Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 xảy ra ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vào chiều 19/7 đã khiến 36 người tử vong, 10 người được cứu sống, hiện còn 3 nạn nhân mất tích trên biển. Khi cả nước đang hướng về Hạ Long, chia buồn cho những nạn nhân xấu số, công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang tiếp diễn, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết và hình ảnh chưa được kiểm chứng, gây hiểu lầm cho cộng đồng, nhiều cá nhân vô cớ bị kéo vào câu chuyện hư cấu.
Đáng chú ý nhất là bức ảnh ghi lại hình ảnh nhóm 5-6 trẻ em đứng trên mũi tàu trong một chuyến tham quan vịnh Hạ Long. Bức ảnh này bị chia sẻ rầm rộ, kèm chú thích sai sự thật cho rằng đây là khoảnh khắc cuối cùng trước khi tàu bị lật với nội dung đau lòng: "Hình ảnh của các con trong chuyến tàu định mệnh, nhìn bức ảnh mà đau xót, kỳ nghỉ hè được bố mẹ cho đi du lịch mà nay..."
Nhiều trang mạng còn chỉnh sửa ảnh sang màu đen trắng, phát tán rộng rãi nhằm tăng lượt tiếp cận. Một số fanpage và tài khoản cá nhân đã chia sẻ lại, thu về hàng trăm nghìn lượt tương tác và nhiều bình luận thương tiếc.
Cụ thể, tại một trang fanpage có tên B.H.N, bức ảnh nói trên đã nhận được lượt tương tác khủng lên tới 162.000 lượt thích, 32.000 lượt bình luận và 1.000 lượt chia sẻ. Đây chỉ là một trong hàng trăm fanpage và tài khoản cá nhân chia sẻ bức ảnh này, khiến nó lan truyền với tốc độ chóng mặt trên khắp các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều fanpage khác cũng tận dụng cơ hội này để đăng tải những câu chuyện hư cấu, gán ghép chi tiết liên quan đến các nạn nhân hoặc liên quan đến vụ lật tàu với hàng loạt từ khóa như "Vịnh Hạ Long", "lật tàu" hay các tình tiết đau thương để thu hút lượt xem.
Chủ nhân thực sự của bức ảnh, anh N.T., sau khi phát hiện ra sự việc đã vô cùng bức xúc. Anh cho biết, bức ảnh trên anh chụp vào tháng 8/2024 trong một chuyến du lịch cùng gia đình tại Hạ Long.
"Tôi là người dùng facebook thường xuyên nên khi vô tình thấy bức ảnh này xuất hiện vào khoảng 19h tối ngày 20/7. Vì là ảnh đen trắng nên tôi không nhận ra ngay mà chỉ thấy quen quen. Khi nhìn kỹ lại thì đúng là ảnh của tôi năm ngoái khi đưa các cháu đi Hạ Long vào tháng 8", anh T. kể lại.
Điều khiến gia đình bức xúc nhất là cách thức sử dụng ảnh. "Thấy ảnh của các cháu bị đem ra câu view câu like với hàng ngàn bình luận tiếc thương, xót xa, tôi và gia đình rất bức xúc. Người thân ở quê thấy tấm hình được chia sẻ cũng đã vô cùng lo lắng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra", anh T. chia sẻ.
"Các cháu đều độ tuổi học cấp 2-3 khi đọc những dòng chữ đó thực sự rất sốc. Bức ảnh kỉ niệm cho chuyến đi du lịch bỗng chốc bị sử dụng nhằm mục đích câu view câu like cho vụ việc đau thương thì thật không chấp nhận được".
Bức ảnh được chụp vào năm 2024.
Khi sự thật được phơi bày, cộng đồng mạng đã có những phản ứng cực kỳ gay gắt. Hàng nghìn bình luận bày tỏ sự phẫn nộ với việc "câu view bằng nước mắt của người khác". Nhiều netizen không khỏi bức xúc khi gọi đây là "hành vi đáng khinh" và "mất hết nhân tính". Những lời lên án gay gắt nhất được dành cho việc lợi dụng nỗi đau của các gia đình nạn nhân để thu hút sự chú ý và tương tác từ mạng xã hội.
Nhiều người từng tin vào câu chuyện hư cấu này cũng bày tỏ sự hối lỗi, trong đó có cả những người nổi tiếng. Vì tin vào nội dung này, trước đó ca sĩ Thái Thùy Linh đã đăng tải một bình luận kèm bức ảnh này và viết: "Thực sự là nếu không ngừng xem thì sẽ không thể ngừng khóc. Nhìn hình ảnh nào cũng thấy như là con mình, cháu mình, bố mẹ cậu dì mình".
Sau khi biết thông tin đó là sai sự thật, ngay trong tối ngày 21/7, nữ ca sĩ có bài viết xin lỗi và đính chính hình ảnh trong bài đăng trên là nhầm lẫn. Theo đó, nữ ca sĩ bày tỏ sự hối hận và gửi lời xin lỗi chân thành đến anh T.N - chủ nhân bức ảnh bị lan truyền sai lệch. Hành động này của ca sĩ được cộng đồng mạng đánh giá cao vì sự chịu trách nhiệm và thái độ chân thành.
Thái Thùy Linh lên tiếng xin lỗi.
Không chỉ riêng việc sử dụng ảnh thật nhưng gắn câu chuyện giả, nhiều fanpage còn lợi dụng thảm kịch về vụ lật tàu Vịnh Xanh để câu kéo tương tác bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra những câu chuyện hư cấu và hình ảnh giả mạo.
Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các fanpge này tự tạo ra các hình ảnh minh họa và dựng lên những câu chuyện hư cấu, kịch tính với những nội dung, nhân vật khiến nhiều người lầm tưởng liên quan đến vụ chìm tàu.
Đáng chú ý, nội dung các bài viết thường được dàn dựng chi tiết, xen lẫn nhiều tình tiết bi thương, chia ly, sinh tử, khiến nhiều người lầm tưởng là câu chuyện có thật.
Nhiều người nhanh chóng lên tiếng nhắc nhở cộng đồng mạng cần cảnh giác trước các thông tin chưa được kiểm chứng, không vô tình tiếp tay cho những fanpage trục lợi từ thảm kịch. Trong lúc này, điều quan trọng nhất là mỗi người cần tiếp nhận thông tin từ các nguồn chính thống, đồng thời chia sẻ, đồng cảm đúng mực để những gia đình chịu mất mát không thêm tổn thương bởi tin giả.
Trầm Phương