Bài cuối:
ĐƯA CÁNH SÓNG VƯƠN XA
BPO - Thời gian từ năm 1977-1996, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Sông Bé trải qua nhiều mốc phát triển, từ chỗ chỉ có lĩnh vực phát thanh, sau đó mở ra lĩnh vực truyền hình. Đi theo đó là nhiều bước chuyển tiếp, nâng cao về mặt kỹ thuật, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, viên chức tăng dần về số lượng cùng với tay nghề kỹ thuật cũng như nghiệp vụ PT-TH ngày càng nâng cao.
Bước đột phá về kỹ thuật phát sóng
Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, khi sóng PT-TH đã phủ đến hầu hết các địa phương trên toàn quốc thì nhân dân 5 huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé vẫn rất chật vật, khó khăn trong việc dò tìm sóng phát thanh cũng như truyền hình để theo dõi, nắm bắt thông tin chính trị, kinh tế, xã hội trong tỉnh và cả nước.
Đài Tiếp vận PT-TH Bà Rá - Ảnh tư liệu
Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, UBND tỉnh Sông Bé chỉ đạo Đài Phát thanh Sông Bé cử một số cán bộ, nhân viên nghiên cứu, lập dự án xây dựng Đài Tiếp vận PT-TH Bà Rá (Đài Tiếp vận) với mục tiêu tiếp sóng PT-TH của tỉnh Sông Bé và cả nước. Đây thực sự là một bước đi mang tính đột phá về mặt kỹ thuật đối với Đài Phát thanh Sông Bé, làm nền tảng kỹ thuật cho giai đoạn phát triển kế tiếp. Đồng thời là một trong những hạ tầng cơ sở kỹ thuật thiết yếu để hình thành Đài PT-TH Sông Bé.
Tháng 12-1990, sau hơn 1 năm xây dựng, Đài Tiếp vận chính thức khánh thành, đi vào hoạt động. Công trình bao gồm các hạng mục: Nhà đặt máy phát sóng, tháp ăng-ten, đường điện trung thế, hạ thế, đường giao thông… Bắt đầu từ đây, 5 huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé không còn là “vùng trắng” thông tin, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng đất này nói riêng, nhân dân toàn tỉnh nói chung đã tiếp cận tốt hơn thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua làn sóng PT-TH được tiếp vận.
Ngay sau khi đưa vào sử dụng Đài Tiếp vận một thời gian ngắn, dải băng tần VHF hết tần số. Vì vậy, Đài PT-TH Sông Bé phải khai thác băng tần UHF bằng cách phát sóng thử nghiệm trên kênh 25 UHF. Dù đã được UBND tỉnh và Cục Tần số cho phép thì đó vẫn là một quyết định mạo hiểm vì trước đó chưa có đài nào trong cả nước chọn dải băng tần UHF phát sóng. Cũng trong thời gian này, một nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh chế tạo thành công ăng-ten AVN VK9/94. Ưu điểm của ăng-ten này là thu được sóng trên dải băng tần UHF, từ 18-100 kênh, không bị nhiễu kênh. Thành công này cùng với thành công trong phát sóng thử nghiệm trên kênh 25 UHF của Đài PT-TH Sông Bé đã góp phần mở ra một “chân trời mới” của ngành truyền hình Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Đài PT-TH Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương cho biết: Giờ đây khi chúng ta đang ở thời đại số hóa, truyền hình kỹ thuật số, phát sóng vệ tinh nên việc khai thác băng tần UHF đã trở thành chuyện quá khứ, song trong bối cảnh lúc bấy giờ thì đó là sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn đối với ngành truyền hình không chỉ ở khu vực phía Nam mà còn trong cả nước. Đài PT-TH Sông Bé không chỉ là đài khai phá và phát sóng thành công băng tần UHF mà còn là đài đầu tiên ở Việt Nam sử dụng logo làm thương hiệu của mình, đó là logo STV.
Logo STV có 2 nghĩa là Sông Bé TV hay STAR TV (ngôi sao truyền hình). Sự thành công của STV trên dải băng tần 25 UHF ngay lập tức được nhiều đài trong cả nước học tập để ứng dụng. Ban đầu là Đài Hải Phòng, sau đó là các tỉnh, thành khác, ngay cả VTV cũng ứng dụng công nghệ này. Kể từ đó, ngành truyền hình Việt Nam chấm dứt tình trạng khan hiếm tần số.
Nỗ lực đưa làn sóng truyền hình phục vụ tuyên truyền
Sau ngày giải phóng miền Nam, Sông Bé cũng như nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam nhanh chóng cho ra đời báo in và làn sóng phát thanh để đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, ở Sông Bé, nhân lực và trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật ngành truyền hình chưa đáp ứng được yêu cầu nên chưa thể cho ra đời loại hình báo chí truyền hình.
