Người nổi tiếng càng cần thiết đề cao sự tử tế và trách nhiệm xã hội. (Nguồn: Internet)
Danh tiếng đi đôi với trách nhiệm
Trong thời đại bùng nổ thông tin và mạng xã hội, việc một cá nhân trở nên nổi tiếng dường như dễ dàng hơn. Hào quang chói lọi, sự săn đón của công chúng và những hợp đồng quảng cáo có thể đến chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, liệu danh tiếng ấy có bền vững hay chỉ là một hiện tượng nhất thời, dễ đến rồi đi như những trào lưu thoáng qua?
Thực tế đã chứng minh, một thương hiệu cá nhân vững chắc không thể chỉ dựa vào sự nổi tiếng chớp nhoáng. Hào quang có thể thu hút sự chú ý, nhưng sự tử tế, trách nhiệm và việc thượng tôn pháp luật mới chính là những yếu tố tạo nên chiều sâu và giá trị cốt lõi. Người nổi tiếng, hơn ai hết, cần ý thức rằng họ là hình mẫu, là nguồn cảm hứng cho hàng triệu người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, mọi hành vi, lời nói của họ đều có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng.
"Xã hội cần kiến tạo lại khái niệm người có tầm ảnh hưởng để danh tiếng gắn liền với giá trị thật, chứ không chỉ là lượng view hay số lượt theo dõi".
Một khi đã bước chân vào ánh đèn sân khấu, người nổi tiếng không chỉ mang theo tài năng mà còn trách nhiệm xã hội. Việc vi phạm pháp luật, dù là nhỏ nhất, không chỉ làm tổn hại đến hình ảnh cá nhân mà còn gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Nó có thể làm lung lay niềm tin của công chúng, tạo tiền lệ xấu, thậm chí cổ súy cho những hành vi không chuẩn mực. Ngược lại, khi một người nổi tiếng sống có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và lan tỏa những giá trị tích cực, họ sẽ trở thành một biểu tượng đáng ngưỡng mộ, tạo động lực để mọi người cùng hướng đến những điều tốt đẹp.
Danh tiếng thực sự không phải là kết quả của những chiêu trò hay scandal, mà phải đến từ năng lực thực thụ và những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng. Một ca sĩ được yêu mến không chỉ vì ngoại hình, mà vì giọng hát chạm đến trái tim người nghe. Một diễn viên được công nhận không chỉ vì sự hào nhoáng trên màn ảnh, mà vì khả năng hóa thân xuất sắc và những vai diễn để đời. Tương tự, một người nổi tiếng trên bất kỳ lĩnh vực nào, từ khoa học, kinh doanh đến thể thao, đều cần chứng minh được giá trị của mình thông qua những thành tựu cụ thể và những đóng góp tích cực cho xã hội.
Khi danh tiếng được xây dựng trên nền tảng của tài năng chân chính và những cống hiến thực sự sẽ có sức sống mãnh liệt, vượt qua mọi thử thách của thời gian. Đó là danh tiếng bền vững, được công chúng tôn trọng và ghi nhớ, không chỉ vì họ là ai mà vì những gì họ đã làm.
Hào quang nhất thời có thể mang lại sự nổi tiếng nhanh chóng, nhưng chỉ có sự tử tế, trách nhiệm, việc thượng tôn pháp luật cùng với năng lực thực thụ và những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng mới là yếu tố then chốt tạo nên một thương hiệu cá nhân bền vững. Bởi lẽ, giá trị thực sự của một người nổi tiếng nằm ở chiều sâu của tâm hồn và tầm ảnh hưởng tích cực mà họ mang lại cho cuộc sống.
Sự tử tế - nền móng cho danh tiếng bền vững
Dưới góc nhìn của mình, TS. Trịnh Lê Anh, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho rằng, thượng tôn pháp luật không phải là việc nên làm, mà là nghĩa vụ bắt buộc của mọi công dân. Trong đó người nổi tiếng càng cần gương mẫu thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Khi có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, hành vi của họ không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân, mà còn tạo ra hiệu ứng xã hội. Một hành vi sai lệch từ người nổi tiếng rất dễ trở thành một “chuẩn lệch” cho một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
"Chúng ta không thể đánh đồng danh tiếng với đặc quyền miễn trừ trách nhiệm. Ngược lại, càng nổi tiếng thì càng cần nghiêm khắc với bản thân cả trong phát ngôn, hành xử và việc tuân thủ pháp luật. Bởi sự tử tế và trách nhiệm mới là thứ làm nên chiều sâu bền vững cho một thương hiệu cá nhân, chứ không phải chỉ hào quang nhất thời", TS. Trịnh Lê Anh bày tỏ.
