1. Lã Mông
Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã thần thánh hóa phe Thục của Lưu Bị, đặc biệt là Quan Vũ – người được miêu tả như một vị thánh võ nghệ siêu quần, cưỡi Xích Thố, cầm Thanh Long Đao, lập nên vô số chiến công hiển hách.
Để tôn vinh Quan Vũ, La Quán Trung không ngần ngại bôi nhọ Lã Mông – người đã đánh bại “Võ Thánh” và chiếm lại Kinh Châu cho Đông Ngô.
Theo hồi 77, sau khi Tôn Quyền hạ lệnh xử tử Quan Vũ và chiếm được Kinh Châu, ông mở tiệc lớn khao quân, Lã Mông là người có công đầu. Nhưng ngay khi Tôn Quyền nâng chén rượu mừng, Lã Mông bất ngờ bị hồn ma Quan Vũ nhập vào, quát tháo ầm ĩ khiến Tôn Quyền sợ hãi, lập tức sai các tướng lĩnh quỳ xuống bái lạy.
Khi hồn Quan Vũ rời đi, Lã Mông ngã vật xuống, hộc máu và chết ngay tại chỗ. Cái chết kỳ lạ này hoàn toàn là chi tiết hư cấu nhằm nâng tầm sự thiêng liêng của Quan Vũ.
Tuy nhiên, theo Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, Lã Mông sinh năm 176, là đại đô đốc tài ba của Đông Ngô. Từ nhỏ đã nổi tiếng dũng cảm, ông từng bước thăng tiến nhờ vào tài năng quân sự và sự mưu lược của mình.
Năm 216, Lã Mông được phong làm đại đô đốc. Năm 219, khi Quan Vũ dẫn quân đánh Phàn Thành, Lã Mông nhận ra đây là cơ hội vàng để chiếm lại Nam Quận – vùng đất mà Lưu Bị từng mượn từ Tôn Quyền nhưng không trả lại.
Ảnh minh họa
Lã Mông giả vờ lâm bệnh để đánh lừa Quan Vũ, rồi dùng kế “áo trắng qua sông”, cho binh lính cải trang thành thương nhân, bất ngờ tấn công và chiếm đóng Nam Quận. Phó Sĩ Nhân và Mi Phương, hai tướng trấn thủ Nam Quận, đầu hàng không kháng cự, giúp Lã Mông dễ dàng giành chiến thắng.
Quan Vũ sau đó rơi vào phục kích, bị bắt sống và bị Tôn Quyền xử tử. Chiến thắng này đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của Lã Mông.
Theo Tam quốc chí, Lã Mông mắc bệnh nặng vào năm 220, được Tôn Quyền tận tình chăm sóc nhưng không qua khỏi. Ông qua đời trong điện của Tôn Quyền, không hề có sự xuất hiện của ma quỷ hay hồn ma Quan Vũ như trong tiểu thuyết.
2. Tào Tháo
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Tào Tháo cũng trở thành nạn nhân của vong hồn Quan Vũ, cái chết của ông đầy ám ảnh và bi kịch.
Theo hồi 77, sau khi Tôn Quyền xử tử Quan Vũ, ông gửi đầu Quan Vũ cho Tào Tháo để tránh bị Lưu Bị hỏi tội. Khi mở hòm, Tào Tháo thấy đầu Quan Vũ mở mắt, râu tóc dựng đứng, miệng há ra như muốn nói khiến ông kinh hoàng ngã quỵ xuống đất, suýt nữa thì bất tỉnh.
Từ ngày đó, Tào Tháo liên tục bị cơn đau đầu hành hạ. Đêm nào nhắm mắt cũng thấy Quan Vũ hiện về trong mộng, khiến ông sống trong nỗi sợ hãi tột độ.
Các quan trong triều khuyên Tào Tháo xây cung mới để tránh tà khí. Tuy nhiên, khi chặt cây lê cổ thụ để xây cung, Tào Tháo lại chọc giận thần linh, khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.
Tào Tháo mời danh y Hoa Đà tới chữa trị. Hoa Đà đề xuất mổ đầu để trị bệnh nhưng Tào Tháo nghi ngờ ông có âm mưu hại mình, liền sai xử tử Hoa Đà. Không lâu sau, Tào Tháo chết vì cơn đau đầu dữ dội.
Dù câu chuyện này đầy kịch tính, nhưng Tam quốc chí của Trần Thọ lại cho thấy một sự thật khác. Tào Tháo mắc bệnh đau đầu kinh niên, từng được Hoa Đà chữa trị bằng châm cứu và bốc thuốc, giúp giảm bớt triệu chứng.
Khi bệnh trở nặng, Hoa Đà đề nghị Tào Tháo cần kiên trì chữa trị, nhưng Tào Tháo nghi ngờ ông có ý đồ xấu. Hoa Đà sau đó bị bắt và chết trong ngục.
Năm 220, Tào Tháo phát bệnh trở lại và qua đời, không hề có sự can thiệp của bất kỳ thế lực siêu nhiên nào.
3. Bàng Thống
Bàng Thống – người được mệnh danh là “Phượng Sồ”, quân sư tài ba của Lưu Bị – cũng có một cái chết đầy bi thảm và oan khuất trong Tam quốc diễn nghĩa.
Năm 211, Lưu Chương trấn giữ Ích Châu, bị Trương Lỗ ở Hán Trung uy hiếp. Lưu Chương mời Lưu Bị vào hỗ trợ. Thấy cơ hội lớn, Bàng Thống khuyên Lưu Bị nhân dịp này chiếm lấy Ích Châu.
Cuối năm 212, âm mưu bị bại lộ, Lưu Chương trở mặt và Lưu Bị lấy cớ thiếu quân lương để phát động chiến tranh. Quân Lưu Bị nhanh chóng chiếm Bồi Thành và áp sát Lạc Thành.
Theo hồi 63, Bàng Thống gặp hàng loạt điềm gở trước trận chiến. Ông bị ngựa hất xuống đất, sau đó cưỡi nhầm con ngựa Đích Lư của Lưu Bị – vốn nổi tiếng mang lại xui xẻo cho chủ nhân.
Trên đường đến Lạc Thành, khi qua gò Lạc Phượng, Bàng Thống thở dài: “Ta là Phượng Sồ, lại đến gò Lạc Phượng, e rằng điềm này chẳng lành.”
Đúng như linh cảm, ông rơi vào ổ phục kích của Trương Nhiệm. Quân địch tưởng Bàng Thống cưỡi ngựa trắng là Lưu Bị nên nhắm vào ông mà bắn. Bàng Thống chết dưới mưa tên oan nghiệt.
Ở Kinh Châu, Gia Cát Lượng xem thiên văn, thấy sao lớn rơi xuống, biết rằng Bàng Thống đã mất.
Tuy nhiên, Tam quốc chí ghi lại rằng, Bàng Thống chết trong trận đánh Lạc Thành vào năm 214. Ông dẫn quân dụ Trương Nhiệm ra khỏi thành, nhưng trong lúc giao chiến đã bị trúng tên và tử trận. Không có bất kỳ chi tiết nào về điềm báo hay sự đố kỵ giữa Gia Cát Lượng và Bàng Thống như trong tiểu thuyết.
Cái chết của Bàng Thống là tổn thất lớn cho Lưu Bị, và cũng là một trong những bi kịch đau thương nhất thời Tam quốc.
Lam Lam (t/h)