ten đặt ở núi Bà Rá (hiện nay thuộc thị xã Phước Long) đã mở rộng diện phủ sóng của làn sóng phát thanh, phục vụ tốt nhu cầu nghe đài. Đó cũng chính là tiền đề để Đài Phát thanh Sông Bé xây dựng thêm nhiều chương trình với nội dung sinh động, hấp dẫn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của mọi đối tượng thính giả.
Đến những chương trình hay và hấp dẫn
Khi mới thành lập, trụ sở làm việc của đài là những phòng cũ của trại gia binh chế độ cũ gần vòng xoay Gò Đậu. Dù thô sơ, thiếu thốn từ trang thiết bị kỹ thuật đến nhân lực nhưng đài đã có thời lượng phát sóng từ 2-3 giờ mỗi ngày với nhiều chương trình.
Từ ngày đầu thành lập đến những năm 1979-1980 đài tập trung sản xuất chương trình thời sự trong tỉnh, thời lượng 30 phút, mỗi ngày phát 3 buổi vào sáng - trưa - tối, phản ánh mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Bên cạnh chương trình thời sự trong tỉnh, đài còn tiếp sóng các chương trình thời sự hằng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Những năm đầu thập niên 80, để xây dựng chương trình phát thanh văn nghệ “Khắp nơi ca hát”, Đài Phát thanh Sông Bé tuyển thêm 2 nhạc sĩ là Trung Hiếu và Thăng Long. 2 nhạc sĩ này thường xuyên tiếp cận, tổ chức các chương trình văn nghệ tại các trường học, nông - lâm trường trên địa bàn tỉnh để thu âm sau đó mang về phát sóng.
Chương trình phát thanh “Khắp nơi ca hát” có thời lượng khoảng 15-20 phút. Mỗi tháng chỉ xây dựng được 1 chương trình để phát sóng. Để có được 1 chương trình, đội ngũ những người thực hiện phải làm việc cật lực, công phu từ dàn dựng đến thu âm trong điều kiện trang thiết bị kỹ thuật thô sơ, lạc hậu. Chương trình ra đời đem đến một món ăn tinh thần rất bổ ích cho bạn nghe đài trong điều kiện đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong tỉnh còn nhiều thiếu thốn.
Tiếp tục đà phát triển, để phục vụ tốt hơn nhu cầu bạn nghe đài, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp - một trong những chủ trương lớn của cả nước mà tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ đang triển khai mạnh mẽ, Đài Phát thanh Sông Bé cho ra đời chương trình phát thanh nông thôn. Chương trình xoay quanh các vấn đề, câu chuyện liên quan đến nông nghiệp - nông thôn ở Sông Bé, phong trào sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để có được những chương trình phát thanh sinh động, hấp dẫn cuốn hút thính giả, trong đó chủ yếu là nông dân trong toàn tỉnh, đội ngũ những người thực hiện chương trình đã bám sát địa bàn các hợp tác xã, sống với nhịp sống nông thôn, ghi nhận đầy đủ, chân thực từng câu chuyện, từng vấn đề để chuyển tải qua làn sóng phát thanh. Chương trình phát thanh nông thôn có thời lượng 15 phút, phát vào buổi sáng, mỗi tuần một chương trình, hằng ngày có thể phát lại để phục vụ bạn nghe đài.
Ông Nguyễn Đức Trường, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, nguyên Trưởng ban Biên tập Đài Phát thanh Sông Bé đã nhận định: Chuyên mục phát thanh nông thôn thực sự cuốn hút bạn nghe đài bằng những câu chuyện xoay quanh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh, kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần lao động, sản xuất của bà con nông dân, xen lẫn là các câu chuyện đời thường mang lại tiếng cười sảng khoái cho bạn nghe đài cũng chính là những xã viên hợp tác xã – đối tượng mà chương trình phản ánh.
Chương trình phát thanh nông thôn của đài thực sự đã góp phần không nhỏ trong việc cổ vũ, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trên địa bàn. Chương trình nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Những năm cuối thập niên 1980, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Sông Bé có nhiều thay đổi. Nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân nảy sinh và cần được giải đáp. Để đáp ứng những đòi hỏi của thính giả, đồng thời góp phần giải đáp những thắc mắc phát sinh từ thực tế, Đài Phát thanh Sông Bé tiếp tục xây dựng chương trình Trả lời bạn nghe đài. Thông qua đơn thư bạn nghe đài gửi về, những người thực hiện chương trình chính là cầu nối, chuyển tiếp đến các địa phương, các ban, ngành liên quan những thắc mắc cần được giải đáp của bạn nghe đài để tìm câu trả lời thỏa đáng phục vụ bạn nghe đài kịp thời, chính xác.
Chương trình “Trả lời bạn nghe đài” được phát hằng tuần, thời lượng 15 phút. Đây tiếp tục là một chương trình thu hút khá nhiều thính giả bởi giải đáp được nhiều vấn đề xuất phát từ cuộc sống. Những người thực hiện chương trình phải luôn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Sau thành công của các chương trình phát thanh Khắp nơi ca hát, Nông thôn, Trả lời bạn nghe đài, đầu thập niên 1990, Đài Phát thanh Sông Bé tiếp tục phối hợp với ngành công an và quân đội của tỉnh xây dựng chương trình mới: Vì an ninh Tổ quốc, Quốc phòng toàn dân. 2 chương trình mới này có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để có nội dung phù hợp, ý nghĩa gửi đến bạn nghe đài.
Đài Phát thanh Sông Bé còn xây dựng chương trình phát thanh thiếu nhi. Chương trình này có sự phối hợp nhịp nhàng với hội đồng đội các trường học trên địa bàn tỉnh, nội dung phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, động viên, khen ngợi tinh thần rèn luyện, học tập, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với sự tin yêu của thầy cô, cha mẹ.
Việc cho ra đời khá nhiều chương trình phát thanh phục vụ các đối tượng bạn nghe đài trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn từ nhân lực đến trang thiết bị kỹ thuật đòi hỏi tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của Đài Phát thanh Sông Bé cố gắng vượt bậc. Thành công của các chương trình là bước đệm vững chắc để đài chuẩn bị phát triển lên nấc thang mới trong tiến trình đi lên trong thời gian kế tiếp.
Sỹ Hòa (tổng hợp)
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/170923/su-ra-doi-va-hoat-dong-cua-dai-phat-thanh-truyen-hinh-song-be