Anh em chúng tôi gặp lại nhau sau hơn 40 năm
Cuộc sống rất cần sự tử tế...
Trong một vài lần, trong một vài bài tản văn, tôi có nhắc đến một người anh là bộ đội phục viên học cùng lớp Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với tình cảm yêu quý. Người đó là anh Trần Xuân Dung.
Cuộc sống có ngọt có bùi, có cay có đắng, có sóng gió có bình yên. Ai chẳng thế. Nhưng với tôi, mỗi cay đắng ngọt bùi hay sóng gió bão giông đều khắc ghi không bao giờ phai trong trí nhớ, trong tâm tưởng, bởi dù vui sướng hay đau khổ, đó đều là tài sản của tâm hồn mình. Vậy nên, dù chỉ là một làn gió mát nhẹ đến mức không ai để ý, thì tôi cũng rùng mình cảm nhận; dù chỉ là một ánh mắt khinh khi thoáng qua một cách lịch sự/tế nhị của ai đó cũng khiến cho mình đau đớn.
Khi gặp lại sau 40 năm, anh Trần Xuân Dung nói với tôi: "Anh không thể ngờ chú nhớ lâu và quan sát, đánh giá tỉ mỉ những cử chỉ, phong cách của anh mà nhiều khi anh không nhớ, không lưu tâm".
Tôi cười: "Em là người biết và cảm nhận từng khoảnh khắc, cảm nhận rất sâu sắc cảm giác một miếng khi đói..., nên em cũng là người nhớ lâu, thù dai. Một miếng khi đói đôi khi làm người ta nhớ cả đời".
Anh Trần Xuân Dung là người thế nào?
Anh là một người đàn ông ít nói, chỉn chu, thích chơi ghi ta, thích đá bóng. Anh luôn chuẩn chỉ trong từng lời nói, cử chỉ. Câu trả lời của anh với những người nhiều lời chỉ là nụ cười hiền lành và rồi im lặng.
Dù lớn tuổi hơn lứa sinh viên xuất thân là học sinh phổ thông chúng tôi nhưng anh không bao giờ tỏ ra mình là bề trên, lên giọng dạy dỗ. Anh không đối đầu với những ai muốn anh đối đầu, anh không tranh luận với ai muốn anh tranh luận, kể cả cố tình khiêu khích anh. Anh lặng lẽ và an hòa, không phiền lụy đến ai. Ở bên anh, người ta có cảm giác an bình.
Anh có thể cùng tôi ngồi hàng giờ tỉ mẩn luyện ngón, chạy những gam khó trên phím ghi ta để chơi một bản nhạc cổ điển nào đó mà không tỏ ra sốt ruột. Mê đá bóng, khả năng rê, lắc người để dẫn bóng rất tốt, nhưng khi đối thủ hùng hổ dùng bạo lực lao vào tranh bóng thì anh né ngay. Có lúc tôi tự thắc mắc, tại sao anh không dùng kỹ thuật rê bóng của mình để "dạy" cho đối thủ một bài học?
Anh Trần Xuân Dung (ngoài cùng bên trái) trong Lễ bảo vệ Luận văn tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1984 (ảnh cũ phục chế).
Một người đàn ông như thế đương nhiên là có sức hút với phái nữ. Cuối năm thứ nhất đại học, một cô gái 19 tuổi xinh xắn học cùng trường công khai yêu anh. Tình yêu của con gái mới lớn nó lạ lắm. Cô ấy tìm mọi cách gặp gỡ, quan tâm, chăm sóc anh. Mọi người trong lớp đều biết, còn anh thì như… không biết. Anh né. Nhiều người vun vào, anh trả lời: "Tớ có vợ ở quê rồi". Trước đó anh chưa bao giờ nói đã có vợ, nên có người không tin.
Có người nói với tôi: "Tình yêu là hạnh phúc không tự tìm được, nó là thứ Trời cho, cứ hưởng. Con gái nhà người ta xinh xắn, non tơ, hấp dẫn thế kia, tội gì mà không đón nhận. Vậy mà lão Dung từ chối. Rõ là hâm!". Còn anh ấy vẫn chỉ cười và tiếp tục né tránh cô gái. Anh cũng không cố tỏ ra mình là người đàn ông đàng hoàng.