Đài Phát thanh ra đời và chính thức phát sóng từ tháng 10-1977, nhưng phải đến năm 1982, lĩnh vực truyền hình mới bắt đầu được xây dựng. Năm 1982, một nhóm cán bộ, viên chức thuộc Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Sông Bé được cử đi học lớp quay phim và biên tập tin, bài rồi được điều về Đài Phát thanh Sông Bé. Kể từ đây, Đài Phát thanh Sông Bé có thêm tổ truyền hình. Lúc bấy giờ, nhiệm vụ của tổ thực chất chỉ là làm cộng tác viên cho Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.
Lúc đó, gọi là truyền hình, nhưng quay bằng phim nhựa. Mỗi tuần thực hiện từ 1-3 tin, phóng sự ngắn về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau khi quay và viết lời thoại xong, tất cả “băng thô”, “bài mộc” được nhanh chóng chuyển cho Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh biên tập, dựng lại rồi phát sóng… Tổ truyền hình chính là hạt nhân, là nền tảng để 12 năm sau (năm 1994), Đài Phát thanh Sông Bé chính thức phát sóng những chương trình truyền hình đầu tiên.
Nhà báo Nguyễn Đức Trường, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương, nguyên Trưởng Ban biên tập Đài Phát thanh Sông Bé cho biết, để xây dựng đội ngũ làm truyền hình, một mặt cơ quan cử cán bộ trẻ đi đào tạo, mặt khác, mời giảng viên về đào tạo tại chỗ, ngoài ra còn tiếp nhận thêm nhân lực mới có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực truyền hình, đào tạo bài bản từ biên tập, quay phim, dựng hình, phát sóng, bá âm… để có đủ nhân lực đáp ứng việc sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình tỉnh.
Ngày 2-9-1994, nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Quốc khánh, Đài PT-TH Sông Bé chính thức khánh thành phim trường sản xuất các chương trình PT-TH và tháp ăng-ten cao 108m. Đồng thời, thực hiện phát sóng hàng loạt chương trình PT-TH do đài tự sản xuất. Bắt đầu từ thời điểm này, số lượng và chất lượng các chương trình PT-TH do đài sản xuất không ngừng tăng lên. Làn sóng của Đài PT-TH Sông Bé không chỉ đáp ứng nhu cầu nghe và xem đài của nhân dân trong tỉnh mà còn tỏa rộng ra nhiều tỉnh, thành thuộc miền Đông Nam Bộ.
Những dấu ấn
Cũng như bất cứ đài PT-TH nào, thời sự là một trong những chương trình “xương sống” của Đài PT-TH Sông Bé. Ngay từ những ngày mới thành lập (năm 1982), bắt đầu làm quen với lĩnh vực truyền hình, với số lượng phóng viên ít ỏi, non nghề, nhưng những tin, bài do tổ truyền hình sản xuất đã chuyển tải những tin tức thời sự trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đến người xem.
Đến năm 1994, khi truyền hình Sông Bé chính thức phát sóng, chương trình thời sự của đài được xây dựng phong phú hơn, hấp dẫn hơn, với những tin tức thời sự được cập nhật nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu người xem. Bạn xem đài trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn những chương trình thời sự của đài với nội dung phản ánh khá đầy đủ các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.
Những người làm chương trình thời sự của truyền hình Sông Bé trong giai đoạn này vừa hoạt động nghề nghiệp vừa phải nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật truyền hình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ phóng viên thời sự, ngoài việc tổng hợp tin tức, còn sản xuất được cả những ghi nhanh, ghi nhận, phóng sự ngắn để làm phong phú hơn nội dung thời sự phát sóng, được người xem ghi nhận, đánh giá cao. Phòng Chuyên đề (Chuyên mục) của đài thành lập vào tháng 7-1996, với chỉ khoảng 10 biên chế, nhưng đã xây dựng được chương trình phát sóng riêng với những chuyên mục như Hộp thư bạn xem đài, Dân số, Công nghệ và Môi trường.
Các chương trình văn nghệ của Đài PT-TH Sông Bé trong giai đoạn 1994-1996 chưa phát sóng thường xuyên, chất lượng chưa như mong muốn bởi gặp khó khăn về nhiều mặt. Dù vậy, những người làm chương trình văn nghệ đã rất nỗ lực xây dựng các chương trình truyền hình văn nghệ như: Tiểu phẩm, Thiếu nhi…
Trong thời gian 19 năm (1977-1996), các chương trình của Đài PT-TH Sông Bé sản xuất và phát sóng đã nhận được sự tin yêu của đông đảo khán, thính giả khu vực phía Nam. Đài Phát thanh Sông Bé rồi sau đó là Đài PT-TH Sông Bé đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của một cơ quan truyền thông cấp tỉnh, có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán, thính giả của tỉnh và khu vực.
Ngày 1-1-1997, tỉnh Sông Bé chia tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Đài PT-TH Sông Bé (STV) cũng tách thành 2 đài: Đài PT-TH Bình Dương (BTV) và Đài PT-TH Bình Phước (BPTV). Kế thừa sự phát triển của Đài PT-TH Sông Bé, Đài PT-TH Bình Dương tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, có sự phát triển đáng kể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sỹ Hòa (tổng hợp)