Trong xã hội hiện đại, người nổi tiếng không chỉ là nghệ sĩ, vận động viên hay doanh nhân thành đạt, mà còn là những người có tầm ảnh hưởng đến công chúng qua mạng xã hội và truyền thông. Họ được ngưỡng mộ, săn đón, đôi khi trở thành hình mẫu cho nhiều người noi theo. Chính vì vậy, họ càng cần ý thức rõ hơn bao giờ hết vai trò và trách nhiệm xã hội của mình, đặc biệt là trong việc thượng tôn pháp luật.
"Người nổi tiếng, hơn ai hết cần hiểu rằng mỗi hành động, lời nói của bản thân đều có sức lan tỏa, có thể tác động đến người khác".
Pháp luật không phải là rào cản mà là nền tảng giúp duy trì sự công bằng và trật tự trong xã hội. Khi một người bình thường vi phạm pháp luật, đó là hành vi sai trái cần xử lý. Nhưng khi một người nổi tiếng vi phạm, tác động tiêu cực không dừng lại ở hành vi cá nhân mà còn kéo theo hệ lụy lớn về mặt xã hội. Sự sụp đổ của niềm tin nơi công chúng có thể lan rộng, đặc biệt là đối với giới trẻ, những người đang định hình nhận thức và giá trị sống của mình.
Một thương hiệu cá nhân bền vững không được tạo dựng bởi ánh hào quang phù phiếm hay lượng người theo dõi trên mạng xã hội. Nó được hình thành từ chính sự tử tế, thái độ sống trách nhiệm và cách người đó đối diện với xã hội, cộng đồng. Những giá trị đó không chỉ giúp cá nhân đó được yêu mến mà còn khơi nguồn cảm hứng tích cực cho xã hội.
Danh tiếng thực sự không nằm ở mức độ nổi tiếng, mà ở cách người ta sử dụng sự nổi tiếng đó để cống hiến. Những nghệ sĩ chọn mang tiếng hát đến vùng sâu vùng xa, những doanh nhân dùng lợi nhuận để xây trường học, hỗ trợ y tế, đó là những ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sự bền vững không đến từ hào nhoáng nhất thời mà từ sự cho đi một cách chân thành và trách nhiệm.
Trong thời đại số, sự trỗi dậy của những hiện tượng mạng, nơi danh xưng “người nổi tiếng” trở nên dễ dãi hóa, thậm chí bị lạm dụng. Do đó, TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, cần xây dựng một cơ chế giáo dục truyền thông và trách nhiệm số, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc nổi tiếng.
"Các nền tảng mạng xã hội cũng cần có bộ quy chuẩn rõ ràng hơn về nội dung, hành vi vi phạm, nhất là xử lý nghiêm minh các trường hợp kích động, lệch chuẩn văn hóa, hay vi phạm pháp luật. Xã hội cần kiến tạo lại khái niệm người có tầm ảnh hưởng để danh tiếng gắn liền với giá trị thật, chứ không chỉ là lượng view hay số lượt theo dõi", TS. Trịnh Lê Anh nhấn mạnh.
Gần đây, không thiếu những tấm gương từng nổi tiếng rực rỡ nhưng sụp đổ chỉ vì một lần coi thường pháp luật, hành xử thiếu trách nhiệm, phát ngôn lệch chuẩn hoặc vô tình tiếp tay cho việc quảng cáo sai sự thật về sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...
Người nổi tiếng, hơn ai hết cần hiểu rằng mỗi hành động, lời nói của bản thân đều có sức lan tỏa, có thể tác động đến người khác. Vì thế, họ càng cần sống tử tế, tuân thủ pháp luật và hành xử có trách nhiệm, không chỉ để giữ gìn danh tiếng của mình, mà còn vì sự lành mạnh của một xã hội đang ngày càng đề cao chuẩn mực đạo đức và pháp lý.
Khi ánh đèn sân khấu tắt, điều còn lại là nhân cách, là giá trị sống và những gì họ đã đóng góp mới là thứ ghi dấu ấn trong lòng công chúng.
Bảo Thoa