Vào một ngày, mọi người nhìn thấy cô gái nước mắt vòng quanh. Anh ấy đã chính thức từ chối cô gái, và chỉ coi cô như em gái! Thế rồi mưa gió cũng qua đi, anh vẫn tiếp tục cùng tôi luyện những ngón đàn vào mỗi đêm. Nhưng tôi biết, tiếng đàn đó hàng đêm vẫn làm đau trái tim cô gái đến nhiều năm sau.
Trong mấy năm học đại học, có những lần tôi cần tiền mua vé xe buýt đi thăm người nhà, anh đều cho vay (đến 2 tháng sau khi nhà bếp thanh toán tem gạo do không ăn sáng, tôi đem bán cho mấy quán nước mới có tiền trả anh). Khi tôi có việc về muộn, nhờ anh lấy suất cơm độn khoai tây chan nước mắm "đại dương", anh đều cẩn thận đem về mà không đặt điều kiện gì.
Tốt nghiệp đại học, tôi trụ lại Hà Nội xin việc làm, còn anh về quê Hải Dương dạy học ở một thị trấn, sống với người vợ thuở hàn vi. Anh vẫn chơi đàn, đá bóng, chăm hoa. 70 tuổi anh vẫn ra sân đá bóng, vẫn chơi đàn.
Anh Trần Xuân Dung (thứ hai bên trái) cùng lớp Văn trong chuyến thực tập ở Sơn La (ảnh cũ phục chế).
Nhìn anh chơi ghi ta, hát hò, đá bóng, chụp ảnh với vợ, tôi thấy anh chị hạnh phúc trong từng cử chỉ, ánh mắt. Bản chất của hạnh phúc chỉ là cảm giác, nhưng tôi nghĩ những cảm giác đó ở anh có "kết cấu" bền vững vì anh hài lòng với những gì thật có của mình, với những người thân yêu của mình.
Mới đây, anh nhắn tin cho tôi: "Em bố trí về quê anh đi. Anh em mình gặp nhau hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm thời đại học"...
Sau hơn 40 năm, sự tử tế vẫn như xưa...
Tôi nhớ cách đây gần 20 năm khi lên nộp bản luận văn thạc sĩ ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một thầy là phó giáo sư, tiến sĩ hỏi tôi: "Trước em học Khoa văn Đại học Tổng hợp à?".
Khi tôi xác nhận, thầy "khoe": "Mình có người bạn thân cùng quê, cùng đi bộ đội, khi phục viên về học khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đấy".
Khi thầy nhắc đến tên Trần Xuân Dung, tôi "À" ngạc nhiên. Thầy khen: "Trần Xuân Dung sống chân thành, hiền lành, không tranh chấp, không đua chen với ai". Sau bao nhiêu năm tôi đã vô tình gặp một sự xác nhận về sự tử tế của anh Trần Xuân Dung như thế đó.
Anh Dung yêu cuộc sống ở quê với gia đình lớn, gia đình nhỏ của mình nên ít lên Hà Nội. Mà mỗi lần lên Hà Nội thì vội vã, tất bật, nên cũng rất ít gặp bạn bè cùng học đại học. Và điều quan trọng hơn là tôi và anh suốt bao năm phải cực nhọc đối diện với cơm áo, gạo tiền, phải chăm lo cho cha mẹ, vợ con nên từ ngày ra trường đến giờ không gặp nhau. May có công nghệ phát triển mà hai anh em gặp lại nhau trên... mạng.
Cách ít ngày anh lại nhắn "Em bố trí về chơi với anh đi, rủ cả Nguyễn Đức Mậu nữa. Anh mời Nguyễn Đức Mậu mấy lần, Mậu hứa nhưng vẫn chưa thực hiện được". "Mậu" mà anh Dung nhắc đến là nghiên cứu viên cao cấp, tiến sĩ văn học Nguyễn Đức Mậu – người anh thân thiết của tôi ở đại học và chơi với nhau hơn 40 năm qua. Anh Mậu là nhân vật chính trong bài tản văn của tôi "Ăn chực, ngủ chực nhà nghiên cứu văn học".
