Sự thật dinh dưỡng của sữa đậu nành

Sự thật dinh dưỡng của sữa đậu nành
3 ngày trướcBài gốc
NỘI DUNG
1. Sữa đậu nành so với các lựa chọn sữa khác
2. Lợi ích sức khỏe tiềm năng của sữa đậu nành
3. Uống sữa đậu nành có an toàn và có thể gây ung thư vú không?
4. Nên uống bao nhiêu sữa đậu nành mỗi ngày?
5. Ai nên tránh uống sữa đậu nành?
Có rất nhiều loại sữa đậu nành trên thị trường và nhiều phát hiện nghiên cứu về đậu nành lại trái ngược nhau khiến không ít người băn khoăn sữa đậu nành có phải là lựa chọn lành mạnh hay không.
Trong trường hợp đó, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khi thêm sữa đậu nành vào chế độ ăn uống của mình, đặc biệt là những người có bệnh lý hoặc sức khỏe kém. Ngoài ra, tìm hiểu thêm về sữa đậu nành (bao gồm cả thông tin trái ngược nhau) là việc nên làm.
Sữa đậu nành nhìn chung có giá trị dinh dưỡng tương tự nhất với sữa bò ít béo.
1. Sữa đậu nành so với các lựa chọn sữa khác
Nhiều người thắc mắc sữa đậu nành so với các loại sữa khác như sữa bò và sữa thực vật khác như thế nào. Dưới đây là một cái nhìn tổng quan:
Sữa đậu nành so với sữa từ sữa bò
Trong tất cả các loại sữa thực vật, sữa đậu nành nhìn chung có giá trị dinh dưỡng tương tự nhất với sữa bò ít béo. Vì lý do này, sữa đậu nành được đưa vào danh mục "sữa" trong Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020–2025 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Đậu nành có chín loại acid amin thiết yếu, sữa đậu nành là nguồn protein tốt, cân bằng chất béo và carbohydrate.
Sữa đậu nành so với các loại sữa thực vật khác
Theo USDA, sữa đậu nành tốt hơn sữa hạnh nhân về mặt protein, vì sữa hạnh nhân truyền thống có thể có ít calo hơn (chỉ 47 calo cho mỗi cốc) nhưng chỉ cung cấp 1,6 g protein, trong khi đó, sữa đậu nành là một nguồn protein tốt, cung cấp 8 g protein cho mỗi khẩu phần 240 ml.
Sữa gạo, yến mạch và dừa là những lựa chọn phổ biến khác. Giống như sữa hạnh nhân, sữa gạo và yến mạch chứa ít protein hơn trên mỗi khẩu phần so với sữa đậu nành còn sữa dừa cung cấp 4 g chất béo (trong đó có 3,5 g là chất béo bão hòa) trên mỗi khẩu phần 1 cốc và không có protein.
2. Lợi ích sức khỏe tiềm năng của sữa đậu nành
Sữa đậu nành là một loại sữa thực vật lành mạnh có thể phù hợp với hầu hết mọi chế độ ăn kiêng. Sữa đậu nành tự nhiên ít chất béo và calo hơn sữa bò nhưng cung cấp nhiều protein hơn các loại sữa thực vật phổ biến khác, chẳng hạn như hạnh nhân, yến mạch. Để tận dụng tối đa lợi ích dinh dưỡng, hãy chọn sữa đậu nành không đường.
Sữa đậu nành giàu protein và ít chất béo bão hòa. Giống như các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác, sữa đậu nành có thể giúp chống lại bệnh tật. Theo Harvard Health Publishing, thực phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu nành có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim, cũng như giảm huyết áp, cholesterol "xấu" và trọng lượng cơ thể.
Đậu nành giàu isoflavone (hóa chất thực vật thuộc nhóm gọi là phytoestrogen), đặc biệt là genistein. Theo một bài đánh giá được công bố vào tháng 1 năm 2022 trên Frontiers in Pharmacology cho thấy genistein có đặc tính chống viêm có khả năng làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính.
Một số nghiên cứu cho thấy phytoestrogen trong sữa đậu nành có tác dụng làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mãn kinh, đặc biệt là bốc hỏa, ngoài ra isoflavone đậu nành có thể làm giảm tình trạng mất xương góp phần gây loãng xương.
3. Uống sữa đậu nành có an toàn và có thể gây ung thư vú không?
Trong nhiều năm qua, đậu nành đã bị mang tiếng xấu do một số người tin rằng đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Đây là một quan niệm sai lầm phổ biến dựa trên các nghiên cứu trên động vật cho thấy khi loài gặm nhấm tiêu thụ liều lượng isoflavone cao, chúng có nhiều khả năng mắc ung thư vú hơn.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những nghiên cứu trên động vật này có thể không đáng tin cậy, vì loài gặm nhấm và con người xử lý đậu nành theo cách khác nhau. Các nhà nghiên cứu cũng cho loài gặm nhấm ăn một lượng đậu nành mà con người sẽ không nhận được khi tiêu thụ hợp chất này ở mức độ vừa phải từ thực phẩm.
4. Nên uống bao nhiêu sữa đậu nành mỗi ngày?
Theo hướng dẫn của Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR) về việc tiêu thụ đậu nành ở mức vừa phải: một đến hai khẩu phần thực phẩm từ đậu nành nguyên chất mỗi ngày, bao gồm sữa đậu nành, edamame, hạt đậu nành và đậu phụ. Ví dụ, nếu bạn đang có kế hoạch ăn đậu phụ xào vào bữa tối, bạn vẫn có thể cho 1 cốc sữa đậu nành vào buổi sáng. AICR nói thêm rằng các nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ tới ba khẩu phần thực phẩm từ đậu nành mỗi ngày không liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn.
Việc tiêu thụ tới ba khẩu phần thực phẩm từ đậu nành mỗi ngày không liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn.
5. Ai nên tránh uống sữa đậu nành?
Người bị dị ứng với đậu nành, hãy tránh uống sữa đậu nành. Một cân nhắc khác là bệnh tuyến giáp. Theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, một số nghiên cứu cho thấy các sản phẩm từ đậu nành có thể gây trở ngại cho các loại thuốc thay thế hormone tuyến giáp được sử dụng để điều trị suy giáp, mặc dù đậu nành không được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất hormone tự nhiên của tuyến giáp. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc bác sĩ nội tiết trước khi đưa sữa đậu nành vào chế độ ăn uống nếu có tiền sử bệnh tuyến giáp, đặc biệt là người hiện đang dùng thuốc tuyến giáp.
Hoàng Nam
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/su-that-dinh-duong-cua-sua-dau-nanh-169250328165314793.htm