Đã qua rồi cái thời smartphone Trung Quốc bị coi là “bản sao” của các hãng lớn. Giờ đây, họ đang tự tin khẳng định vị thế với những sản phẩm đột phá, cạnh tranh trực tiếp với các flagship đình đám, nhưng liệu giá thành có còn là lợi thế?
Khi smartphone Trung Quốc không còn ngon và rẻ
Trong thế giới smartphone, các thiết bị đến từ Trung Quốc thường có cấu hình ấn tượng nhưng ít phổ biến ở thị trường phương Tây. Tuy nhiên, bức tranh đang dần thay đổi. Các công ty như Xiaomi và OPPO đã và đang nỗ lực thâm nhập, hoặc tái gia nhập thị trường smartphone tại Anh, Úc và châu Âu.
OPPO đã trở lại thị trường Anh với Oppo Find X8 Pro, một thiết bị mạnh mẽ cạnh tranh trực tiếp với Samsung Galaxy S24 Ultra và iPhone 16 Pro, sở hữu màn hình đẹp và khả năng chụp ảnh ấn tượng. Xiaomi cũng không kém cạnh với Xiaomi 14 Ultra, một "quái vật" đúng nghĩa với hệ thống 4 camera, tập trung vào cảm biến 1 inch.
Các mẫu smartphone Trung Quốc ngày càng có giá cao hơn.
Từ "bản sao" đến vượt mặt
Trong giai đoạn đầu, các mẫu smartphone Trung Quốc như Huawei và OnePlus từng bị coi là “bản sao” của các thiết bị flagship đình đám. Đơn cử như Huawei Mate 20 Pro (2018) mang đậm dấu ấn thiết kế và phần mềm của iPhone XS, trong khi OnePlus 8T (2020) lại hao hao Samsung Galaxy S20.
Chiến lược này đã mang lại thành công lớn, giúp các thương hiệu Trung Quốc cạnh tranh về giá, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có hiệu năng tương đương iPhone và Samsung nhưng với mức giá dễ chịu hơn. Tuy nhiên, khi thị trường smartphone phân hóa rõ rệt, các nhà sản xuất Trung Quốc dường như đã chuyển hướng sang một mục tiêu mới.
Xiaomi 14 Ultra có giá bán lẻ lên tới 1.650 USD (tại Việt Nam gần 30 triệu đồng), thậm chí còn cao hơn cả Samsung Galaxy S24 Ultra (giá khởi điểm 1.299 USD). Các mẫu máy như Oppo Find X8 Pro (1.249 USD) và Honor Magic 7 Pro (gần 1.049 USD) cũng có giá tương đương hoặc thậm chí cao hơn các flagship của Apple, Google và Samsung.
OnePlus 12 dù sở hữu thông số kỹ thuật vượt trội so với iPhone 16, Samsung Galaxy S24 và Google Pixel 9 ở nhiều khía cạnh, lại có giá tương đương, khoảng 799 USD, trong khi phiên bản tiền nhiệm OnePlus 11 rẻ hơn đáng kể (699 USD).
Có thể thấy, chiến lược của các hãng smartphone Trung Quốc đã thay đổi. Thay vì tập trung vào việc cung cấp hiệu năng tương đương với giá rẻ hơn, họ hướng đến việc mang lại hiệu năng tốt hơn với mức giá cao hơn.
Việc các công ty như Xiaomi, OnePlus và Honor thay đổi chiến lược là hoàn toàn dễ hiểu, bởi họ đang tạo ra những thiết bị chất lượng cao. Tuy nhiên, từ góc độ người tiêu dùng, kỷ nguyên của những chiếc điện thoại flagship giá mềm có thể sắp kết thúc.
Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc điện thoại mạnh mẽ, không ngại sử dụng Android và không quá trung thành với một thương hiệu cụ thể, thì đây có thể là thời điểm thích hợp để sở hữu một chiếc smartphone Trung Quốc cấu hình cao.
Tiểu Minh