Tôi gọi điện cho anh Mậu. Anh Mậu vui lắm: "Hay quá. Mình hẹn với Trần Xuân Dung mấy lần mà chưa đi được. Lần này anh em mình cố gắng nhé. Mình hơn 20 năm chưa gặp anh Dung". Tôi thì hơn 40 năm – từ ngày tốt nghiệp đại học - chưa gặp lại.
5 giờ sáng chủ nhật ngủ dậy, ý tưởng lóe lên bất chợt và mạnh mẽ: Đi thăm người anh ở Hải Dương thôi. Tôi gọi điện cho anh Mậu. 15 phút sau anh gọi lại. Biết lý do tôi gọi điện, anh Mậu như tỉnh ngủ và hủy ngay kế hoạch đã định: "Đi thôi. 7 giờ xuất phát nhé".
5 giờ 45 phút sáng, tôi gọi điện cho anh Trần Xuân Dung. Anh Dung reo lên trong máy: "Hay quá. Anh chị sẽ ở nhà cả ngày đón chú và Nguyễn Đức Mậu". Rồi anh nhắn tin hướng dẫn đường đi tỉ mỉ, đến chỗ nào thì rẽ trái, đi bao nhiêu km thì rẽ phải...Tóm lại là cứ cách Hải Phòng khoảng 20 km thì rẽ trái, đi, đi, rẽ, rẽ ...là đến nhà anh.
Trong thời gian 2 giờ đồng hồ đi đường của chúng tôi, cứ khoảng 30 phút anh Dung lại gọi điện thoại hỏi "đến đâu rồi?". Không phải chỉ tôi và anh Mậu háo hức về cuộc gặp "lịch sử" này, anh Dung cũng thế. Chỉ có những người yêu quý nhau mới nôn nóng gặp nhau như thế!
Anh Dung đi xe máy ra quốc lộ đón chúng tôi. Anh không khác nhiều so với hình ảnh trong trí nhớ của tôi về anh hơn 40 năm trước: nét hiền lành và nụ cười ấy vẫn như xưa, chỉ có thời gian in dấu trên khóe mắt và nếp nhăn trên gương mặt.
Cái ôm của những người đàn ông đã trải qua biết bao thăng trầm cuộc đời.
Ba anh em ôm nhau, cái ôm của những người đàn ông đã trải qua biết bao thăng trầm cuộc đời. Hơn 40 năm, chúng tôi mới có lại khoảnh khắc ấm áp như vậy. Cuộc sống có những thứ tưởng như không ai lưu tâm nhưng có người lại phải đến hơn 40 năm mới tìm thấy.
Anh Dung sau khi ra trường phải mất 3 năm ra ngoài bươn trải, lăn lộn buôn bán, làm lụng cực nhọc để chăm lo cho vợ con rồi mới đi dạy học ở thị trấn. Bây giờ anh chị sống bình yên trong một ngôi nhà nhỏ nhưng khang trang, cùng với một mảnh vườn nhỏ nhưng hoa trái xum xuê.
Vợ chồng anh Trần Xuân Dung.
Vợ anh chạy từ bếp ra đon đả "Chào các anh. Mời các anh vào nhà".
Đây chính là người mà 44 năm trước anh Dung nói với cô gái 19 tuổi yêu mình rằng "Anh có vợ ở quê rồi". Một người phụ nữ ở tuổi 64 mà vẫn giữ được dáng vóc thời con gái như chị là rất hiếm có. Chắc chắn thời trẻ chị là người phụ nữ đẹp. Thảo nào một cô gái 19 tuổi nõn nà cũng không làm anh Dung nghiêng ngả.
Hôm nay sau 40 năm gặp lại anh "thú nhận" rất... trách nhiệm với tôi rằng: "Trước khi nhập trường đại học, anh đã cưới vợ. Anh yêu vợ là đương nhiên. Khi anh học năm thứ nhất, vợ anh 20 tuổi chuẩn bị sinh con đầu lòng. Lúc đó anh không được phép làm cho ai đau khổ - bản thân mình, vợ mình và cô gái đó, nhất là vợ mình".
3 anh em tôi cứ ríu rít như thời sinh viên, tranh nhau kể những kỷ niệm đẹp. Chưa phải đến cái tuổi nhớ nhớ quên quên nên mỗi chi tiết kể lại đều chuẩn xác và sinh động, vừa xúc động vừa vui vẻ. Chúng tôi cười nghiêng ngả. Thời khắc này, trong đời mỗi người không phải lúc nào cũng có được.
Tôi nói vui với vợ anh: "Hôm nay em bảo chứng với chị là 44 năm trước chồng chị là người đàn ông, người chồng rất đứng đắn, chung thủy nhé". Chị chỉ cười ý nhị và trả lời: "Vâng". Trả lời của chị cho tôi hiểu rằng chị biết và yêu anh Dung không chỉ vì sự chung thủy mà còn vì cả cuộc đời bình yên anh mang lại cho gia đình.
Vợ anh Dung vào bếp từ sáng nên khi chúng tôi đến nhà anh được khoảng hơn 30 phút, chị đã dọn lên mâm cơm thịnh soạn đầy ắp thức ăn. Anh chị hiếu khách là chuyện đương nhiên. Nhưng khi tôi gắp miếng thịt gà quê mà nghẹn ngào nhớ về mấy năm đói khát học đại học.
3 anh em cùng chợt chùng, lắng xuống vài chục giây. Và trước mâm cơm thịnh soạn ở nhà anh Trần Xuân Dung, 3 anh em kể tuồn tuột về những "nước mắm đại dương", những "canh toàn quốc", những điếu thuốc lá cuộn, những chén nước chè chát chia nhau, những ngày bụng lép kẹp chỉ nằm mơ được một bữa cơm no không độn khoai sắn chan nước mắm hay chan canh cà chua "đi qua" hàng mỡ...
Rồi anh Dung cầm ghi ta đệm cho tôi hát bài "Đôi bờ" như năm nào. Sức khỏe, năng lực... đã khác xưa, giọng hát, ngón đàn của hai anh em cũng đã khác xưa, nhưng sự say sưa, nhiệt huyết dường như vẫn không giảm sút.
Sức khỏe, năng lực, giọng hát, ngón đàn... của hai anh em đã khác xưa, nhưng sự say sưa, nhiệt huyết dường như vẫn không giảm sút (ảnh chụp lại từ video)
Gặp gỡ và chia tay, hơn 40 mươi năm đọng lại là sự tử tế với nhau
Những câu chuyện cũ cứ từ trí nhớ của 3 anh em "chạy" đến hiện tại. Cuộc sống đôi khi không cần nhiều hơn thế: chỉ cần những người anh em hiểu và trân trọng nhau.
Khi chia tay, anh chị tiễn ra ngoài đường làng. 3 anh em ôm nhau lưu luyến, hẹn gặp lần sau ở Hải Dương, ở Hà Nội...
Thế giới gần 10 tỉ người. Gặp và sinh sống, làm việc cùng một ai đó để nhớ, để mong gặp lại thì đấy là cái duyên và không nhiều. Nhưng gặp và sinh sống, làm việc cùng ai đó mà rồi quên đi nhanh, hoặc có nhớ nhưng nhớ với cảm xúc buồn giận, không hề muốn gặp lại, thì lại có nhiều. Tôi với anh Trần Xuân Dung, với anh Nguyễn Đức Mậu là mối quan hệ thứ nhất như vừa nói - quả thật là trong cuộc sống không ít nhưng cũng không có nhiều!
Trên xe quay trở về Hà Nội, tôi và anh Mậu lại đàm luận về cách sống, quan niệm hạnh phúc của anh Trần Xuân Dung với tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ. Đúng là quan niệm về hạnh phúc của mỗi người khác nhau nhưng có một mẫu số chung là hạnh phúc trước hết bắt đầu từ sự tử tế. Chỉ có những người tử tế mới được người khác nhớ đến, mong gặp lại với tình cảm quý mến mà thôi. Gặp gỡ và chia tay, hơn 40 mươi năm đọng lại là sự tử tế với nhau. Và đó cũng là hạnh phúc ở cuộc đời!
Tô Phán